Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MỘT THẮNG LỢI - ASEAN ĐỒNG THUẬN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông)

Hình bên: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albertdel Rosario (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại lễ khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 45 - Ảnh:AFP

TT - Việc ASEAN đồng ý một bản thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) để đưa ra với Trung Quốc là một thắng lợi và là một thành công trong việc chống lại ý kiến rất sai lầm là cho Trung Quốc tham gia hay quan sát việc soạn thảo.
Việc COC đề cập đến việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), tức thông qua bên thứ ba nếu đàm phán bị bế tắc, là một điểm mới quan trọng.

Thế nhưng, như chúng ta biết, Trung Quốc luôn chống lại việc giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba. Do vậy, việc đàm phán COC với Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ vì Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương mà còn vì Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua một tòa án hay một trọng tài, tức là một bên thứ ba.

Vấn đề cơ bản hơn nữa như đã có thể thấy qua tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khi ông ta nhấn mạnh: “COC không nhằm giải quyết tranh chấp mà nhằm xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác”. Điều này có nghĩa trong khi ASEAN muốn COC bao gồm cả các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp, Trung Quốc lại chỉ muốn COC phục vụ đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” của họ.

Nếu trong đàm phán Trung Quốc thực hiện được mục đích của họ, COC sẽ trở thành bất lợi hay vô dụng đối với các nước ASEAN. Vì Trung Quốc sẽ gây tranh chấp một cách tùy tiện ở bất cứ nơi nào trên biển Đông và đòi các nước ấy “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

DƯƠNG DANH HUY (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

http://tuoitre.vn/The-gioi/Quan-sat-Binh-luan/501326/Mot-thang-loi.html

---------------------------
ASEAN ĐỒNG THUẬN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

Sơn Hà - Mỹ Loan

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang
Vinh (thứ hai từ trái sang) tại lễ khai
mạc AMM 45 -  Ảnh: AFP
 
TT - Các quốc gia ASEAN muốn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đóng vai trò nền tảng trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Theo một dự thảo đã được các ngoại trưởng ASEAN đồng ý ngày 10-7, ASEAN kêu gọi tất cả các bên “giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”. Dự thảo kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp “mà không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” và “cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không trên biển Đông”.

Cơ chế “bên thứ ba”

ASEAN đề nghị các bên tìm cách giải quyết tranh chấp trước hết trong khuôn khổ của Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) tại Đông Nam Á. Trung Quốc đã tham gia TAC từ tháng 10-2003 mà một trong những điều khoản quan trọng của TAC là cấm việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Theo dự thảo, nếu TAC không thể giải quyết được tranh chấp thì các nước cần dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Các ngoại trưởng ASEAN cũng kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền trên biển Đông có các hoạt động hợp tác để xây dựng lòng tin.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Trần Vinh Dự thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông nhận định dự thảo này có ý nghĩa lớn và là một tiến bộ bất ngờ từ phía ASEAN trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông đang ngày càng căng thẳng. Đây là lần đầu tiên các nước ASEAN thống nhất với nhau về cách xử lý tranh chấp. Theo đó, ASEAN khẳng định sẽ dựa vào TAC để giải quyết tranh chấp. Nếu TAC không giúp được gì thì sẽ dựa vào một cơ chế giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.

“Hàm ý của nó, nói một cách nôm na, là nếu không mặc cả thân thiện được với nhau thì sẽ nhờ tòa án quốc tế hoặc trọng tài. Khi đem nhau ra tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế thì sẽ dùng luật quốc tế, bao gồm cả UNCLOS, để phân xử - tiến sĩ Trần Vinh Dự cho biết - Việc cả khối ASEAN chứ không phải một vài nước riêng lẻ đồng ý với nhau về cách xử lý xung đột theo hướng này là quan trọng. Vì nó sẽ đặt nền móng pháp lý cho quá trình giải quyết xung đột sau này. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ bỏ qua tuyên bố này một cách dễ dàng.

Trước đó, báo Phnom Penh Post dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn khẳng định các ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận về các “điểm mấu chốt” trong Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Các ngoại trưởng đã đồng ý để các quan chức cấp cao ASEAN gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc thảo luận về COC. Trước đó, ngày 9-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố Bắc Kinh chỉ sẵn sàng đàm phán về COC với ASEAN “khi điều kiện chín muồi”.

ASEAN hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về COC vào cuối năm nay. AFP dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định ASEAN muốn chứng tỏ với thế giới rằng ASEAN có thể đạt được những tiến bộ về tranh chấp lãnh hải, bởi “chúng tôi sẽ thảo luận một cách có lý lẽ và hiệu quả với tất cả các bên”.

Trung Quốc sợ đưa vấn đề biển Đông ra ARF

Phản ứng trước sự đồng thuận của ASEAN về COC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước ASEAN là đã “thổi phồng” vấn đề tranh chấp ở biển Đông và cho rằng vấn đề tranh chấp chỉ có thể giải quyết trực tiếp song phương.

“Vấn đề biển Đông không là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, mà là chuyện giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN mà thôi. Thổi phồng vấn đề biển Đông là chống lại các khát vọng của người dân và xu thế chính của thời đại là tìm kiếm sự hợp tác và phát triển, đồng thời đây cũng là hành vi kìm hãm mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN” - ông Lưu Vi Dân nói.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Lưu Vi Dân nói rằng Trung Quốc tuy tuyên bố sẵn sàng đàm phán về COC, nhưng Bắc Kinh không muốn đưa vấn đề ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần này.

Quan ngại về các diễn biến trên biển Đông

Ngày 10-7 đã diễn ra Hội nghị ngoại trưởng ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Tại hội nghị, thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề biển Đông, đại diện các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển. Các đại biểu khẳng định các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, khẳng định lại lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu chín lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
GIA HÂN (từ Phnom Penh)

http://tuoitre.vn/The-gioi/501327/ASEAN-dong-thuan-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét