Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÁC NƯỚC LỚN CHỐNG LẠI TRUNG QUỐC ĐỘC BÁ BIỂN ĐÔNG

TS Nguyễn Ngọc Trường 
15-8-2012 - Tổ Quốc


Hình bên: Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước ASEAN: Chiến hạm Nhật Bản cập cảng Philippines - một mắt xích quan trọng trong xây dựng vành đai hoạt động thứ hai của hải quân Nhật Bản

Đông Nam Á/Biển Đông đang hình thành  cục diện mới với sự phân hóa quan hệ quốc tế, đòi hỏi đổi mới tư duy nhận thức về lợi ích quốc gia, tránh bị bất ngờ chiến lược.

Những sự kiện nóng tại Biển Đông trong thời gian qua dường như làm lu mờ những chuyển động khác có giá trị tiềm ẩn. Chính sách của các nước lớn liên quan tới khu vực, theo cách thức đơn phương hay đa phương, đều chuyển động theo hướng tạo sự răn đe tiềm ẩn chống lại sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông. “Vụ Tam Sa” báo hiệu một giai đoạn mới trong nỗ lực của Trung Quốc độc bá Biển Đông, tiến tới phá vỡ nguyên trạng vùng biển Đông Á và hướng tới kiểm soát khu vực trọng yếu này của thế giới.


Các nước lớn chống lại Trung Quốc độc bá Biển Đông

Mối quan ngại này được ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney mới đây nêu bật với tiền đề cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thống trị châu Á, nhằm đẩy bật ảnh hưởng các nước lớn ra khỏi khu vực. Ông Romney nhấn mạnh: “Cần làm nhụt chí Trung Quốc trong nỗ lực thống trị các nước láng giềng. Nếu chính quyền Trung Quốc hiện nay được tự do thiết lập quyền lực chủ đạo tại Tây Thái Bình Dương thì họ có thể  ngăn chặn các quan hệ hợp tác của Mỹ và phương Tây với các nước trong khu vực”. 

Nhật Bản đang lặng lẽ tăng cường sức mạnh hải quân. Vành đai hoạt động thứ hai của hải quân Nhật Bản tập trung chủ yếu vào Biển Đông - nơi vận chuyển tới 88% lượng hàng hóa tới Nhật Bản. Nhật Bản còn có các mối quan hệ thương mại song phương đáng kể ở khu vực và phần lớn các cơ sở công nghiệp của nước này đặt ở các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông. Hơn nữa, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đại bộ phận vùng biển này tạo ra mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản có mối quan tâm trực tiếp để đảm bảo rằng Trung Quốc không giành thế độc quyền thương mại và hải quân ở khu vực này. Bên cạnh phối hợp lập trường ngoại giao, tổ chức đối thoại hợp tác an ninh hàng hải với ASEAN, chính quyền Noda tập trung hỗ trợ việc xây dựng lực lượng hải tuần của Philippines. Đối với Nhật Bản, giúp người là tự giúp mình. Bởi vì vành đai thứ hai ở Biển Đông sẽ hỗ trợ, khi nó phân tán lực lượng của Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào vành đai phòng ngự hải quân thứ nhất là vùng biển bao quanh Nhật Bản và các đảo Senkaku. Đồng thời, qua đây, Nhật Bản tập hợp lực lượng nhằm mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản về chính trị, kinh tế, cũng như tăng cường sự hiện diện và sức mạnh hải quân của Nhật Bản.

Ấn Độ có mọi lý do để cùng với Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước nhỏ giáp Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện hải quân, cũng như hiện diện kinh tế của New Delhi ở khu vực. Kiên trì chiến lược của mình trên hai hướng ấy, Ấn Độ tiến hành tập trận, thăm viếng hải quân và tăng cường hợp tác với các quốc gia giáp Biển Đông.

Ấn Độ muốn tăng cường sự hiện diện kinh tế tại khu vực. Và việc hợp tác khai thác dầu khí là một cơ hội để thúc đẩy mục tiêu đó. Việc Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (PMGC) tái khẳng định tiếp tục dự án thăm dò dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một phản ứng trực tiếp trước những thay đổi liên quan đến những phát triển gần đây tại Biển Đông do một loạt động thái do Trung Quốc gây ra. Ý nghĩa chiến lược của việc Ấn Độ tái khẳng định tiếp tục dự án thăm dò dầu khí  là rõ rệt: chống lại sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông.

Nước Nga lâu nay vốn giữ thái độ thận trọng và trung lập trong cuộc tranh chấp Biển Đông, gần đây đã không đứng ngoài cuộc. Biển Đông đã được đề cập trong các thỏa thuận quan trọng tại cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Việt cuối tháng 7 vừa qua diễn ra tại Sochi. Trong Tuyên bố chung có đoạn ghi rõ: “Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại Biển Đông”.

Đó là một sự cam kết có nguyên tắc và quan trọng của nước Nga, một cường quốc đang từng bước tái can dự trở lại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á/Biển Đông. Lập trường nêu trong Tuyên bố chung Nga-Việt rất gần với lập trường 6 điểm mà ASEAN đạt được theo sáng kiến Biển Đông mà Ngoại trưởng Indonesia đưa ra trong chuyến ngoại giao con thoi cuối tháng 7 vừa rồi.

Cũng như Ấn Độ chống lại sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông, việc Nga cam kết tiếp tục các dự án khai thác dầu khí với Việt Nam tại vùng thềm lục địa của Việt Nam là sự khẳng định lập trường của Kremlin về thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập mà Vladimir Putin cam kết hồi tháng 3 năm nay trong cương lĩnh tranh cử tổng thống.

Cần đổi mới tư duy nhận thức về cục diện mới và lợi ích quốc gia

Cục diện mới ở Đông Nam Á/Biển Đông đang hình thành, khi khu vực này trở thành một tiêu điểm của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tại châu Á. Cuộc cạnh tranh ấy đang phân hóa sâu sắc các quan hệ quốc tế ở châu Á. Các quan hệ láng giềng khu vực Đông Nam Á, Đông Dương, đang thay đổi nhanh chóng theo cách thức chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trong khi nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ đi với Mỹ về an ninh, lại tiếp tục theo đuổi việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với Trung Quốc.

Sự phức tạp mới về địa- chính trị/kinh tế  của khu vực châu Á, cũng như Đông Nam Á/Biển Đông đang tạo ra những thách thức mới đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới tư duy nhận thức về sự phức tạp của cục diện, về lợi ích quốc gia, về hợp tác và đấu tranh… Có như vậy mới phát huy được đầy đủ vị trí địa-chiến lược của Việt Nam trong chính sách của các nước lớn, trong hợp tác - đấu tranh, đồng thời mới tránh được sự bất ngờ chiến lược trong quan với các nước láng giềng, khu vực./.

http://www.toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/110317/cac-nuoc-lon-chong-lai-trung-quoc-doc-ba-bien-dong.aspx


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét