Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 3: KẺ THÙ CỦA HAI BÀ TRƯNG LÀ KẺ THÙ NÀO ? KHÔNG CHUẨN THÌ PHẢI CHỈNH

Nguyễn Quang Lập
Quê Choa
24-8-2012 - Cập nhật

Kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào? Đó là câu hỏi của một phụ huynh khi đọc chuyện Hai Bà Trưng trong sách giáo khoa lớp 3 của  Nxb Giá Dục: “Phe ta” có các nhân vật: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, đoàn quân khởi nghĩa. “Phe địch” được liệt kê theo thứ tự trong bài: giặc ngoại xâm, quân xâm lược, tướng giặc Tô Định, kẻ thù, giặc, quân thù và cuối cùng lại là ngoại xâm. Đanh thép tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm nhưng không muốn cho các cháu biết đó là giặc nào? Rồi ‘lòng dân oán hận ngút trời’, các cháu cũng không được quyền biết lòng dân oán hận ai?”

Chúng tôi đã đọc lại chuyện Hai Bà Trưngtrong sách giáo khoa lớp 3 và thấy quả nhiên là như vậy. Không rõ tác giả và nhóm soạn giả SGK vô tình hay hữu ý nhưng bất luận lý do gì điều đó cũng không chấp nhận được.

Nhất là ta đang sống trong khoảng thời gian lịch sử “ rất nhạy cảm”, khi mà, nói như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, 2 lần VTV xảy ra sự cố cờ 6 sao, trang web Du lịch Hà Nội ghi biển Đà Nẵng là China Beach, sách giáo khoa của nhà Xuất bản Giáo Dục lại in bản đồ của Trung Quốc ngoài bìa, ở đó biển Việt Nam không có Hoàng Sa và trường sa…


Không ai có thể chấp nhận được câu mở đầu như thế này: “Thuở xưa nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ”. Đó là lối viết vừa mơ hồ về lịch sử vừa tù mù về văn cách. Biên tập cuốn sách, Ths Đào Tiến Thi giải thích: “Trong khi học, nếu học sinh có hỏi ( giặc ngoại xâm nào?), cô giáo cũng không khó trả lời”. Còn chủ biên cuốn sách, Gs Nguyễn Minh Thuyết thì bảo: “Bởi vì đối với lớp 3 phải rất hạn chế các thông tin không cần thiết. Vì nếu chỉ cần nói “giặc Hán” thì lại phải chú thích Hán là triều đại nào, điều đó rất trừu tượng với học sinh lớp 3”. Những giải thích nói trên không thể  nói khác hơn là lối phân bua chống chế .

Tại sao không viết ngay “giặc nhà Hán” , phải đợi khi học sinh hỏi cô giáo mới trả lời? Ở phần Gợi  ý cảm thụ của bài đọc, các soạn giả cuốn sách đã viết: “Những năm đầu công nguyên, nước ta bị nhà Hán đô hộ, dưới ách tham tàn của chúng, dân ta vô cùng cực khổ…”, thiết nghĩ đó là câu mở đầu chuẩn không cần chỉnh, tại sao không dùng nó? Còn như giải thích như GS Nguyễn Minh Thuyết thì tại sao cũng trong sGK lớp 3 đó chuyện Lê Lai cứu chúalại ghi là giặc Minh, chuyện Trần Bình Trọng lại ghi là giặc Nguyên? Phải chẳng nói giặc Minh, giặc Nguyên ít ai biết  còn nói giặc Hán người ta biết ngay là Trung Quốc?*

Ở đây không phải là chuyện có bé xé ra to. Ngày nay để cho các em học sinh phải hỏi “kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào?” thì thật là chua xót, chuyện đó quyết không là chuyện nhỏ. Đã sai phải công nhận đó là sai và nhanh chóng sửa chữa, chớ có phân bua chống chế, nhất là những trí thức đáng trọng như Gs Nguyễn Minh Thuyết và Ths Đào Tiến Thi. Các ông đã dám cất cao tiếng nói trung thực và khẳng khái trước cái ác và cái xấu làm nức lòng dân chúng. Để cho tiếng nói của các ông tiếp tục làm nức lòng dân chúng, hà cớ gì phải phân bua chống chế trước một sai sót?

………
* Ngay phần ghi nhớ cuối chuyện đã chống lại lý lẽ của gs Nguyễn Minh Thuyết: “Dưới ách đô hộ của nhà Hán, dân ta trăm đường cực khổ. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi hết quân giặc về nước.” Đừng bảo đã có ở phần ghi nhớ rồi nên trong bài không có cũng được nhé. Chúng tôi đang bàn đến chuyện Hai Bà Trưng với tư cách một tác phẩm độc lập.

Nguyễn Quang Lập
http://quechoa.vn/2012/08/24/khong-chuan-thi-phai-chinh/#more-25968

================

SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 3: 
KẺ THÙ CỦA HAI BÀ TRƯNG LÀ KẺ THÙ NÀO?
Tâm Sự Y Giáo
19-8-2012

Phản hồi
AnhChín nói... 09:25 Ngày 19 tháng 8 năm 2012
Kết bài là "Theo Văn Lang", Văn Lang là ai? Sử là sử, chứ sao lại "theo" như một bài báo dịch từ báo nước ngoài?

SGK Tiếng Việt 3 không được lươn lẹo né tránh nữa, mà phải nói cho rõ rằng: Kẻ thù của Hai Bà Trưng chính là GIẶC HÁN! 

Chuẩn bị bước vào năm học mới, mẹ của cu út nhà minh (tức là vợ mình) ra hiệu sách mua về cho con một bộ sách lớp 3 mới tinh, giao nhiệm vụ cho bố nó (tức là mình) : “Anh phải sắp xếp thời gian, lên kế hoạch để khẩn trương tiến hành việc bọc sách cho con. Mà anh phải bọc cho đẹp nhằm tạo điều kiện cho con chúng mình học giỏi”.

Như bao lần khác, tất nhiên là mình răm rắp tuân lệnh. Trong nhà, việc mình luôn luôn nghe lời và kính trọng vợ đã trở thành một qui luật, một tất yếu mang tính khách quan. Thấy mình nhanh chóng thi hành, vợ mình vui lắm, vừa quét nhà vừa huýt sáo và cười bảo: Anh mà không nghe lời em thì em sẽ tiến hành cưỡng chế đấy, em là em không có dọa anh đâu.

Đang thao tác ngon trớn, bọc đến quyển TIẾNG VIỆT 3 – Tập Hai thì bỗng phát hiện ra một vấn đề mình cho là quan trọng. Mình đăng lại đây để nhờ bà con cho ý kiến nha, đó là: KẺ THÙ CỦA HAI BÀ TRƯNG LÀ KẺ THÙ NÀO?

Chủ điểm đầu tiên của cuốn sách này là Bảo vệ Tổ Quốc. Bài đầu tiên của chủ điểm và cũng là của cuốn sách là bài “Hai Bà Trưng”, kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Các địa danh trong bài được nêu ra cụ thể là: Mê Linh, thành Luy Lâu.

“Phe ta” có các nhân vật:Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, đoàn quân khởi nghĩa.
“Phe địch” được liệt kê theo thứ tự trong bài: giặc ngoại xâm, quân xâm lược, tướng giặc Tô Định, kẻ thù, giặc, quân thù và cuối cùng lại là ngoại xâm.

Tội ác của “địch” được vạch trần, tố cáo mạnh mẽ trong đoạn đầu tiên: “Chúng thẳng tay chém giết dân lành, cướp hết ruộng nương màu mỡ. Chúng bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai, khiến bao người thiệt mạng vì hổ báo, cá sấu, thuồng luồng”, từ đó “Lòng dân oán hận ngút trời, chỉ chờ dịp vùng lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Đọc đi đọc lại cả bài bao nhiêu lần, quên cả việc bọc sách cho thằng cu, mình cũng không thấy chỗ nào nói rõ kẻ thù của Hai Bà Trưng, cũng là kẻ thù của đất nước ta hồi đó, là kẻ thù nào. Đây là bài nằm trong chủ điểm Bảo vệ Tổ Quốc, lại không dám nêu rõ danh tính kẻ thù của Hai Bà Trưng, là làm sao?







Đanh thép tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm nhưng không muốn cho các cháu biết đó là giặc nào? Rồi ‘lòng dân oán hận ngút trời’, các cháu cũng không được quyền biết lòng dân oán hận ai? Rồi thì ‘chỉ chờ dịp vùng lên đánh đuổi bọn xâm lược’, các cháu cũng mù tịt luôn, chẳng được quyền hiểu rõ là đánh đuổi bọn xâm lược nào?

Lẽ nào trong SGK dành cho các cháu nhi đồng, người lớn lại tiếp tục thể hiện sự né tránh, sợ hãi, hèn nhát?

Muốn tránh cũng chẳng được. Các cháu khi học bài này chắc chắn sẽ hỏi cô giáo: “thưa cô, kẻ thù của Hai Bà Trưng là giặc nào?”, và chắc chắn cô giáo phải trả lời thẳng vào câu hỏi, không thể né tránh sự thật lịch sử như SGK được. Rôi theo thời gian, tự các cháu cũng sẽ tìm ra được danh tính kẻ thù của Hai Bà Trưng.

Trước tâm hồn bé bỏng trong trắng của các cháu mà người lớn dám cắt xén, bưng bít sự thật lịch sử, thì đó là một cái tội không nhỏ. Cái tội này đối với tiền nhân, đối với lịch sử dân tộc còn to hơn nhiều.

Từ những năm tháng đầu tiên dưới mái trường, các thế hệ con cháu của chúng ta phải được học, được biết sự thật lịch sử này.

SGK Tiếng Việt 3 không được lươn lẹo né tránh nữa, mà phải nói cho rõ rằng: Kẻ thù của Hai Bà Trưng chính là GIẶC HÁN!

http://ygiao.blogspot.sk/2012/08/sach-tieng-viet-lop-3-ke-thu-cua-hai-ba.html


1 nhận xét:

  1. TRẦN GIAN THẾ6/1/14 13:34

    Các GS, TS, như Ô. Thuyết, Ô. Thi chữ nghĩa đầy mình lại muốn làm tù mù câu chuyện, né tránh không dám đụng đến kẻ thù truyền kiếp của dân tộc VN. Thôi thì, để có chén cơm ăn, phải làm theo đơn đặt hàng thôi: Thà sống nhục, viết nhục mà có cơm còn hơn trung thực mà mất ...sổ hiu!!!
    Nếu không dám chỉ thẳng kẻ thù là giặc Hán, hãy làm...Vũ như Cẩn, gọi kẻ thù là KẺ LẠ giống như tàu địch,Tàu cộng gọi là tàu lạ.
    ÔI, NHỤC VÀ XÓT QUÁ!!!

    Trả lờiXóa