Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TỪ RADIO ĐẾN IPOD BAO NĂM RỒI VẪN THẾ

Tưởng Năng Tiến
20-9-2012

Nghe đài, đọc báo của ta
Chớ nghe đài địch, ba hoa nói càn
Ca dao thời XHCN

"Tôi biết Nguyễn Lương Bằng từ năm tôi lên mười. Một hôm cha tôi trở về khuya, mặt đăm chiêu. Ông nói nhỏ với mẹ tôi: "Anh Sao Đỏ vượt ngục rồi!"

- Anh ấy hiện ở đâu ? - mẹ tôi lo lắng.
- Đang đợi xem sao. Tụi nó lùng dữ lắm. Treo giải thưởng một vạn đồng Đông Dương cho cái đầu Sao Đỏ.
- Đã có chỗ trốn cho anh ấy chưa?
- Mình phải lo cho anh ấy thôi!

Mẹ tôi nói rằng không thể để Sao Đỏ ở nơi nào khác, mọi chỗ đều không an toàn, đều nguy hiểm. Phải đưa ông về nhà mình. Đó chính là chỗ mật thám ít ngờ nhất - chúng không nghĩ Nguyễn Lương Bằng lại về nhà người bạn tù vừa được tha.


Hôm sau cha tôi mang về tờ Tin Mới với dòng nhắn tin trong mục Rao Vặt: "Ông Cả Hà Đông hiện ở đâu, về nhà ngay, cả nhà đang đợi ông".

Một người đàn ông gày gò, đen đủi tới nhà tôi vào ban đêm rồi ở lại hẳn. .. Chúng tôi được bố mẹ dặn đi dặn lại rằng người ở trong nhà chúng tôi tên là Bác Cả Hà Đông và cấm chỉ không được nói với ai bác đang ở đây. ... Tên gọi Bác Cả Hà Đông còn lại rất lâu trong trí nhớ của chúng tôi. Bí danh Ông Cả, Anh Cả của ông Nguyễn Lương Bằng có từ ngày đó. Nếu nó có trước chắc cha tôi đã không dám dùng nó trong mục Rao Vặt để tìm ông.

Cha tôi đem về nhà một cái máy thu thanh Phillips, để nó trong phòng bác Cả. Đêm đêm cái mắt thần của nó ánh lên màu xanh lục trong vắt rất đẹp. Chính quyền thuộc địa bắt dân phải mang máy thu thanh đến Nha Bưu chính để kẹp chì không cho nghe đài ngoại quốc, chỉ được nghe đài Hà Nội và Sài Gòn. Cái máy Phillips không đăng ký, không bị kẹp chì, vẫn bắt được mọi đài trên thế giới. Đêm đêm bố mẹ tôi và bác Cả Hà đông ngồi rất khuya, áp tai vào bên loa nghe tiếng thì thào của nó. Bác Cả ở nhà tôi mấy tháng liền, cho tới khi vụ vượt ngục nhạt dần mới bỏ đi. Mẹ tôi sắm cho ông đủ lệ bộ để thành một ông chánh tổng hoặc lý trưởng ra tỉnh : ô Lục Soạn, áo the thâm, giày Gia Định...

Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Đưa ông đi khỏi địa phận Sơn La xong, trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu. Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại bà mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Bác Cả Hà Đông của tôi chưa một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp.” 
(Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).

Để qúi ông Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng...  có cơ hội trở thành chủ tịch nước (thay cho những ông quan Tây thời thuộc địa) không hiểu cần phải bao nhiêu triệu thanh niên Việt Nam mất mạng, và bao nhiêu triệu bà mẹ mất con – như “bà lão tội nghiệp” kể trên. Sự mất mát này quá lớn lao, và vô cùng phí phạm. Bởi thế, cuối đời, thân phụ nhà văn Vũ Thư Hiên – một nhân vật bỏ (phí) hết đời cho cách mạng  – đã buồn rầu tâm sự:

- Con biết vì sao lâu rồi bố không về quê hương không?
- ...
- Bố nhớ làng xóm lắm. Nhưng bố xấu hổ. Sau này con về, nhớ nói bố xin lỗi bà con. Bố đi làm cách mạng không phải để mọi người phải sống cuộc sống như thế này. Là con người, ai cũng vậy, không khổ vì thiếu thốn bằng khổ vì nhục. Một chế độ hạ nhục con người không phải là chế độ nhân dân ta lựa chọn. (sđd, trang 306).


Một trong những cách “hạ nhục con người” bên trong bức màn sắt là người dân khó khăn lắm mới được “duyệt” mua một cái đài, và luật đăng ký sở hữu máy thu thanh (với rất nhiều điều khoản) khắt khe hơn nhiều – so với thời thuộc địa: “Mất giấy đăng ký 15 ngày phải báo bưu điện. Di chuyển đi tỉnh khác hoặc di chuyển về phải làm thủ tục tại bưu điện cấp giấy gốc ...”

Và riêng chuyện này thì đường lối chính sách cách mạng ở ta, cũng như ở Tầu, đều giống nhau như đúc – theo như lời của nhà văn Trương Hiền Lượng:

“Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, máy thu thanh được gắn liền với ‘đặc vụ’ và ‘phản cách mạng.’ Ý thức đó thấm vào tận tế bào dây thần kinh của mỗi người, bất cứ nhà nào có máy thu thanh đều có thể gây ra cảnh giác đặc biệt của những người xung quanh.

Một cái hộp đen bé tí xíu, vậy mà sâu thẳm không lường, chứa đựng trong đó cả một thế giới tội ác. Còn thế giới cách mạng quang minh chính đại thì chỉ tồn tại trong cái loa to đùng, mỗi ngày phát thanh ba buổi. Ngoài cái loa ấy ra, tất cả đều nói dối, đều là lời rủa nguyền của ma quỷ tuốt.

Nhưng khoa học kỹ thuật vẫn ngày đêm chọc thủng mọi biên giới quốc gia nghiêm mật nhất, chọc thủng mọi giới hạn về hình thái ý thức tưởng chừng như không thể vượt qua. Bằng làn sóng vô tuyến điện mà mắt người không nhìn thấy được, nó bủa lên cả thế giới này một tấm lưới cực kỳ bền chặt, thít lại, nghiền nhét tất cả những nắm đất manh mún rời rạc khắp nơi thành một khối thống nhất.

Tôi xúc động lắp pin vào, kéo ăng ten cần câu lên, đeo tai nghe vào. Trong giây phút đó, chính bản thân tôi cũng có cảm giác phạm tội, mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng nghe đài chẳng có gì là tội lỗi cả – đã tin mình nắm chân lý trong tay, thì việc gì còn sợ nhân dân nghe những lời nói dối – nhưng mấy đầu ngón tay tôi vẫn run như cầy sấy, không sao ngăn nổi, đầu ngón tay tôi đang dò tìm từng quãng sóng. Làn sóng điện xuyên qua bầu trời Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Biển Đỏ, vượt qua đỉnh cao nhất trên dãy Hi-ma-lai-ya, mang theo tiếng rú gào của bão bùng giông tố truyền đến màng nhĩ tai tôi. Đêm hôm đó, tôi nghe mãi cho đến khi tất cả các buổi phát thanh tiếng Hoa đều kết thúc.” (Trương Hiền Lượng, Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà. Bản dịch Phan Thịnh. California: Văn Nghệ, 1995).

Thiệt: nghe mà muốn ứa nước mắt. Sao mà khổ dữ vậy, Trời? Nghĩ mà thương cho một phần nhân loại, một thời. Cái thời (thổ tả) đó, may quá, đã qua. Những phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại đã làm cho quả đất thu nhỏ lại, và khiến cho những bức màn sắt trở nên vô dụng.

Gió cũng đã chuyển. Bây giờ, những kẻ hay thương vay khóc muớn (như kẻ đang viết những dòng chữ này) cũng phải chuyển sự thương cảm qua... phía khác – phía của những người thuộc giới cầm quyền và đang dần thất thế!

Năm ngoái, vào ngày 2 tháng 5 năm 2011, AFP (rầu rĩ) đưa tin: “Bắc Hàn tịch thu điện thoại di động để ngăn chận tin tức.” (N. Korea seizes mobile phones to curb news). Những dụng cụ truyền tin (hiện đại) này được nhập lậu từ Trung Cộng, và đang bị khuyến cáo là phải mang nộp ngay cho cảnh sát; nếu không, sở hữu chủ sẽ bị trừng phạt về tội “truyền bá ý tưởng tư bản và làm xói mòn chủ nghĩa xã hội.” Chỉ riêng ở Hyesan, một thành phố độ chừng một trăm ngàn dân, đã có hơn năm ngàn người sở hữu điện thoại cầm tay – vẫn theo như bản tin thượng dẫn.

Không cần phải là thầy bói người ta cũng có thể đoán được rằng (từ đây) công an và cảnh sát Bắc Hàn sẽ ‘busy” hết biết luôn, và bận rộn cho tới ... chết – hay cho tới khi chế độ này chấm hết, whichever come first! Nghĩ sao thấy ái ngại quá cho cái nghề an ninh ở cái thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay!

Những cô gái Bắc Hàn đang text trong
công viên, tại Thủ Đô Bình Nhưỡng.
Nguồn: 
AFP
Quan năm nay, cũng AFP, vào ngày 13 tháng 9, lại hốt hoảng đưa một tin buồn bã và thương tâm khác khác: “Vietnam PM lashes out at political blogs.” Thủ Tướng Việt Nam tấn công bờ lốc có nội dung chính chị.” Xin coi nguyên bản, cho nó chắc ăn:

Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước...

Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.

Anh Ba Thợ Chích khiến thiên hạ nhớ đến những khẩu hiệu (cũ rích) của Đảng vào hồi giữa thế kỷ vừa rồi:

Nghe đài, đọc báo của ta
Chớ nghe đài địch, ba hoa nói càn.

Thiệt nghe cứ y như “chuyện giỡn,” theo như nhận xét của blogger Đinh Mạnh Vĩnh: “Ông Thủ tướng thích bông đùa, hèn chi lệnh của ông càng ngày càng trở thành trò hề cho bàn dân thiên hạ cười vào mũi!” Blogger Cầu Nhật Tân thì có lời bàn (ra) nghe rất phũ phàng:

Công văn hỏa tốc 7169 vừa được Thời sự VTV loan tối qua làm những ai đã trải qua giai đoạn đen tối nhất không khỏi sững sờ. Mấy chục năm trước, muốn nghe tin tức trung thực về những gì diễn ra ngay tại thành phố mình đang sống, người ta phải đưa máy thu thanh vào trong buồng, vặn nhỏ và kín đáo rò sóng đài BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ. Rất có thể bên ngoài là một đôi tai thính của bác công an xóm đang mẫn cán rình rập. Nghe đài địch, tàng trữ và sử dụng văn hóa phẩm phản động (nhạc vàng, nhạc tiền chiến) là những tội tày trời hồi đó. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được người dân ‘vượt giới tuyến’ đi tìm kiếm sự thật. ...

Và tối qua, nghe Thời sự VTV  (http://youtu.be/QMSl4luSLZA ) cô phát thanh viên loan Công văn hỏa tốc 7169 mà giật mình nghĩ: Bao năm rồi vẫn thế.”


Radio xuất hiện vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, iPod có mặt ngay năm đầu tiên của thế kỷ này. Một trăm năm qua nhân loại đã bước những bước tiến vĩ đại, trong khi toàn Đảng vẫn cứ ngủ say trong hang Pác Bó, cứ y như là “không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra” hết trơn hết trọi. Chưa bị đào thải thì mới là chuyện lạ, chứ “vẫn thế” thế (đéo) nào được nữa – mấy cha?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét