Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 3

Nguyễn Hữu Chí
14-04-2013

KỲ 3
Không hận thù cộng sản sao được, khi chế độ cộng sản đó đã nhồi nhét, tuyên truyền, xúi dục tôi căm thù cha của tôi, một người đã thương yêu tôi vô cùng, đã bồng ẵm, nuôi nấng tôi khôn lớn, đã dậy cho tôi đọc cửu chương vào mỗi tối, đã nhường cơm xẻ áo cho tôi trong suốt những năm dài cơ cực thiếu thốn. 

Bình thường, tình phụ tử trong cảnh “gà trống nuôi con” đã lớn lao vô bờ bến. Rồi sống trong cảnh thiếu thốn, đói khát, ngay cả của khoai hà, khoai nhím cũng không có mà ăn, rau muống, rau sam cũng không có đủ để luộc, nước mắm không có phải dùng nước rau pha muối để chấm…. thì tình thương yêu, xót xa của cha tôi dành cho tôi hẳn phải lớn lao lắm.

Sau này, khi tôi có con, mỗi khi tôi cúi xuống chiếc nôi nơi con của tôi đang thiêm thiếp ngủ, để hôn con trước khi đi làm, thấy hơi ấm, mùi thơm da thịt của con thoang thoảng mùi sữa, tôi thấy yêu thương con tôi vô cùng. Tình yêu thương đó cứ ngây ngất trong tâm hồn tôi suốt chặng đường lái xe đến chỗ làm. “Sinh con mới biết lòng cha mẹ”. Có sống trong tâm trạng yêu thương con ngây ngất như vậy, tôi mới hiểu được tấm lòng yêu thương sâu thẳm không bút mực nào tả xiết của cha tôi dành cho tôi. Tôi cứ tưởng tưởng đến cảnh những đêm đông giá lạnh cắt da cắt thịt ở làng Đồng Văn, cách Hà Nội 5 cây số, cha tôi phải bế tôi đi xin sữa, kiên nhẫn đứng chầu chực có khi hàng tiếng đồng hồ ở ngoài cửa, thì thầm, năn nỉ van xin, lậy lục… miễn sao cho tôi có chút sữa bú. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, nên đâu có biết được cảnh tượng đó đau lòng như thế nào. Sau này, thỉnh thoảng nghe cha tôi kể, tôi cũng không để ý nhiều. Mãi sau, nghe cô Vinh, có tiệm bán bánh mì ở Đồng Văn (mà khi còn bé tôi vẫn vòi cha tôi mua ‘bánh tây Vinh’), vừa khóc thút thít vừa kể lại cho tôi nghe, tôi mới xúc động, ôm cô Vinh mà khóc, để thấy tình thương chất ngất dành cho cha tôi….

Nhưng đó là tình thương yêu của cha tôi đến với tôi qua lời kể của cô Vinh. Còn sau này, tình thương yêu của cha tôi đến với tôi từng giờ, từng phút, trong nỗi niềm đau đớn xót xa, tủi nhục ê chề, của những người sa cơ thất thế, nghèo khổ vô cùng, phải sống cạnh những người khá giả, để thấy mình lúc nào cũng thèm thuồng, đói khát, cả vật chất lẫn tình yêu. Tôi đã sống trong nỗi đói khát rùng rợn, thèm thuồng thường trực đó, nên tôi nghiệm thấy, khi bụng đói không phải một ngày mà đói kinh niên, thì người ta dễ trở nên hèn hạ, dễ hư hỏng, ăn cắp ăn trộm và rất hay tủi thân, hay khóc thầm một mình… Tôi đã trải qua tất cả những chuyện xấu xa đó ở tuổi ấu thơ, và bây giờ khi viết những dòng chữ này, nhớ lại những chuyện xấu xa tôi đã phạm, tôi vẫn còn thấy người nổi gai vì xấu hổ, mà cổ thì nghẹn ngào, mắt lại rưng rưng…

Tôi phải thú thực với các bạn, đến hôm nay, khi viết những dòng chữ này, tôi mới viết được có hơn hai trang hồi ký, nhưng tôi đã xúc động nhiều lắm. Tôi thương cha của tôi, trong những bữa “cơm” chiều vào lúc hoàng hôn chập choạng, vẫn thường nhịn đói, chỉ húp nước rau muống trừ “cơm” để nhường “cơm độn mì, độn khoai” cho tôi ăn… Chính tấm lòng yêu thương vô bờ bến của cha và sự nhường nhịn của cha, đã giúp tôi không bước vào con đường tội lỗi, tranh giành, lừa lọc, bon chen, nhỏ nhe. Nhờ tình yêu thương của cha, tôi tuy lớn lên trong nghèo túng, đói khát, thiếu thốn, nhưng lúc nào cũng ngẩng cao đầu, biết khiêm tốn trong cư xử, nhưng trong lòng lúc nào cũng biết tự hào với những giá trị tinh thần mà cha của mình đã trau dồi, bồi đắp.

Cha của tôi, dưới thời Pháp thuộc có đi làm cho Pháp, nhưng vì cãi nhau với viên công sứ Pháp nên cha của tôi về hưu non. Sau đó, cha của tôi quay ra mở tiệm bán thuốc lào ở Hà Nội, mở đồn điền trồng lúa, nuôi bò, dê tại Bút Sơn (quê hương của vợ hai của cha tôi), mở các tiệm bán vải ở Phú Lý cho 5 bà chị trông nom tập làm ăn, và tậu nhiều ruộng đất ở làng Đầm, làng Sui, rồi nhà cửa ở Hà Nội. Vì thời đó, trọng nam khinh nữ, nên mỗi khi tậu ruộng, cha tôi đều cho người con trai trưởng là ông anh của tôi đứng tên. Việc này đã tạo nên nhiều sóng gió ghen tuông trong gia đình tôi nên sau đó, cha tôi đã bán cả trăm mẫu ruộng, lấy tiền chia cho các bà chị. Sau này, chuyện trò với cụ lang An, cha tôi vẫn thường nhắc lại chuyện này và coi đó là chuyện rủi mà hóa may, vì nếu không bán đi cả trăm mẫu ruộng, chắc chắn cha tôi đã bị tử hình ngay từ những cuộc đấu tố cải cách ruộng đất đầu tiên tại làng Đầm.

Sau này, trong một dịp nghỉ hè, trường tôi phải đi lao động ở nông trường ép đậu phộng ở gần Bút Sơn, tôi mới tình cờ được nghe ông cụ thân sinh của người bạn học kể chuyện khi cụ học ở Phủ Lý, cụ có trọ học ở nhà cha của tôi. 

Buổi tối hôm đó, cụ kể cho tôi nghe chuyện, năm đói Ất Dậu 1945, cha của tôi đã cho phá kho thóc ở làng Bút Sơn để phát chẩn cho người nghèo như thế nào, và người dân ở Bút Sơn đã coi cha của tôi như một vị ân nhân ra làm sao. Nghe chuyện cụ kể, tôi càng thêm ân hận, xót xa, thêm căm giận chính mình. 

Thì ra đâu phải ai địa chủ cũng là tàn ác, cũng là có “nợ máu với nhân dân”. Vậy là nhờ tình yêu thương của cha tôi, nhờ đọc những trang sách cấm của anh tôi giấu trên nóc nhà, nhờ được giao tiếp với những người thuộc thế hệ chú, bác, đàn anh, thời Pháp thuộc, và nhờ chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt trong xã hội cộng sản, dần dần tôi nhận ra, cái chế độ cộng sản mà tôi đang sống không thực sự lý tưởng, cao đẹp, “thiên đường xã hội chủ nghĩa” như người ta tuyên truyền, nhồi nhét… Cũng nhờ tôi “khôn lớn” hiểu rõ địa chủ là thế nào, nên từ đó, cha của tôi thường hay tâm sự với tôi hơn. Cho đến ngày tôi chuẩn bị lên đường “sinh Bắc tử Nam”, cha của tôi đã nói chuyện với tôi thật nhiều… Rồi trong nước mắt của cha, nước mắt của tôi, tôi nghe cha dặn dò, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Tao sinh ra mày không phải là để cho mày chết uổng. Trong Nam mày có 5 bà chị ruột, vào đó tìm các bà ấy, bảo các chị muốn báo hiếu cho cha thì lo nuôi cho em ăn học thành tài!”

Vậy là tôi đội nón cối, đi dép râu, theo sư đoàn chính quy 324B của cộng sản xâm lăng Miền Nam, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng ấp ủ quyết tâm tìm bằng được các bà chị để bảo, “Các chị muốn báo hiếu cho cha thì lo nuôi cho em ăn học thành tài!”…

Là một người lính thông tin hữu tuyến, nên tôi phải đeo dây, đeo máy điện thoại, đeo 4 trái lựu đạn. Một tiểu đội thông tin có 4 khẩu súng AK-47, cứ trung bình ba người thì được phân phối một khẩu. Tôi nghe những người đã từng vô B (vô Nam) kể, nhiều khi lính “ngụy” (tức lính VNCH), cắt giây điện, rồi phục kích chờ tụi tôi đến sửa đường dây là làm “thịt” (bắn chết) hoặc bắt sống. 

Nghe chuyện, tôi nửa sợ, nửa mừng. Sợ là mình có thể bị lính VNCH phục kích, chưa kịp dơ tay đầu hàng thì đã bị làm thịt bất ngờ. Mừng là, biết đâu mình bị phục kích, nhưng sẽ được lính VNCH bắt sống, thì hay biết mấy… Sau mấy đêm thao thức suy nghĩ, tôi thấy tôi không thể để cuộc đời may rủi một cách nguy hiểm như vậy được. Tôi phải làm cách nào, để dù có bị phục kích, lính VNCH cũng không nỡ bắn tôi chết, mà chỉ bắt sống tôi mà thôi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi liền nghĩ ra một kế, nếu tôi được lệnh đi sửa đường dây điện thoại của sư đoàn, điều tốt nhất là tôi không đeo súng, và tìm cách tránh xa bất cứ tay bộ đội nào đeo súng. Không những vậy, tôi còn chú ý ăn mặc làm sao để bất cứ ai, đứng cách tôi cả chục thước, cũng biết rõ tôi chỉ là thằng lính quèn, trần như nhộng, không có súng dài, súng ngắn, không có lựu đạn, dao găm gì. Nói tóm lại, tôi phải tự giải giới mình trước khi “xông vào hang cọp”. Như vậy, chắc chắn những người lính VNCH khi phục kích một thằng lính không võ trang như tôi, họ sẽ chẳng cần phải nổ súng “thịt” tôi làm gì. Trong chiến tranh, bắt sống bao giờ chiến công cũng lớn hơn, lại bớt nguy hiểm, và bớt mặc cảm tội lỗi. Với khuôn mặt non choẹt chưa đầy 20 tuổi, tôi thấy kế hoạch “tự giải giới để nạp mạng” của tôi thật đơn giản, nhưng tôi biết chắc sẽ thành công. Dĩ nhiên, lúc đó, trong đơn vị chẳng ai nghi ngờ gì tôi, nên ai cũng cho tôi là thằng nhóc “gan lì”, dám tay không “xông vào hang cọp”…

Sau khi có kế hoạch “tự nạp mạng” tuyệt vời như vậy, tôi hồi hộp chờ đợi đường dây điện thoại bị đứt để đi sửa. Rồi mỗi lần đi sửa, tôi đều hồi hộp cầu nguyện cho lính VNCH phục kích, nhưng chẳng lần nào thành công. Nhiều lần, dây điện thoại bị đứt, tuy không đến lượt phải đi sửa, tôi cũng tình nguyện đi, làm cho ai cũng ngạc nhiên… nghĩ tôi là thằng khờ dại muốn thăng quan tiến chức bằng cách chui vào chỗ chết, để rồi “chưa đỏ ngực thì đã xanh cỏ”. Nhưng mấy tuần trôi qua, đi sửa đường dây liên miên, mà chẳng gặp ổ phục kích nào, tôi đâm nản, nghĩ bụng, phải tính kế khác, chủ động hơn.

Sau khi đơn vị thông tin hữu tuyến chúng tôi có mặt ở Động Ông Đô được một, hai tuần, thì có lệnh chuyển về trung đoàn, thu hồi toàn bộ mạng lưới hữu tuyến, chuyển địa điểm đóng quân. Nghe lệnh, tôi rất mừng, vì đó là cơ hội để tôi có thể chủ động thoát thân…

Thông thường, mỗi khi đi sửa dây điện thoại, hay bắt đầu tỏa mạng cho sư đoàn, chúng tôi đều phải đi theo đội hình một tổ 3 hay 4 người, trong đó có một người trang bị súng AK-47, còn lại thì người phải đeo dây, người lo rải dây. Vì đi tổ như vậy, nên việc vượt thoát là điều rất khó, dễ bị nghi ngờ, dễ bị phát hiện. Thời gian vắng mặt tối đa cho vệ sinh cá nhân, hay kiếm đồ ăn “cải thiện” như hái cây, bắt cá, cũng chỉ cho phép nửa tiếng, hoặc một tiếng đồng hồ là cùng. Với thời gian ngắn ngủi đó, tôi chỉ đi được cùng lắm 5 cây số trong rừng, trước khi bị đơn vị phát hiện tôi đào tẩu. Và trong phạm vi 5 cây số, nếu bị phát hiện, tôi dễ dàng trở thành mục tiêu ngon lành của các tay súng bắn tỉa, hoặc bị các đơn vị chung quanh bủa vây, bắt sống.

Còn việc thu hồi toàn bộ mạng lưới hữu tuyến thì tự do hơn nhiều. Việc thu hồi phải nhanh chóng, kịp thời, nên mỗi đường dây hữu tuyến dài có khi 10, 20, 30 cây số, chỉ có 2 người lính thu dây từ hai đầu thu lại. Khi thu, mỗi người lính hữu tuyến phải hoạt động độc lập, lủi thủi một mình cuộn dây vào một chiếc khung chữ nhật bằng tre, hoặc gỗ. Trung bình mỗi khung cuộn được khoảng 300 đến 400 mét. Thu xong cuộn nào đeo luôn trên lưng cuộn đó. Đeo được 5 cuộn là oằn cả vai, phải thả xuống một bụi rậm nào đó đánh dấu, rồi thu dây tiếp. Cứ như vậy cho đến khi thu đến khoảng nửa đường thì gặp người lính hữu tuyến từ đầu kia thu lại. Sau đó, đến màn thu các cuộn dây mà mình đã để rải rác trên đường. Công việc từ lúc bắt đầu thu, cho đến khi thu xong, có khi phải mất cả ngày trời. Cả ngày trời làm việc một mình, không một ai kiểm soát, liên lạc, tìm kiếm… Vì vậy, thu mạng hữu tuyến là thời cơ lý tưởng nhất cho cuộc đào thoát tìm tự do của tôi.

Nhưng thường mỗi khi đứng trước bước ngoặt của cuộc đời, con người bao giờ cũng sống trong tâm trạng đắn đo, ngần ngại. Vẫn biết, hiện tại là địa ngục, là nô lệ, là mất tự do, và bên kia là cả một chân trời mới đầy hứa hẹn,… nhưng tâm trạng của tôi lúc đó vẫn dùng dằng, sợ hãi những bấp bênh, những nguy hiểm đang chờ đợi ở một nơi nào đó, tôi chưa thể biết. Cuối cùng, tôi quyết định chui vào rừng, mắc võng, ăn lương khô, rồi nằm suy nghĩ…

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do….

(còn tiếp)

http://viteuu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét