Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




DOANH NHÂN VÀ TRỌC PHÚ

Lê Hồng Kỹ
13-10-2012

(Minh họa: Hồng Anh)
(Minh họa: Hồng Anh)
Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói một câu rất thú vị: Một đất nước muốn giàu mạnh và phát triển phải biết yêu doanh nhân, và doanh nhân muốn được yêu phải biết nghĩ cho xã hội.

Câu nói đó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tiếp lời bởi câu chuyện của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong buổi phát động một chương trình hành động của doanh nhân Việt, rằng cách đây mấy năm khi ông đến Ấn Độ, ông đã rất buồn khi nhân viên lễ tân trả lời ông rằng cô ấy không biết tới Việt Nam. Cô lễ tân lý giải: “Tôi biết tới Thái Lan vì sử dụng hàng tiêu dùng của họ. Tôi biết Nhật Bản vì xe Toyota chạy đầy đường Ấn Độ. Ở đây không có hàng hóa nào của Việt Nam, nên thú thực tôi không biết về Việt Nam”.

Câu chuyện nhỏ đó cho thấy một mối quan hệ lớn hơn giữa thương hiệu của một mặt hàng, một ngành hàng với thương hiệu quốc gia. Nước Nhật được thế giới nể phục gọi là hiện tượng thần kỳ trong phát triển kinh tế từ sau Thế chiến thứ II có một phần đóng góp rất lớn của những tên tuổi như Toyota, Honda, Mitsubishi, Sony…  Những con người đằng sau các tên tuổi ấy không ai khác là những doanh nhân.

Ở Việt Nam, từ những năm đầu thập kỷ 1990 đến nay cũng đã sản sinh nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước từ một nền kinh tế lạc hậu thành một quốc gia có thu nhập trung bình.

Họ góp phần tạo ra GDP, giải quyết việc làm, kéo đất nước đi lên. Cũng đã có không ít thương hiệu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, trở thành thương hiệu quốc tế. Và những thương hiệu đó, đã mang cái tên Việt Nam đến với thế giới.

Nhưng ở Việt Nam, có bao nhiêu người làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp được gọi là doanh nhân? Bao nhiêu người làm kinh doanh xứng đáng được yêu quý? Đó vẫn là một câu hỏi lớn, gắn với một câu hỏi cơ bản hơn: Doanh nhân là ai?

Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam gọi doanh nhân là người trả lương và đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ gọi doanh nhân là người biết làm giàu không chỉ cho mình, mà còn làm cho xã hội phát triển.

Hai định nghĩa, tưởng đơn giản, nhưng nếu chiếu theo đó thì ở Việt Nam có bao nhiêu người kinh doanh, chủ doanh nghiệp thực sự là doanh nhân? Có lẽ không quá nhiều.

Ở Việt Nam, có rất nhiều người lắm tiền một cách bí ẩn trước khi làm kinh doanh, những người mà trước khi xã hội bắt đầu biết đến sự có mặt của họ thì họ đã rất giàu có.

Ở Việt Nam, còn rất nhiều công nhân chưa được đối xử đúng luật lao động và danh sách cần truy thu của cơ quan bảo hiểm xã hội và thuế vụ chưa năm nào được rút ngắn.

Ở Việt Nam, còn rất nhiều kiểu làm giàu bằng cách không tạo ra giá trị mới cho xã hội, hoặc tệ hơn, kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Ở Việt Nam, còn dư địa cho lối làm ăn kiểu đầu cơ, mua đi bán lại, làm giả làm nhái, ký sinh vào cơ chế và sự lỏng lẻo trong quản lý để làm giàu một cách bất chính, hoặc phân chia lại tài sản xã hội theo hướng đặc lợi dành cho người có đặc quyền.

Ở Việt Nam, có rất nhiều người kinh doanh khởi đầu bằng khát vọng doanh nhân trong sáng nhưng kết thúc bằng sự tha hóa, biến chất, thậm chí là tù tội, lao lý…

Ở Việt Nam, cũng có không ít người mang nặng ước mơ lúc thân phận còn thấp, nhưng sớm thỏa mãn và chạy theo hưởng thụ cá nhân khi đã thu được ít nhiều thành quả; cái mà giới làm ăn hay gọi là bệnh “bò no chán cỏ”.

Tất cả những lối nghĩ, lối làm đó đều không phản ánh tính cách, bản ngã của một doanh nhân. Nói thẳng hơn, đó là lối thể hiện gần hơn với bản chất trọc phú.

Điều đáng tiếc, là số người này không hề nhỏ. Nên không khó hiểu, khi một bộ phận người Việt có tâm lý "ghét người giàu". Cũng không quá khắt khe, khi có người ngoa dụ ví von rằng "doanh nhân là những tù nhân dự khuyết".

Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước đi giữa những chông gai, kỳ vọng đặt vào vai giới doanh nhân là rất lớn. Nếu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đoàn quân tiên phong là những người lính thì trong thời kỳ đất nước hướng tới sự thịnh đạt, đội ngũ đi đầu không ai khác là doanh nhân.

Và cũng trong cái chông gai này, sự khác biệt giữa doanh nhân và trọc phú sẽ ngày càng lộ rõ hơn.
Doanh nhân với trí tuệ, khát vọng, phương pháp và bản lĩnh sẽ giúp đất nước, xã hội bước qua những khó khăn. Trọc phú với sự mánh khóe, bản chất ký sinh, sự liều lĩnh và làm giàu bất chấp sẽ dễ dàng lộ diện.

Sự tồn tại song song, đối lập và đôi khi đan xen giữa doanh nhân và trọc phú cũng là một phần trong Qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong triết học. Sẽ không có một nền kinh tế chỉ có doanh nhân, cũng không có một xã hội toàn trọc phú.

Giá trị của một trọc phú có thể đo đếm dễ dàng qua chiếc siêu xe triệu đô, biệt thự hạng sang, bộ sưu tập sinh vật "sách đỏ" hay những thú vui xa xỉ. Giá trị của một doanh nhân, khó hơn, được đo đếm bằng tổng giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội, cho cộng đồng.

Nhưng xã hội tiến bộ sẽ tìm được cách phân biệt để tôn vinh, yêu quý và ghi nhận sự đóng góp của những doanh nhân chân chính trong tiến trình phát triển của mình.

Và xã hội tiến bộ sẽ vạch mặt, lên án những kẻ trọc phú làm giàu bất chính bằng cách gặm mút tài nguyên, bóc lột lao động, lũng đoạn thị trường, xây nhóm lợi ích và vơ vét tài sản xã hội thành tài sản của mình.

Cô lễ tân người Ấn Độ trong câu chuyện của ông Vũ Tiến Lộc, trong tương lai có biết tới Việt Nam hay không, một phần không nhỏ xuất phát từ việc xã hội ta có biết yêu doanh nhân hay không, và những người đang ngồi ghế doanh nhân có xứng đáng với tình yêu đó hay không.

Và bạn, bạn muốn gửi gắm lời nào tới những doanh nhân? Lời nào dành cho trọc phú? 

Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét