Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÁC ĐỘNG LỰC, CÁC TÍNH TOÁN VÀ CÁC CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG CỘNG - Phần I

Herbert S. Yee - Director of the China Studies Program, Hong Kong Baptist University
Ngô Bắc* dịch

 [Bài viết này được ấn hành trong Tạp chí China Report, xuất bản tại New Delhi, Ấn Độ đầu năm 1980]

Lời Người Dịch:

“Chiến dịch 1979, ít nhất đối với Quân Đội Giải Phóng của Nhân Dân Trung Quốc, là một sự thất bại. Trung Quốc đã phóng ra cuộc tấn công của nó trong một nỗ lực để buộc Việt Nam phải rút lui khỏi Căm Bốt. Trung Quốc đã rút lui khỏi Việt Nam hôm 16 Tháng Ba, 1979, nhưng Việt Nam đã không rời Căm Bốt mãi cho đến năm 1989.” ….

“Cuộc chiến tranh theo học thuyết họ Mao chưa dứt, nhưng phía Trung Quốc đã học được một bài học quan trọng.”

Trên đây là phần kết luận chắc nịch của Edward C. ODow’d, một tác giả hàng đầu về Chiến Tranh Biên Giới Trung Quốc – Việt Nam Năm 1979, chủ đề của loạt bài nghiên cứu dưới đây về biến cố quan trọng diễn ra 33 năm trước. 

Đối chiếu với bài học lịch sử lâu dài của đất nước, rõ ràng vấn đề sinh tử của dân tộc Việt Nam hiện nay là phải tìm mọi cách đê duy trì được sự độc lập và vẹn toàn lãnh thố, đồng thời thoát ra khỏi sự lệ thuộc ngoại giao và quân sự đáng tủi hổ đối với Trung Quốc.
      
 Vào rạng sáng ngày 17 Tháng Hai 1979, Quân Đội Giải Phóng Của Nhân Dân Trung Quốc (viết tắt: QĐGPNDTQ; tiêng Anh là  People’s Liberation Army: PLA) với một lực lượng được ước lượng là 75,000 quân đã phóng ra một cuộc tấn công toàn diện dọc theo biên giới dài Trung Quốc – Việt Nam dài 450 dặm.  Mặc dù được báo trước bởi phía Trung Quốc về ý định của họ nhằm “trừng phạt” Việt Nam, thế giới vẫn bị sửng sờ vì cuộc tấn công. Phía Trung Quốc bị chỉ trích vì việc chơi “trò mạo hiểm bên bờ vực thẳm: brinkmanship” có thể đẩy thế giới vào Thế Chiến III nếu Nga Sô, nước vừa mới ký một hiệp ước hòa bình với Việt Nam, kể cả một thỏa thuận về sự trợ giúp quân sự hỗ tương, quyết định nhảy vào can thiệp. 1 

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng quyết định tấn công Việt Nam đã được đưa ra sau khi “suy tính thông suốt” và rằng nó đã “cứu xét đến toàn bộ tình hình chiến lược ”. 2 Điều gì đã thúc đẩy chiến dịch đánh Việt Nam của trung Quốc, một hành động mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải hiểu là sẽ có nguy cơ đối diện với một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Liên Bang Sô Viểt? Phía Trung Quốc đã tính toán các bất trắc như thế nào? Các loại chiến lược nào mà Bắc Kinh đã chấp nhận để né tránh sự chạm trán rộng lớn hơn với Nga Sô và quy tụ sự ủng hộ cho cuộc viễn chinh của nó tại Việt Nam? Trung Quốc có đạt được các mục tiêu của nó hay không? Bài viết này sẽ khảo sát và gắng sức trả lời các câu hỏi này.

CĂN NGUYÊN

       Căn nguyên của chiến tranh biên giới Trung Quốc – Việt Nam có thể truy tìm dấu vết nơi sự thù hận lịch sử lâu 2,000 năm giữa hai dân tộc. 3 Người Việt Nam vẫn còn mang các ký ức đau khổ về sự thống trị của Trung Quốc và có khuynh hướng ngờ vực bất kỳ chuyển động nào của Trung Quốc tiến tới các quan hệ chặt chẽ hơn như là một ý đồ để tái lập vai trò không chế truyền thống của Trung Quốc.  

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, điều rõ ràng rằng tình đồng chí chặt chẽ giữa hai nước trong hai thập niên trước đó chỉ có tính cách tạm thời và có lẽ được nhìn như một biện pháp thời chiến bởi Hà Nội và Bắc Kinh (Trung Quốc nhận thấy chiến tranh Việt Nam, được giao tranh tại sân sau của mình, như một sự đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc).  Các quan hệ giữa hai nước cộng sản suy đồi một cách mau lẹ khi các nhà lãnh đạo Trung cộng quyết định cắt giảm các chương trình viện trợ và các sự trợ giúp khác cho Hà Nội sau cuộc thông nhất hai miền Việt Nam.  Bắc Kinh có thể miễn cưỡng, như bị tố giác bởi Hà Nội, không muốn có một nước Việt Nam uy thế và mạnh về quân sự tại biên giới phía nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng của Trung Quốc để giúp đỡ Hà Nội bị trở ngại bởi các khó khăn kinh tế nội tại nghiêm trọng của chính nó, do kết quả của sự xáo trộn chính trị, các vụ động đất nặng nề, và các thiên tai khác. 4

       Cuộc cãi cọ công khai sau cùng đã bùng nổ trong Tháng Ba 1978 khi Hà Nội phóng ra chiến dịch tập thể hóa tại Miền Nam. Chiến dịch, cấm đoán mọi hoạt động tư sản mại bản và tịch thu tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các người Việt gốc Hoa tương đối giàu có và chính vì thế đã dẫn tới cuộc di cư tỵ nạn ồ ạt của họ. 

Các người Việt gốc Hoa chạy trốn gây bối rối cho Bắc Kinh.  Bất kỳ phản ứng thái quá nào  trước chính sách của Hà Nội chắc chắn sẽ khơi dậy các sự ngờ vực tại các nước Đông Nam Á nơi có số người gốc Hoa đáng kể; lơ là vân đề tỵ nạn, mặt khác, có thể làm mất sự ủng hộ của Hoa Kiều hải ngoại, các kẻ có các sự đóng góp tài chính cho nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc nhất thiết cần có và được ve vãn bởi Bắc Kinh. Tất nhiên, việc băng ngang biên giới Hoa-Việt của một khối lượng đông đảo người Việt gốc Hoa đã dẫn đến các sự đụng độ nhỏ giữa quân biên phòng cùng các sự cáo giác và phản cáo giác về các sự khiêu khích.  Các quan hệ thù nghịch giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã đi đến một khúc ngoặt quyết liệt, tồi tệ hơn khi Hà Nội khởi sự chiến dịch mùa khô của nó chống lại chế độ Pol Pot tại Kampuchea; sự thất thủ của Phnom Penh là dấu hiệu cho sự bắt đầu một cuộc chiến tranh khác tại Đông Dương.

       Hình ảnh, được phác họa bởi Bắc Kinh, về một Hà Nội kiêu căng, hiếu chiến, tự khoe mình như quyền lực quân sứ lớn thứ ba thế giới, có lẽ bị thâm xưng và xuyên tạc. Bị phiền nhiễu bởi các khó khăn kinh tế trong nước và phải đối diện với công tác đáng sợ nhằm tái thiết xứ sở của họ sau nhiều thập niên chiến tranh, các nhà lãnh đạo của Hà Nội, một cách dễ hiểu, hăng hái để duy trì các quan hệ thân thiết với các nước khác kể cả Trung Quốc và ngay với Hoa Kỳ, đối thủ chính của họ trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương. 

Trong thực tế, cho đến tận mùa xuân 1978, các nhà lãnh đạo ôn hòa [sic] của Hà Nội đứng đầu bởi Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã không từ bỏ các nỗ lực của họ nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ tài chính và các trợ giúp khác từ các nước sẵn lòng chấp nhận Việt Nam.  Một phần vì sự lơ là và từ khước của Hoa Thịnh Đốn trong việc nhìn nhận chế độ Hà Nội (bất kể sự sẵn lòng của Hà Nội để bỏ hết các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán với Mỹ [?]) đã khiến Hà Nội lo ngại – bị cô lập về mặt ngoại giao, kinh tế trong cơn khủng hoảng, và bị thách đố về mặt quân sự bởi Trung Quốc. 5

 Hơn nữa, Trung Quốc đã hoàn tất vào giữa năm 1978 việc rút lại viện trợ của nó cho Hà Nội.  Hà Nội khi đó không còn lá bài nào để chơi với Mạc Tư Khoa và đã trở thành, trong Tháng Sáu 1978, một hội viên chính thức của khối COMECON.  Việc ký kết hiệp ước hữu nghị 25 năm vào ngày 3 Tháng Mười Một 1978 giữa Liên Bang Sô Viết và Việt Nam đã chính thức khóa chặt sự gia nhập của Việt Nam vào phe Sô Viết.  Các kẻ ôn hòa trong giới lãnh đạo Việt Nam kể từ đó bị thất thế với phe cứng rắn thân Sô Viết là các kẻ bênh vực một lập trường cứng rắn và các chính sách không nhân nhượng đối với Trung cộng.  Diễn trường chính vì thế đã được sắp sẵn cho sự đối đầu quân sự giữa hai nước cộng sản Á Châu.


CÁC ĐỘNG LỰC CỦA TRUNG QUỐC

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một bản tuyên bố vào ngày đầu tiên trong chiến dịch Việt Nam của Trung Quốc, cho hay rằng các binh sĩ Trung Quốc “bị buộc phải gây nên một cuộc hoàn kích tự vệ” bởi vì có sự “khiêu khích vũ trang không ngừng và các hoạt động thù nghịch” của Việt Nam tại các khu vực biên giới”.  

Bản văn tái xác đinh, “Khi người khác không đụng chạm đến chúng tôi, chúng tôi sẽ không đụng chạm tới các người khác, nhưng nếu bất kỳ một ai đụng chạm chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ đánh lại”.  Các mục tiêu của cuộc tấn công ‘trừng phạt” của Trung Hoa là nhằm bảo đảm cho một “biên giới hòa bình và ổn định”, bản tuyên bố nói thêm. Bản tuyên bố đã không đề cập đến vụ xâm lăng của Việt Nam vào Kampuchea, điều chọc giận các nhà lãnh đạo Bắc Kinh  là các kẻ đã nhiều lần ám chỉ rằng Trung Quốc có thể dạy cho Hà Nội một bài học vì hoạt động của Hà Nội tại Kampuchea.  

Ngay trước khi có cuộc tấn công mùa khô quy mô rộng lớn của Việt Nam chống lại chế độ Pol Pot, Bắc Kinh đã sẵn cứu xét các hành động quân sự khả hữu nhằm ngăn chặn chiến dịch của Hà Nội tại Đông Dương.  Tại một cuộc hóa báo tại Bangkok hồi Tháng Mười Một qua [1978], Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình nói rằng Trung Quốc “sẽ quyết định phương cách đối phó với chính sách bá quyền cấp vùng của Việt Nam, tùy thuộc vào việc Hà Nội thực hiện đên đâu cuộc xâm lược của nó đôi với Kampuchea”. 7 

Tuy nhiên, họ Đặng công khai hơn khi nói về sự trừng phạt khả hữu đối với cuộc xâm lăng của Việt Nam sau khi có sự sụp đổ của Phnom Penh.  Trong cuộc thăm viếng vừa qua của ông ta tại Hoa Kỳ, họ Đặng nói về việc trừng trị “Cuba Phương Đông” vì sự xâm lăng vũ trang của họ vào Kampuchea và các sự khiêu khích dọc các khu vực biên cương Trung Quo6c’.  “Nếu bạn không dạy cho chúng vài bài học cần thiết, chúng sẽ không hiểu phải quấy là gì”, họ Đăng tuyên bố. 8

       Một trong các mục tiêu chính của Trung Quốc rõ ràng là để rút bộ đội Việt Nam ra khỏi Kampuchea và Lào  và phân tán mỏng sức mạnh quân sự của Việt Nam, từ đó làm suy yếu năng lực của Việt Nam dồn cho sự bành trướng hơn nữa tại Đông Dương. Phía Trung cộng hy vọng rằng “với chiến trường bị căng mỏng quá độ, các khu vực hậu phương phòng vệ yếu kém, và các tiếp liệu của họ bị thiếu thốn”, Việt Nam sẽ bị “sa vào trong một vũng lầy “ tại Kampuchea. 9 

Mục tiêu này của Trung Quốc được xác nhận một cách gián tiếp bởi áp lực tăng cường đồng thời từ các lực lượng du kích lãnh đạo bởi Pol Pot đánh vào bộ đội Việt Nam tại Kampuchea khi biên giới phía bắc của Việt Nam nằm dưới cuộc tấn công quy mô của Trung Quốc.  Sự vắng bóng mục tiêu được che dấu này của Trung Quốc trong bản tuyên bố “hoàn kích tự vệ” của Bắc Kinh hiển nhiên không phải là sự sơ sót mà là có cân nhấc và tính toán.  Nó có thể chủ ý dành cho Việt Nam một cơ hội để triệt thoái bộ đội ra khỏi Kampuchea mà không bị mất mặt; và không cung cấp cho Mạc Tư Khoa một duyên cớ tương tự nào khác (bằng việc tố cáo cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt nam) để can thiệp nhân danh Việt Nam.

       Một mục tiêu khả hữu khác của Trung Quốc, song bị bỏ qua trong tất cả các lời tuyên bố chính thức và các lý do hiển nhiên, rằng việc phóng ra một cuộc chiến tranh hạn chế như một “sụ thao diễn quân sự”. 10 Một số các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc rõ ràng quan tâm về sự thiếu kinh nghiệm chiến trường của quân đội Trung cộng.  Trung Quốc đã không giao tranh bất kỳ cuộc chiến đại quy mô nào trong gần ba mươi năm kể từ Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên.  Đa số các cấp chỉ huy của nó ở cấp trung đoàn chưa hề tham dự một chiến trận nào.  Cuộc chiến tranh biên giới chính vì thế sẽ là một sự thử nghiệm cụ thể cho khả năng chiến đấu và hiệu năng động viên của QĐGPNDTQ.  Mục tiêu không được nói ra này được hậu thuẫn bởi sự điều động binh sĩ được tường thuật từ mười trong mười một Quân Khu của Trung Quốc đến Mặt Trận Phương Nam. 11 Nhưng, không có mấy xác xuất rằng Bắc Kinh sẽ tấn công Việt Nam chỉ để nhằm thu hoạch kinh nghiệm chiến đấu cho quân đội của nó.  Làm như thế là đùa với lửa và Trung Quốc, hơn ai hết, hiểu rõ rằng “kẻ nào đùa với lửa sẽ tự thiêu hủy mình”.  Mục tiêu này có thể được dùng bởi các nhà lãnh đạo quân sự cứng rắn để chứng minh cho ước muốn của họ nhằm trừng phạt quân đội Việt Nam liều lĩnh.

       Mặt khác, sự nhấn mạnh của Bắc Kinh về “cuộc hoàn kích” các sự đột nhập của Việt Nam một phần nhằm nâng cao tinh thần của QĐGPNDTQ.  Giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể bị chất vấn bởi các sự chỉ trích nội địa, đặc biệt từ lớp người trẻ, về quyết định của nó để phóng ra một cuộc tấn công toàn diện vào một kẻ có thời từng là “chiến hữu”.  

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như tin tưởng, rõ ràng từ các bài học của các cuộc chiến tranh biên giới trước đây của Trung Quốc với Ấn Độ và Liên Bang Sô Viết, rằng phương cách tốt nhất để nâng cao tinh thần binh sĩ là quyền hạn thường được tuyên xưng để phòng vệ tính “bất khả xâm phạm” của các biên giới Trung Quốc.  

Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng động viên tinh thần bằng việc khơi dậy sự hận thù trong các binh sĩ Trung cộng đối với Hà Nội.  Ngay sau khi có cuộc tấn công, bài quan điểm của ban biên tập tờ Renmin Ribao (Nhân Dân Nhật Báo) đã đổ lỗi cho Hà Nội về sự bùng nổ của chiến tranh. 12 Chính phủ Việt Nam bị tố cáo đã phản bội tình hữu nghị và sự tín nhiệm được thiết lập từ lâu giữa dân tộc của hai nước.  Nhắc lại viện trợ “vô vị kỷ” của Trung Quốc cho Việt Nam và sự cực khổ phải chịu đựng bởi nhân dân Trung Quốc và QĐGPNDTQ trong việc giúp đỡ Việt Nam chiến đấu chống lại người Mỹ, bài quan điểm của ban biên tập đã phác họa một cách linh động về giới lãnh đạo Hà Nội như các kẻ bành trướng vô ơn, theo đuổi một cách liều lĩnh các mục đích của chủ nghĩa bá quyền cấp miền của nó làm phương hại cho Trung Quốc và các nước khác tại Đông Dương.  Cùng chủ đề đã được lập lại ngày sau đó trong một bài quan điểm ban biên tập của tờ Jiefang Junbao kêu gọi QĐGPNDTQ hãy bảo vệ sự xây dựng công tác hiện đại hóa của Trung Quốc bằng cách đánh trả mạnh mẽ vào “quân xâm lược” Việt Nam. 13

       Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khá im lặng trên một số trong các mục tiêu hiển nhiên của họ có vẻ nhạy cảm về mặt chính trị và ngoại giao với các nước khác.  Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rõ ràng bị tức giận bởi các chính sách của Hà Nội đối với người Việt gốc Hoa.  Họ đã phản đối các cáo buộc của Hà Nội chống lại người gốc Hoa bằng việc lập luận rằng đại đa số các người bị cưỡng bách rời khỏi Việt nam là các công nhân chứ không phải là tư sản và mại bản. 14 

Tuy nhiên, chính phủ Trung cộng, hay biết về các sự nhạy cảm của các nước Đông Nam Á liên hệ đến vấn đề Hoa kiều hải ngoại, chính vì thế, Bắc Kinh đã hạ thấp phản ứng của nó và chỉ trưng dẫn sơ lược rằng sự đối xử của Hà Nội đối với người gốc Hoa đã là một trong các lý do để trừng phạt Việt Nam.  

Nhạy cảm không kém đối với các lân bang của Trung Quốc là vấn đề lãnh thổ.  Bất kể lời tuyên bố của Bắc Kinh rằng Trung Quốc không muốn “dù chỉ một tấc” đất của lãnh thổ Việt Nam, điều rõ ràng là gần lúc kết thúc cuộc chiến tranh biên giới, các bộ đội Trung Quốc đã chủ định giữ lại một vài khu vực chiến lược tại biên giới.  Mặc dù phần lớn các sự chiếm đóng có thể chỉ liên hệ đến các khu vực “tranh chấp” như được tuyên bố bởi Trung Quốc, Bắc Kinh dù thế nhận thấy khó khăn để biện minh cho hành động của nó.  Các chuyển động này của Trung Quốc có thể cảnh báo Mạc Tư Khoa và New Delhi và gây phương hại cho sự giải quyết các tranh chấp biên giới của Trung Quốc với hai nước này.

       Một động lực khả hữu khác của Trung Quốc là để bày tỏ với thế giới, đặc biệt với các nước Á Châu, rằng Trung Quốc không phải là một con hổ giấy hay yếu thần kinh.  “Chúng tôi, Trung Quốc, thì nghiêm chỉnh với những gì chúng tôi phát biểu”, Đặng Tiểu Bình tuyên bố.  “Bất luận đó là chủ nghĩa bá quyền toàn cầu hay chủ nghĩa bá quyền địa phương, Trung Quốc luôn luôn chấp nhận một lập trường vững chắc, một thái độ vững chắc”, họ Đặng nói thêm. 15 

Đã có một cảm nhận sâu xa trong các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Trung Quốc phải đứng lên và phô bày rằng, khác với người Mỹ lo sợ chiến tranh, Trung Quốc không sợ sệt để chiến đấu chống lại các sức mạnh vĩ đại.  “Chúng tôi không để cho Liên Bang Sô Viết đối xử với chúng tôi như đối với Nhật Bản và các quyền lực thực dân khác đã từng đối xử với chúng tôi trong quá khứ”, một viên chức Trung Quốc đã nói trong khi bào chữa cho cuộc tấn công của nước ông ta.16 

Họ Đặng đã nhấn mạnh cảm thức này bằng việc vạch ra rằng nhân dân Trung Quốc “không thể tha thứ cho bất kỳ sự xâm lược nào chống lại họ để có thể bị giải thích sai lạc như sự thờ ơ hay yếu kém, hay ngược lại sẽ bị xô đẩy vòng vòng”. 17 

Bắc Kinh rõ ràng đã hy vọng để bày tỏ cho thế giới rằng nước Nga hùng mạnh có thể bị thách đố về mặt quân sự và rằng sự nhượng bộ sẽ không có hiệu quả để chống lại chủ nghĩa bá quyền.  Nó tuyên bố rằng cuộc viễn chinh sang Việt Nam của nó nhằm giáng một “cú đánh hiệu nghiệm vào ý đồ của Sô Viết muốn xâm lược và bành trướng tại Đông Nam Á”18 

Cùng lúc, sự thao diễn cơ bắp này cũng nhằm để phá tan huyền thoại về sự bất khuất quân sự của Việt Nam.  Bắc Kinh rõ ràng sẽ cương quyết để phô bày cho Hà Nội rằng Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam, là quyền lực quân sự lớn mạnh thứ ba trên thế giới và cảnh cáo Hà Nội hãy đình chỉ chính sách bành trướng của nó tại Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đã có các sự quan tâm đặc biệt.  Nó cũng có thể đã hy vọng rằng bằng một chiến thắng thuyết phục trên Việt Nam, một sự biểu lộ rõ ràng rằng Hà Nội sau rốt không có gì đáng phải nể sợ, các nước trong khối ASEAN sẽ cứng rắn hơn trong các chính sách của chúng đối với Việt Nam.  Hơn nữa, bằng việc phô diễn cho Việt Nam thấy sức mạnh quân sự của nó, Bắc Kinh có thể hy vọng cảnh cáo Hà Nội đừng “nghiêng” quá xa về phía người Nga.  Ác mộng của Bắc Kinh là “liên minh thần thánh” giữa Mạc Tư Khoa và Hà Nội âm mưu bao vây Trung Quốc từ Phương Nam. 19 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan ngại về ý định đáng nghi ngờ của Sô Viết nhằm sử dụng Vịnh Cam Ranh của Việt Nam như một căn cứ thường trực cho hạm đội Thái Bình Dương của nó, một chuyển động có thể làm thay đổi một cách mạnh mẽ cán cân quân sự của các nước tại vùng Á Châu – Thái Bình Dương.

       Sau cùng, với các sự lo ngại quá lớn và các sự bận tâm với các chương trình hiện đại hóa, họ có thể bực bội và tức giận bởi các sự đụng độ nhỏ ở biên giới với Việt nam, và đã quyết định chấm dứt một lần và dứt khoát mọi biến cố gây xáo trộn về mặt kinh tế bằng một cuộc tấn công toàn diện.  Cuộc hoàn kích của QĐGPNDTQ được biện minh bởi chính phủ Trung Quốc là một động tác cần thiết để bình định biên giới và để đạt được một môi trường hòa bình và ổn định cho nỗ lực canh tân hóa của Trung Quốc.  Vào ngày 6 Tháng Ba, một ngày sau khi có sự loan báo của Trung Quốc về việc triệt thoái binh sĩ của nó, một bài báo trên tờ Renmin Ribao ghi nhận rằng sự chiến thắng của Trung Quốc trong trận chiến biên giới Hoa-Việt sẽ xúc tiến các kế hoạch hiện đại hóa, có bổ túc rằng nhân dân Trung Quốc phải học tập từ “tinh thần không sợ hy sinh” của QĐGPNDTQ. 20

       Tuy nhiên, các chuyên viên về chính sách ngoại giao Trung Quốc khó đồng ý về các động lực của Trung Quốc trong việc tấn công Việt Nam.  Các sự giải thích thay thế khác về tác phong của Trung Quốc được đưa ra bởi các quan sát viên Trung Quốc theo thời. 

Theo một sự giải thích phổ biến, mục tiêu chính của Trung Quốc trong chiến dịch Đông Dương của nó là làm chậm lại hay ngăn cản sự tiến bộ của SALT II và các biện pháp hòa hoãn khác giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết. 

Thí dụ, Bắc Kinh đã thỏa hiệp trong Tháng Mười Hai qua [1978] trên vấn đề then chốt về Đài Loan và khai thông con đường cho sự bình thường hóa các quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ ngay vào lúc Hoa Thịnh Đốn và Mạc Tư Khoa có vẻ sắp đạt được các thỏa thuận về SALT II.  Cuộc thăm viếng của Phó Thủ Tướng cao cấp của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, tại Hoa Thịnh Đốn chưa đầy ba tuần trước khi có trận tấn công của Trung cộng được nhìn bởi một số quan sát viên như là một động tác chủ ý của Trung Quốc để khơi dậy các mối ngờ vực của Sô Viết về sự cộng tác Trung Quốc – Mỹ.  

Bất kể các lập luận xem ra thuyết phục này, chúng ta không được nhầm lẫn giữa các động lực của Trung Quốc với các chiến lược của nó.  Có thể không mấy nghi ngờ rằng Bắc Kinh đã lợi dụng các quan hệ tế nhị giữa Sô Viết – Mỹ trong việc lựa chọn thời biểu cho cuộc tấn công của nó vào Việt Nam.  Tuy nhiên, không có nhiều xác xuất rằng mục tiêu của Trung Quốc chính yếu nhằm ngăn cản sự hòa hoãn giữa hai siêu cường.  Trước tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc hẳn phải hay biết trọn vẹn rằng việc ve vãn sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho chiến dịch Đông Dương của nó có thể có hiệu ứng dội ngược và cảnh báo các nhà lãnh đạo Sô Viết, các kẻ không muốn nhìn thấy sự phát triển của bất kỳ liên minh Hoa Kỳ - Trung Quốc nào chặt chẽ hơn, để chấp nhận một lập trường hỏa giải hơn đối với Hiệp Ước SALT II và các quan hệ khác với Hoa Kỳ.  Hơn nữa, phía Trung Quốc có thể luôn luôn sử dụng các biện pháp ít rủi ro hơn và hiệu quả hơn, chẳng hạn như mở cửa thị trường khổng lồ của nó cho hàng xuất cảng của Hoa Kỳ, hầu lôi cuốn chính quyền Carter nghiêng về phía Trung Quốc.

       Theo một lý thuyết khác, cuộc tấn công của Trung Quốc là một mưu tính của Đặng Tiểu Bình nhằm củng cố các cảm thức dân tộc chủ nghĩa trong nội địa Trung Quốc đứng sau sự lãnh đạo của ông.  

Bởi việc chuyển hướng sự chú y nội địa đến chiến tranh, một số các nhà quan sát Trung Quốc lập luận, sự chống đối trong nước đối với các chính sách của họ Đặng có thể bị dập tắt.  “Không có gì tốt hơn một tình trạng chiến tranh để thông nhất dân chúng”, một học giả Trung Quốc đã bình luận. 21 

Tuy nhiên, có nhiều khuyết điểm trầm trọng trong cách lập luận này.  Trước tiên, sự hợp lý cho thấy rằng họ Đặng có thể tạo ra nhiều chứ không phải là bớt đi sự chống đối cho quyền lãnh đạo của ông qua việc đánh liều an ninh của xứ sở ông.  Thứ nhì, không thể nghĩ được rằng họ Đặng là con người duy nhất đứng đàng sau quyết định tấn công.  Bởi làm như thế, ông có thể tự đặt mình mở ngỏ trước các sự chỉ trích nghiêm trọng của các thành viên khác trong Bộ Chính Trị nếu QĐGPNDTQ không đạt được các mục tiêu của cuộc phiêu lưu.  

Theo một nguồn tin, Bộ Chi Huy Cao Cấp (high Command) của ĐCSTQ (CPC) có triệu tập một phiên họp hôm 16 Tháng Hai tại Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam.  Phiên họp này được chủ tọa bởi Chủ Tịch Hoa Quốc Phong, mặc dù chính Đặng Tiểu Bình là người đã đưa ra báo cáo giải thích các mục tiêu của Trung Quốc trong các sự chuẩn bị cho chiến tranh.  Các nhân vật khác tham dự phiên họp gồm các thành viên của Ủy Ban Trung Ương ĐCSTQ đang có mặt tại Bắc Kinh, các bộ trưởng và thứ trưởng của Hội Đồng Nhà Nước, và các người trách nhiệm của Quân Ủy của ĐCSTQ. Không có sự trùng hợp rằng một ngày trước khi có phiên họp được viện dẫn, tờ Renmin Ribao có công bố một bài viết nhấn mạnh đến sự cần thiết để thành lập một sự lãnh đạo tập thể trong cuộc “Trường Chinh” mới của Trung Quốc tiến tới sự hiện đại hóa. 23 

Sau cùng, thật đáng nghi ngờ rằng họ Đặng lại có bao giờ đạt được một vai trò chế ngự như thế trong hệ cấp giới lãnh đạo của Trung Quốc.  Ngay một nhà lãnh đạo lôi cuốn như Mao Trạch Đông đã không thể cưỡng hành chính sách của mình mà không gặp phải sự chống đối từ các đồng sự tại Bộ Chính Trị của ông ta. 24

(còn tiếp)


__________________________
CHÚ THÍCH

1. Xem, thí dụ, quan điểm ban biên tập tờ New York Times, 19 Tháng Hai 1979, và tờ Globe and Mail, Toronto, 20, 26 Tháng Hai, 1979.

2. Renmin Ribao (Nhân Dân Nhật Báo , quan điểm ban biên tập, 7 Tháng Ba 1979 (được in lại trong tờ Beijing Review, 16 Tháng Ba 1979).

3. Muốn có một sự tường thuật chi tiết hơn về nguồn gốc cuộc xung đột Trung Quốc – Việt Nam, xem Nguyễn Mạnh Hùng, “The Sino-Vietnam Conflict: Power Play Among Communist Neighbours”, Asian Survey, tập xix, số 11, Tháng Mười Một 1979, các trang 1037-52.

4. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có yêu cầu giới lãnh đạo Hà Nội sau chiến tranh Việt Nam nên chờ đón khoản viện trợ ít hơn từ Trung Quốc và để cho nhân dân Trung Quốc thời gian nghỉ ngơi và cho phép Trung Quốc phục hồi sức mạnh”, Beijing Review, 16 Tháng Sáu 1978, trang 16.

5. Derek Davies, “Carter’s Neglect, Moscow’s Victory”, Far Eastern Economic Review, 2 Tháng Hai 1979, các trang 16-21; cũng xem Peter Weiss, “Contributory Negligence in Foreign Policy”, New York Times, 2 Tháng Ba 1979.

6. Renmin Ribao, 18 Tháng Hai 1979 (được in lại trong tờ Beijing Review, 23 Tháng Hai, 1979).

7. Renmin Ribao, 9 Tháng Mười Một 1978 (cũng xem tờ Beijing Review, 17 Tháng Mười Một, 1978).

8. Beijing Review, 9 Tháng Hai 1979, trang 13; và New York Times, 1 Tháng Hai 1979.

9. Beijing Review, 16 Tháng Hai 1979, trang 24.

10. Theo một nguồn tin không được xác nhận của chúng tôi, Đặng Tiểu Bình trong bản báo cáo của ông tại một phiên họp của Đảng Công Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) (Communist Party of China: CPC) hôm trước khi có cuộc tấn công của Trung Quốc có đề cập đến “việc thao diễn quân sự” như một trong các mục tiêu của cuộc chiến tranh với Việt Nam.  Xem, “Deng Xiaoping on Sino-Vietnamese War”, Qishi Niandai (Thất Thập Niên Đại (The Seventies, Monthly), Hồng Kông, số 4, 1979.  Tài liệu này được in lại bằng Anh ngữ trong tạp chí China Report, Tập xv, số 3, Tháng Năm – Tháng Sáu 1979.

11. Harlan W. Jencks, “China’s ‘Punitive War’ on Vietnam: A Military Assessment”, Asian Survey, tập xix, số 8, Tháng Tám 1979, các trang 801-15.

12. Renmin Ribao, 18 Tháng Hai 1979.

13. Jiefang Junbao, 19 Tháng Hai 1979.

14. Trung Cộng có ấn hành một số bài báo và lời tuyên bố đặc biệt liên quan đến cuộc di cư của người Việt gốc Hoa.  Xem, thí dụ, Beijing Review, 16 Tháng Sáu 1978 và 17 Tháng Mười Một 1978.

15. Beijing Review, 16 Tháng Hai 1979, trang 18.

16. Christian Science Monitor, 7 Tháng Ba 1979.

17. New York Times, 20 Tháng Hai 1979.

18. Beijing Review, 15 Tháng Ba 1979, trang 17.

19. Xem Beijing Review, 24 Tháng Mười Một và 22 Tháng Mười Hai 1978.

20. Renmin Ribao, 6 Tháng Ba 1979.  

21. New York Times, 19 Tháng Hai 1979.  Lời bình luận được đưa ra bởi Franz Schurmann, một nhà Trung Hoa học nổi tiếng.

22. ‘Deng Xiaoping on Sino-Vietnam War’, Qishi Niandai, đã dẫn trên.  Tin tức về phiên họp của ĐCSTQ được thuật lại bởi một du khách sang Trung Quốc có thân nhân là cán bộ ĐCSTQ.  Mặc dù là một sự tường thuật qua tay thứ ba, tin tức phán đoán từ các biến cố diễn tiến, xem ra có thể tin cậy một cách hợp lý.

23. Renmin Ribao, 15 Tháng Hai 1979.

24. Parris H. Cheng, Power and Policy in China, the Pennsylvania State Press, 1975.

______________________________

*Về dịch giả Ngô Bắc

Ngô Bắc là bút hiệu của Ngô Ngọc Trung, Tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và đại học Luật Khoa Sài Gòn, 1972. Với tư cách là chuyên viên nghiên cứu tại Văn Khố Đông Dương (Indochina Archives), của viện Institute For East Asian Studies, UC Berkeley, trong suốt thập niên 1990, ông đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam như:
- Hạ Tầng Cơ Sở Của Giao Thông Và Viễn Thông Việt Nam, 
- Ngư Nghiệp Và Thủy Hải Sản Việt Nam,
- Triển Vọng Xuất Cảng Các Loại Cây Kỹ Nghệ Của Việt Nam,
- Vấn Đề Chuyển Giao Công Nghệ, Giáo Dục Việt Nam,
- Bang Giao Hoa Kỳ - Việt Nam ...

Ông cũng là một trong những người tham gia việc biên soạn bộ Bách Khoa Tự Điển Encyclopedia of the Vietnam War, A Political, Social, And Military History, do nhà xuất bản ABC - CLIO, Inc phát hành năm 1998 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét