09-12-2012
Địa chỉ mua sách:
Ebook:
Kindle của Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00AKAQUJA
Gởi check/money order đến: Transpacific Solutions LLC
107 Marshall Drive, Sharpsburg, PA 15215
Cuốn 1, Giải phóng, $19.99 + $4.50 bưu phí.
Cuốn 2, Quyền bính, $19.99 + $4.50 bưu phí.
(Hai cuốn $40 + $9.00 bưu phí).
-----------------------
Sách chia làm 2 cuốn:
Cuốn I: Giải Phóng
Dưới đây là mục lục Cuốn I. Được biết, cuốn II sẽ ra mắt
vào tháng 1-2013
PHẦN I: MIỀN NAM
Chương I: Ba Mươi Tháng Tư
Diễn biến quân sự và chính trị trong giai đoạn kết thúc cuộc
chiến và những gì xảy ra trong dinh Độc Lập trong ngày 30-4 (Đi từ bưng biền/
Xuân Lộc/ Tướng Big Minh/ Trại Davis/ Nguyễn Hữu Hạnh/ Sài Gòn trong vòng vây/
Xe tăng 390/ Đầu hàng/ Tuẫn tiết)
Chương II: Cải Tạo
Chương II: Cải Tạo
Những bàn bạc bên trong, quan điểm của chính quyền trong việc
đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền”, những thủ thuật được áp dụng để đưa sĩ quan
vào trại cải tạo; số phận của những người tù không án, không biết ngày về và những
bi kịch mà người thân của họ phải nhiều năm gánh chịu. (Những ngày đầu/ “Ngụy
Quyền”/ “Ngụy Quân”/ “Đoàn tụ”/ “Phản động”/ Tù và cải tạo/ “Thăm nuôi”/ “Học tập”).
Chương III: Đánh Tư Sản
Những công cụ chuyên chính vô sản áp dụng ngay sau ngày
30-4-1975: Đánh tư sản vào tháng 9-1975 và liền sau đó là đổi tiền lần thứ nhất
22-9-1975; Cải tạo tư sản tháng 3-1978… Sự khác nhau của cải tạo tư sản và đánh
tư sản (“Chiến dịch X-2”/ Đổi tiền/ “Gian thương”/ “Cải tạo công thương nghiệp
tư doanh”/ Hai gia đình tư sản/ Kinh tế mới)
Chương IV: Nạn Kiều
Sự thật về vấn đề người Hoa năm 1978 (Đội quân thứ năm/ Hiệp
định Geneve/ “chổi ngắn không quét xa”/ Hoàng Sa/ Sợ “con ngựa thành Troy”/ ‘Nạn
Kiều”/ “Phương án II”/ “Ban 69”/ Vụ Cát Lái).
Chương V: Chiến Tranh
Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh ở CPC và biên giới phía
Bắc năm 1979 (Biên giới Tây Nam/ Pol Pot/ Đi dây/ Khmer Đỏ và Campuchia dân chủ/
“Kẻ Thù Lịch Sử”/ Thất bại trong tấn công ngăn chặn [Pre-emptive War]/ “Nhất
biên đảo”/ “Áo lính lại khoác vào ngay”).
Chương VI: Vượt Biên
Điều gì đã khiến cho hàng triệu người VN phải bỏ nước ra đi.
Bi kịch của người dân và thái độ chính quyền trước cuộc tị nạn lớn nhất của người
Việt Nam trong lịch sử (“Vượt biên”/ Từ “trí thức yêu nước”/ Đến “thường dân”/
Trước khi tới biển/ Trại tị nạn).
Chương VII: “Giải Phóng”
Cuộc chiến tranh được gọi là giải phóng có thực sự giải
phóng sau những gì mà những người cộng sản áp dụng tại miền Nam (Sài Gòn thay đổi/
Kinh tế mới/ Đốt sách/ Cạo râu/ “Cách mạng là đảo lộn”/ Lòng người/ Những người
sinh ra không đúng cửa/ “Cánh cửa” Thanh niên xung phong/ Cửa không đủ rộng/ “Nổi
loạn”/ “Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở”).
PHẦN II: THỜI LÊ DUẨN
Chương VIII: Thống Nhất
Những lo lắng từ hai phía đặc biệt là của ông Lê Duẩn dẫn đến
quyết định thống nhất hai miền cả về chính trị và kinh tế, áp dụng mô hình miền
Bắc vào miền Nam một cách vội vã, mặc dù, nhiều người lúc đó, kể cả ông Lê Duẩn,
nhận thấy nền kinh tế tư nhân miền Nam hiệu quả hơn những gì áp dụng trên miền
Bắc (Nước Việt Nam là một/ “Bắc hóa”/ Chủ nghĩa xã hội/ “Con đường của Bác”/ “Mỗi
người làm việc bằng hai”/ Lê Duẩn và mối tình miền Nam/ Chấp chính và chuyên
chính).
Chương IX: Xé Rào
Chính sách kinh tế kế hoạch hóa và sản xuất lớn nhằm “tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” đã dẫn đất nước đến chỗ kiệt quệ.
Người dân và chính quyền các địa phương, thay vì tuân thủ các nguyên tắc của nền
kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” chấp nhận một số quy luật của kinh tế thị trường,
tiến trình này bị coi là “xé rào” nhưng chính những “lỗ thủng” đó đã trở thành
lối thoát cho dân chúng (Bế tắc/ Mậu dịch quốc doanh/ Máy bỏ không, công nhân
cuốc ruộng/ Tháo gỡ/ Nghị quyết Trung ương Sáu/ Bù giá vào lương/ Cắm cờ xé
rào/ Khoán chui/ Ông Kiệt xé rào, ông Linh lãnh đạn/ “Ai thắng ai”).
Chương X: Đổi Mới
Vai trò của Trường Chinh trong việc tiếp thu thực tiễn và
chuẩn bị về mặt lý luận để những người cộng sản chấp nhận kinh tế nhiều thành
phần, điều mà về sau gọi là đổi mới (Hội nghị Đà Lạt/ Nhóm giúp việc mới/ Người
của những khúc quanh lịch sử/ Từ chính sách Kinh Tế Mới/ Đến chọc thủng bức tường
bao cấp/ Giá-Lương-Tiền/ Nã pháo vào bộ tổng/ Khép lại trang sử Lê Duẩn/ Vai
trò của Mikhail Gorbachev/ Tuyên ngôn đổi mới/ Bàn tay Lê Đức Thọ/ Phút 89).
Chương XI: Campuchia
Dù muốn hay không, Campuchia đã “nằm trong một trang sử” của
Việt Nam. Không gian chiến tranh trong thập niên 1980s và cách mà Việt Nam đã
làm để thoát ra khỏi hai cuộc chiến: Biên giới phía Bắc và Campuchia (“Pot ở đầu
phum ta cuối phum”/ “Xuất khẩu cách mạng”/ Tư tưởng nước lớn/ Bị cô lập/ Phương
Bắc/ Hội nghị Thành Đô/ Campuchia thời hậu Việt Nam).
(HẾT CUỐN I)
———
Đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức
Trần Hữu Dũng
11-2012
11-2012
“Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch
sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết (kể cả những công trình bằng ngoại ngữ của
các học giả nước ngoài). Chỉ cần đọc qua mục lục quyển
sách là đủ để choáng ngợp bởi sự súc tích của nó. Tất cả những vấn đề nổi bật đều
được kể lại với những thông tin mới lạ: từ sự cố “nạn kiều” ở miền Nam, đến những
thất bại kinh tế đưa đến chính sách Đổi Mới năm 1986, vụ “Sáu Sứ”, đến chiến
tranh biên giới Tây Nam… đều được Huy Đức thuật lại rành mạch, lớp lang, theo
ký ức của hàng trăm nhân vật chủ chốt ̶ nhiều người có những vai
trò quyết định trong các sự kiện ấy ̶ được chính tác giả phỏng vấn.
Cuốn sách đầy ắp những thông tin mà tôi chưa từng đọc được
trong bất cứ sách báo nào đã xuất bản. Có thể nói, ngoài Huy Đức, trong lớp
nhà báo hiện nay, không ai có thể có được những phỏng vấn trực tiếp với hầu hết
những nhân vật quan trọng ở Việt Nam như thế này. Huy Đức là một trong số rất
ít (có thể đếm trên ngón một bàn tay!) ký giả Việt Nam hiện nay có khả
năng nghiệp vụ cao, dày dặn kinh nghiệm, và nhất là có biệt tài tạo sự tin cẩn ở
những người được phỏng vấn về những sự kiện vô cùng “nhạy cảm”, thậm chí “thâm
cung bí sử”.
Ngoài sự cực kỳ súc tích, một đặc điểm nổi bật khác, càng
đáng ca ngợi, ở tác phẩm này là sự rất công bằng của tác giả đối với “bên thua
cuộc”. Tôi chưa bao giờ được đọc những câu chuyên về sự gian truân (mà
tôi đã nghĩ là không bút mực nào tả xiết) của những người vuợt biên, những
“thuyền nhân”, được kể lại một cách trung thực, không phê phán, không tuyên
truyền, nhưng đầy tình người và nước mắt, như trong cuốn này. Tôi cũng chưa bao
giờ được đọc về hoàn cảnh tái sum họp của những gia đình tập kết, hay những người
bị đi cải tạo, như đã đọc ở đây.
Ở một tầm mức cao hơn, “Bên Thắng Cuộc” lột trần nhiều “huyền
thoại” về một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam: Họ không phải là những ác quỷ
“bán nước” (thậm chí “vô luân” trong đời sống cá nhân) như những người thù ghét
họ thường khẳng định, nhưng cũng chẳng phải là những lãnh tụ anh minh, tài đức,
luôn luôn gắn bó, đoàn kết với nhau, như ghi trong “chính sử” của Đảng. Họ
là những con người với những tị hiềm, những tranh chấp cá nhân, những thiếu sót
ở cách cư xử trong gia đình, và, vâng, những sai lầm nghiêm trọng về chính
sách, chiến thuật, về đường lối cai trị, và nhất là (theo tôi) cách chọn người
của họ. Những sai lầm mà, theo tôi, đã đưa đến hậu quả hiện nay (và vẫn
còn tiếp diễn chưa biết đến bao giờ) cho đất nước.
Hẵn có độc giả sẽ “than phiền” rằng “Bên Thắng Cuộc” thiếu
những phân tích tổng quan của chính người viết, nhưng, tôi nghĩ, Huy Đức truớc
hết là một ký giả, trọng trách hàng đầu của anh là ghi lại một cách trung thực,
có hệ thống, càng nhiều càng tốt, những sự kiện xã hội, chính trị và lịch sử. Phần
vụ phân tích những sự kiện ấy thì nên để cho những người khác (hay chính Huy Đức,
trong một cuốn sách mà tôi mong anh sẽ viết sau này). Một phê bình khác, có lý
hơn, là quyển sách này vẫn còn nhiều khoảng trống (trong dòng lịch sử). Có lẽ,
khi đọc lại, tác giả sẽ phát hiện những khoảng trống ấy và sẽ lấp chúng trong
những lần tái bản sau.
Tất nhiên, nhiều thông tin trong cuốn này cần được kiểm chứng
(nhất là thông tin về những sư kiện liên hệ đến những quốc gia khác mà các học
giả quốc tế đã nói đến khá nhiều, dựa vào những tài liệu văn khố hải ngoại).
Song, dù vài sự kiện nào đó (ví dụ như về liên hệ với Liên Xô và Trung Quốc) có
thể là chưa thật đầy đủ (và có thể có ích hơn nếu tác giả đối chiếu với những
nguồn nước ngoài), cuốn này cũng hữu ích vì nó cho thấy cái nhìn của người
trong cuộc (về phía Việt Nam). Nếu họ có nhận định không đúng, có thiếu
sót thông tin, và do đó có những quyết định sai lầm, thì chính sự sai lầm ấy
cũng là một dữ kiện làm rõ thêm lịch sử.
Cuốn sách sẽ là một sự thích thú cho tất cả mọi người Việt
Nam ưu tư với quê hương, mong muốn nhìn lại chính cuộc đời mình, gia đình mình,
trong gần 40 năm qua, nhưng nó cũng là một kho tư liệu hết sức dồi dào, mới mẻ,
cực kỳ quý báu cho những học giả, những sử gia nghiên cứu về Việt Nam.
Chúng ta nên cám ơn tác giả.
Trần Hữu Dũng
11/2012
Nguồn: Viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét