Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




KHI CỘNG SẢN “ GIẢI PHÓNG ” & “ CẢI TẠO ” CON NGƯỜI

Nguyễn Văn Trần
25-12-2014
trích từ "Một Nền Dân Chủ Nào Cho Việt Nam ?"



Người Pháp đến để “ giáo hóa ” dân Việt Nam. Thi hành sứ mạng “giáo hóa ”, họ đã bứng người dân ra khỏi môi trường văn hóa truyền thống và biến những người này thành một lớp người mới xa lạ với bộ phận còn lại của dân tộc. Nhưng đến khi người cộng sản “giải phóng ” thì mọi người đều bị “ đào tận gốc, bốc tận rễ ”.

Trật tự xã hội Việt Nam bị người cộng sản phá vỡ triệt để hơn, vì cộng sản thiết lập một chế độ cai trị độc tài toàn trị, với đảng cộng sản nắm trọn vẹn quyền lãnh đạo đất nước bằng chủ thuyết Mác-Lê. 

Mác xây dựng học thuyết chánh trị dựa trên quan hệ sản suất kinh tế làm nền tảng nhằm kêu gọi phát động cách mạng vô sản để cải tạo xã hội. Lê-nin thuộc giai cấp quí tộc nên tâm đắc giá trị quyền lực. Là người theo Cơ đốc Chánh thống Nga, Lê-nin rất am hiểu sức mạnh tinh thần của tôn giáo là thế nào. Lê-nin san định lại chủ thuyết Mác qua nỗi ám ảnh thần thoại Do thái – Kitô, xây dựng thành học thuyết chánh trị kinh tế Mác-Lê, biến học thuyết Mác-Lê trở thành một hệ thống lý thuyết cướp quyền và cầm quyền.7

thể nói thuyết Mác-Lê thành hình từ sự “ tục hóa thần quyền ” theo thần thoại Do thái-Kitô, nên đảng cộng  sản khi nắm quyền phải là đảng duy nhứt lãnh đạo toàn xã hội, bởi thần trong thần thoại đó vẫn là thần duy nhứt có toàn năng, vì là đấng Sáng Thế. 

Vào thập niên 20, Hồ chí Minh trên đường tìm kế sanh nhai ở Âu Châu, bất ngờ bắt gặp tài liệu sơ đẳng về chiến tranh giải phóng do phong trào cộng sản đệ III ấn hành. Vốn ít học, không đủ khả năng nhận thức và đánh giá, nên Hồ chí Minh vội chụp lấy và trân trọng như bức cẩm nang thần kỳ, đem về xứ áp dụng làm chiến tranh giải phóng, đưa Việt nam vào con đường xã hội chủ nghĩa. Khi lấy đảng cộng sản làm đảng cầm quyền, Hồ chí Minh đã học được đường lối chánh trị Mác-Lê theo thuyết “ chuyển hóa thần quyền từ tôn giáo vào chánh trị ”, nghĩa là đã “ cơ đốc hóa quyền chánh ” để cai trị toàn xã hội. 

Trong cách cầm quyền này, đảng cộng sản là hiện thân của đấng Sáng Thế ở Việt Nam, ban ơn sủng cho dân Việt Nam, một mình đứng trên tất cả và không chấp nhận có hai. Đảng cộng sản xem tất cả dân chúng, người ngoài đảng, chưa “ giác ngộ cách mạng ” đều có tội. Điều này thấy rõ ở miền Nam sau 1975. Trong các buổi học tập chánh trị tổ chức cho dân chúng ở các địa phương, người cộng sản thường tuyên bố «  tất cả dân miền Nam đều có tội, kể cả người quét đường, hốt rác »! Phải chăng đây đúng là một thứ tội tổ tông theo quan niệm thần thoại Do thái-Kitô mà người cộng sản học được và đem áp dụng vào chánh trị ?

Trong thực tế cai trị, thần quyền được đảng cộng sản áp dụng qua hình thức “ tự phê, tự kiểm ”, “ cải tạo ”, “ tiến lên chủ nghĩa xã hội ”, “ tuyệt đối trung thành với đảng ”, “ giữ lập trường giai cấp ” 8. Đó là những biện pháp nhằm cải tạo con người, để biến con người trở thành con người xã hội chủ nghĩa. Giống như trong tôn giáo, con người phải chịu “ phép rửa tội ” để từ “ người lương ” trở thành người “ có đạo ”, tức đã được rửa hết tội và mai kia chết sẽ được lên thiên đường.

Người lãnh đạo cộng sản lúc sống là “ thần linh ” bất khả  xâm phạm, được mọi người tôn sùng triệt để . Lúc chết, họ được rước vào miếu mạo để tiếp tục được thờ phượng. Về mặt xã hội, chỉ những người giác ngộ giai cấp mới được xem là nhơn dân.Về mặt chánh trị, chỉ những người được “ cải tạo trở thành người xã hội chủ nghĩa ”, tức đã được “ rửa tội ” ( trở thành đảng viên ) mới được hưởng những quyền công dân cao như quyền tham chánh.
 

Trở lại vũ trụ quan của người Việt Nam, theo đó con người được quan niệm như giao điểm của Đất-Trời . Trời nói lên phần thiêng liêng, những giá trị tinh thần. Đất bảo đảm cho con người cuộc sống vật chất ấm no . Do đó, hai tiếng Trời-Đất đối với người Việt Nam hàm chứa một nội dung thiết thực, được thể hiện bằng thể chế công điền và đạo thờ cúng Ông Bà . Hai thể chế đi đôi như Đất với Trời.9

Ngày xưa ở Tây phương và Tàu, chỉ có giới quí tộc, trưởng giả, quan quyền mới có quyền thờ cúng Ông Bà, vì chỉ có Ông Bà của họ mới đáng thờ cúng .Thờ cúng Ông Bà cho họ những quyền lợi về công dân mà những người không thờ cúng Ông Bà không có quyền được hưởng . Khi có quyền công dân, họ có quyền sở hữu tài sản, nghĩa là có quyền sở hữu đất đai .

Trong lúc đó, ở Việt Nam, từ cổ sơ, người Việt Nam nào cũng có quyền thờ cúng Ông Bà của mình, và việc thờ cúng Ông Bà đối với người Việt Nam đã trở thành “ Việt đạo ”. Thờ cúng Ông Bà ở Việt Nam còn được bảo đảm do chánh quyền cấp phát cho người dân nghèo không có ruộng đất một thửa ruộng để sanh sống mà lo duy trì sự thờ cúng Ông Bà . Do đó, đối với người Việt Nam, đất và thờ cúng Ông Bà, cả hai đều mang một ý nghĩa thiêng liêng . Ông Paul Mus nhận xét rằng “ Đất Trời hay thờ cúng Ông Bà và thửa ruộng đối với người Việt Nam là một thực thể, một quan niệm về đất đầy ấp tình người, hồn người ”10. Đất, nơi ấp ủ hồn thiêng của tổ tiên, nên linh thiêng hơn vật chất bình thường. Người nông dân Việt Nam không bao giờ chịu bán đất, nhứt là đất hương hỏa dành riêng cho việc thờ cúng Ông Bà lại bị cấm bán nhượng, cầm thế . Đối với người nông dân Việt Nam, Đất có một nội dung hoàn toàn  khác với nông dân Tây phương . Bởi, với Tây phương, đất chỉ là đất mà thôi 

Về mặt kinh tế xã hội, đất với chế độ quân phân tài sản – công điền công thổ - đã đem lại cho người Việt Nam một đời sống điều hòa, tự chủ, nên xã hội Việt Nam không có giai cấp vô sản, khác hẳn với xã hội Tây phương và Tàu ngày xưa . Nói theo ngôn ngữ ngày nay, quyền được làm một con người ở xã hội Việt Nam cổ thời đã được tôn trọng và thực thi . Khi người dân phải đứng lên cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm tàn phá “ xã tắc ”, thì họ hiểu thấm thía từ thửa ruộng, mảnh vườn của họ trào dâng lên lòng thương nước, thương nhà mà phải bảo vệ, giữ gìn, chớ hoàn toàn không phải vì một chủ thuyết trừu tượng xa vời nào làm động cơ thúc đẩy họ hết cả . 

Khi người thực dân Pháp bước chơn đến, đặt xong nền cai trị, thì họ cũng bắt đầu phá vỡ cái “ vũ trụ ” nhơn sinh đó để tiêu diệt tận gốc các mầm mống đề kháng .11 Đến năm 1940, người Pháp đã đem lại sự bất bình sản nghiêm trọng . Ngoài Trung, vì còn Nguyễn triều, nên còn giữ được 26% công điền . Miền Bắc, theo chế độ bảo hộ, nên chỉ còn giữ được 20% công điền . Trong lúc đó, miền Nam là xứ thuộc địa, nên công điền chỉ giữ được có 2,5 % . Nhìn chung ở Nam kỳ, cứ 15 người có một điền chủ tư điền . Còn ở Bắc, từ 6 người là có một điền chủ tư điền . Về công điền, ở Bắc, ai ai cũng được cấp phát để sanh sống .12

Về mặt xã hội, người Việt Nam có nghèo cực nhưng không có ai như thợ thuyền ở Tây phương, đến nỗi phải bán mình vì không còn gì khác ngoài mình để mà bán ! Đã có đất riêng để tự sanh sống, thì phần tinh thần để hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ, cũng được giải quyết thỏa đáng cho mọi người, không hề có sự phân biệt đối xử . Hầu hết, không làng nào không có vài ba ông đồ nho dạy học . Việc học không phải tốn kém lắm . Đã có quyền sống, quyền mở mang trí não, người dân nhờ ở tài đức được thêm quyền tham dự vào chánh sự .

Ở Việt Nam ngày nay, người dân lương thiện bình thường, nếu không phải là đảng viên  đảng cộng sản, vẫn chưa đạt được địa vị của người dân dưới thời quân chủ cực thịnh về mặt nhơn quyền và dân quyền . Khi người cộng sản nổi lên ở Việt Nam, họ hô hào đánh Tây, đuổi Mỹ là để cướp lấy quyền lực và nắm giữ quyền lực trong tay đảng cộng sản, chớ không phải vì Tây, Mỹ đã phá vỡ cái công thể Việt Nam ấy . Về phía người Việt Nam, không ai chấp nhận lệ thuộc ngoại bang, nên khi cộng sản hô hào giải phóng dành độc lập như một cám dỗ, toàn dân đã dấn thân tham gia kháng chiến, lòng họ bổng dưng tràn ngập hứa hẹn về một tương lai huy hoàng . Nhưng trong thực tế, toàn dân đã bị cộng sản Hồ chí Minh phản bội trắng trợn ngay khi chiến tranh giải phóng kết thúc .

Người Pháp đã phá vỡ chế độ công điền làm nảy sanh một lớp địa chủ mới giàu có, đồng thời làm xuất hiện một tình trạng xã hội mới, đó là sự bất bình đẳng . Để kiếm cách sanh sống ngoài thôn xóm, một số nông dân nghèo, không có đất đai canh tác phải chấp nhận rời xã thôn và gia đình . Hiện tượng này đã phá vỡ sự quân bình tâm lý ở người Việt Nam . Việc bốc người nông dân ra khỏi công thể, sau thực dân Pháp, được người cộng sản đẩy mạnh hơn bằng những đợt “ giải phóng ”. Khi ruộng đất của họ bị tập thể hóa thì người nông dân bị biến thành những cá nhơn đơn lẻ . Họ hoàn toàn bị đoạn tuyệt với nếp sống công thể cũ . Chẳng những họ sống trong sự mất quân bình tâm lý như dưới thời Pháp thuộc, mà họ còn bị vong thân vì phải sống theo đoàn lũ kết hợp bằng những cá nhơn rời rạc, thiếu mối dây liên kết đầy ấp tình người như trước kia . Người nông dân trong chế độ cộng sản không gì khác hơn là những « cu-li » nông nghiệp đi làm theo tiếng kiểng và lảnh lương theo chế độ chấm công .

Sự sống thành đoàn lũ hay xã hội thợ thuyền có thể hiểu được ở Tây phương, vì ở đấy, ngày xưa, có nô lệ, tiếp tới nông nô thời Trung cổ, khi bước vào thời đại kỹ nghệ, có thợ thuyền làm việc ăn lương. Họ trải qua các giai đoạn lịch sử kéo lê cuộc sống vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa nào đó để giải phóng họ và đoàn ngũ hóa họ . Còn ở Việt Nam, có người Việt nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có giai cấp vô sản, không có chế độ phong kiến . Chỉ khi người cộng sản giải phóng nông thôn, chẳng những đấu tố địa chủ dã man, mà còn bần cùng hóa nông dân đến cùng cực . Ông Milovan Djilas viết : “ Giai cấp mới , tức người cộng sản cầm quyền, đã thành công trong việc biến hóa các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhứt trong lợi tức của họ”13 . Ở Việt Nam, phong kiến và giai cấp vô sản, nếu có, thì phải bắt đầu từ khi cộng sản cầm quyền .

Khi người cộng sản “ giải phóng ” con người khỏi cảnh vong thân, kỳ thật họ làm điều trái ngược . Trước kia, dưới thời Pháp thuộc, họ chỉ bị vong thân có một, thì nay, họ bị người cộng sản nhận xuống thêm mấy độ sâu trong hố vong thân . Và tệ hại hơn nữa, người cộng sản không cho phép họ ra khỏi hố vong thân khi có cá nhơn nào đó chợt nhận ra được mình bị vong thân . Xét dưới ánh sáng văn hóa Việt Nam, thì khi nói giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, người cộng sản đã bỏ nội ngã của mình, rồi bỏ gia đình, sau đến bỏ quốc gia mà muốn đi thẳng đến quốc tế, nên họ xéo qua người thân yêu, bước lên đồng bào để đi phục vụ quốc tế vô sản14. Chúng ta nhận thấy ngay cái quốc tế đó, tự nó, đã thiếu nội dung chơn thật vì hoàn toàn rỗng nghĩa . Nó chỉ còn là danh từ che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia đình tan hoang, của cảnh đồng bào bị tàn sát tập thể oan uổng hon 10 triêu nhơn mạng, của đất nước bị tụt hậu, nghèo đói, phá sản .

Như vậy, không thể nói chủ thuyết Mác-Lê là khoa học được, vì nó thiếu thực tiễn và không có khả năng đi vào tương lai . Riêng đối với Mác, cái thực tiễn mà Mác đã thu thập được chỉ có 75 ngày qua công xã Paris . Trước sau, chủ thuyết Mác-Lê mà cộng sản Hà nội ngày nay vẫn còn theo đuổi chỉ là những ước mơ trừu tượng hóa thực tiễn, nên khi va chạm thực tiễn liền bị đời sống phức tạp, đa dạng, với sức vận hành luôn luôn đổi mới mảnh liệt của xã hội đánh bại, vỡ tan ra từng mảnh như bọt bèo .

Nhận định về Mác và chế độ cộng sản chuyên chính, triết gia Mác-Xít trẻ tuổi người Ba Lan, ông Leszeck Kolakowski, cho rằng Mác là người mang nặng “ nỗi ám ảnh quá khứ ” theo nghĩa thần học . Cuộc cách mạng dân quyền và khoa học ở Âu Châu đã tách xã hội ra khỏi giáo quyền, khiến con người cứ hoài vọng trở về đời sống nhất quán nguyên sơ cũ, điều mà ông Leszeck Kolakowski gọi là “ Huyền thoại về tự ngã nhơn loại ”. Theo ông, chủ nghĩa Mác-Xít là một cố gắng thống nhứt trở lại các trật tự cũ đã mất về chánh trị, kinh tế, xã hội và tâm linh . Trong suy tư, Mác đã mơ về một nhơn loại hồn nhứt chỉ có ở thiên đường mà loài người đã đánh mất từ khi bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng . Đây là một trạng thái tâm thần của một con người bị ám ảnh thần học về cội nguồn ! Trong thực tế, chủ thuyết Mác được người cộng sản áp dụng để xây dựng một xã hội thuần nhứt, không có giai cấp, không người bóc lột người, vì mọi người làm việc tùy theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu . Xã hội của Mác như vậy chỉ là một thứ huyển tưởng. Mà dùng bạo lực triệt để của số đông nhằm biến huyển tưởng thành hiện thực là một tội ác tày trời .

Hồ chí Minh do thiếu học và thiếu suy nghĩ, đã chọn chủ nghĩa Mác-Lê áp dụng ở Việt Nam là một tội ác . Đảng cộng sản Hà nội ngày nay vẫn còn theo con đường Mác-Lê là tiếp tục dấn thân vào tội ác . Dù có nhơn danh thứ gì đi nữa, thì sự sụp đổ của cộng sản ở Liên sô và Đông Âu cũng đã quá đủ để tố cáo chủ thuyết Mác-Lê là hoàn toàn không có tính hiện thực khoa học, bởi nó không có giá trị áp dụng để xây dựng xã hội và phát triển đất nước . 

Hà nội nên khôn ngoan mà sớm từ bỏ cộng sản để tránh gây thêm tội ác với nhơn dân .

Nguyễn Văn Trần
____________________
Ghi chú

7   Hồ sĩ Khuê, sđđ
8   Hồ sĩ Khuê, sđđ
9   Paul Mus, La sociologie d’une guerre, Paris,1952.
10  Paul Mus, sđđ
11  Mgr. Pugignier, Archives, MEP. Paris.
12  Bernard Fall, Les deux Vietnam, Paris, 1967.
13  Milovan Djilas, La nouvelle classe, Plon, Paris, 1962

14  Kim Định, Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, Saigon, 1967.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét