Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ NĂM 25/5/2017

25-5-2017

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Nợ nước ngoài tăng 6.5 lần trong 15 năm 
Tin Thế Giới

1.Biểu tình ở Bruxelles chống NATO và Trump --- Trump đàm phán 'cứng rắn' với Nato

Các nhà lãnh đạo NATO tới Bruxelles trong tình hình an ninh nghiêm ngặt để dự một hội nghị mà chủ đề xoay quanh cuộc tấn công khủng bố ở Manchester.

Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nhiều nhà lãnh đạo với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người mà trong thời gian vận động tranh cử, đã chỉ trích liên minh NATO là “lỗi thời” vì không hữu hiệu trong việc chống chủ nghĩa khủng bố. Từ Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, thông tín viên Luis Ramirez của VOA tường thuật rằng các cuộc tấn công khủng bố xảy ra hồi gần đây ở Châu Âu có nghĩa là nhà lãnh đạo Mỹ có thể được sự hậu thuẫn mà ông cần để củng cố các nỗ lực chống khủng bố của liên minh NATO.

Hàng ngàn người khuynh tả tuần hành tại Bruxelles để phản đối cả NATO lẫn nhà lãnh đạo Mỹ. Một số người nói họ hoan nghênh những chỉ trích của ông Trump đối với NATO, nhưng giờ cảm thấy thất vọng vì ông lại hợp tác với các nước này.

Một người tham gia biểu tình, anh Frans de Maegd nói:

“Ông Trump đã có những phát biểu tích cực trong chiến dịch vận động tranh cử. Ông nói Hoa Kỳ sẽ không can dự vào chuyện của các nước trên khắp thế giới nữa. Tôi nghĩ đó là điều tốt. Nhưng bây giờ chính quyền của ông phải chịu sức ép từ cả phe Dân chủ lẫn thành phần cốt cán của Đảng Cộng hoà, họ đang nắm đầu ông, buộc ông phải thay đổi suy nghĩ và áp dụng một chính sách hung hăng, chẳng kém gì chính sách của Obama.”

Ông Trump tới Bruxelles vào thời điểm khi mà tình hình Châu Âu đang hết sức căng thẳng tiếp theo sau cuộc tấn công khủng bố trong tuần này ở Manchester, Anh quốc.

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo đang ở trong tâm trạng sẵn sàng hành động cứng rắn để chống khủng bố.

Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói:

“Các cuộc tấn công mà chúng ta đã chứng kiến ở Manchester, theo ý tôi, là một vấn đề sẽ được tất cả các nhà lãnh đạo xử lý theo cách này hay cách khác, bởi vì các cuộc tấn công đó vô cùng tàn bạo và cố ý nhắm vào trẻ con, những người trẻ tuổi và gia đình họ.”

Thông điệp chủ yếu của ông Trump cho các thành viên NATO là họ phải khởi sự bằng cách đóng góp công bằng vào nỗ lực chống khủng bố, nghĩa là phải dành riêng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg:

“Chúng tôi đang có tiến bộ. Sau nhiều năm suy giảm, tổng chi tiêu quốc phòng của các nước đồng minh Âu Châu và Canada đã tăng hàng tỉ đôla trong năm ngoái.”

Tuy nhiên tăng chi tiêu quốc phòng là một vấn đề chính trị mà cử tri các nước Tây Âu khó chấp nhận vì áp lực từ các chương trình an sinh xã hội rất tốn kém tại các nước này. Tại một căn cứ của người biểu tình ở Bruxelles, các nhà hoạt động chống NATO bày tỏ lo ngại. Cô Stephanie Demblon nói:

“Điều đó có nghĩa là một khoản tiền khổng lồ sẽ được dành riêng cho chiến tranh, và điều đó có nghĩa là khoản tiền khổng lồ ấy sẽ không được dùng để chi vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và những dịch vụ khác.”

Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra vào lúc Tổng Thống Emmanuel Macron tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Pháp. Một loạt cuộc tấn công khủng bố hồi gần đây ở Pháp và Anh có nghĩa là các lãnh đạo NATO sẵn sàng bàn về đề tài chiến tranh hơn là nói về hòa bình.

Trong tình hình đó, những người biểu tình ở Bruxelles khó có thể đạt được nguyện vọng. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Brussels và có những cuộc đàm phán mà êkíp của ông miêu tả là "cứng rắn" với các thành viên khác trong liên minh Nato.

Ông Trump cũng dự kiến gặp các quan chức Liên minh châu Âu hôm 25/5. Ông từng chỉ trích cả Nato lẫn EU.

Sau khi đến Brussels, ông Trump gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ trong lúc hàng ngàn người biểu tình chống Trump ở trung tâm thành phố.

Ông Trump đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia Nato vì chi tiêu quốc phòng ít hơn mức 2% sản lượng quốc gia mà họ đã đồng ý.

Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với phóng viên rằng ông Trump "thực sự muốn thuyết phục các thành viên Nato hoàn thành nghĩa vụ của họ".

Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi [người Mỹ] đang làm rất nhiều cho an ninh của quý vị. Quý vị cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình."

"Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với Nato."

Phóng viên BBC Kevin Connolly về châu Âu phân tích: 

Lịch trình của ông Trump ở Brussels sắp xếp nhiều cuộc họp và giảm những bài phát biểu trước công chúng cũng như kiểm soát báo chí đi theo tường thuật sự kiện.

Buổi sáng 25/5, ông Trump gặp lãnh đạo EU, trong đó Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng phàn nàn rằng tổng thống Mỹ cần hai năm đầu trong nhiệm kỳ để nhận biết tình hình thế giới.

Buổi chiều, ông đến trụ sở chính của Nato, tổ chức mà ông từng mô tả là "lỗi thời" và gặp các thành viên châu Âu mà ông chỉ trích vì không chi tiêu đủ mức để phòng thủ. - BBC
|
|

2.
Bến xe buýt Jakarta bị đánh bom

Một vụ nổ bị nghi do đánh bom tự sát đã làm rung chuyển một bến xe buýt ở thủ đô Jakarta của Indonesia, giết chết ít nhất một cảnh sát.

Cảnh sát cho biết kẻ tấn công đã chết trong vụ nổ. Nhiều người khác bị thương trong vụ nổ này. 

Phó Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Tướng Syafruddin nói với các phóng viên:

"Tối hôm nay, tôi xin chia sẻ mối lo ngại sâu sắc của tôi với các công dân Indonesia và tất cả chúng ta, những người đang có mặt ở đây. Một vụ nổ bom đã xảy ra và tại thời điểm này có lý do để tin rằng đó là một vụ đánh bom tự sát".

Vụ nổ xảy ra gần bến Kampung Melayu dành cho xe minivan và xe buýt, tại một khu vực của thành phần lao động ở đông Jakarta, nơi có ít khách du lịch và người nước ngoài lai vãng.

Hình ảnh video cho thấy khói bay lên từ hiện trường và đông đảo nhân viên cảnh sát, một số nhân viên sơ tán người bị thương ra khỏi hiện trường. Khu vực này đã bị phong tỏa.

Cảnh sát trưởng Jakarta Andry Wibowo cho biết thiệt hại trong khu vực này là "khá lớn". - VOA
|
|

3.
Người Hàn Quốc kiện Trung Quốc làm ô nhiễm không khí

Chất lượng không khí tệ hại tại Trung Quốc không những làm người Trung Quốc khó chịu mà còn làm ảnh hưởng tới người dân các nước láng giềng. Đó là lý do một số người Hàn Quốc nộp đơn kiện chính phủ Bắc Kinh và Seoul hôm 24/5.

Tổng cộng có 88 nguyên đơn nói họ bị thiệt hại về tinh thần và có nguy cơ bị các vấn đề hô hấp vì những hạt bụi nhỏ li ti bay vào Hàn Quốc từ những sa mạc phía tây Trung Quốc, theo thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc.

Bão cát từ Samạc Gobi là một hiện tượng theo mùa tại Trung Quốc, thường xuyên ảnh hưởng đến cư dân tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, nơi những hạt bụi li ti lẫn với sương mù làm cho chỉ số ô nhiễm lên cao.

Bụi cũng bay đến Seoul gây nên những cuộc biểu tình.

Trong khi nhiều người Hàn Quốc đổ lỗi cho Trung Quốc gây nên không khí ô nhiễm, các chuyên gia nói việc nước này phụ thuộc nhiều vào các nhà máy điện chạy bằng than đá và dầu diesel là nguyên nhân chính của vấn đề. Tuy nhiên, các nguyên đơn không chùn bước.

Theo Yonhap, đơn của họ kiện Trung Quốc vì đã không “kiểm soát ô nhiễm ở mức cho phép,” và đã làm cho người Hàn Quốc gặp “nguy hiểm trầm trọng.” Họ đòi bồi thường 2.600 đô la mỗi người. - VOA
|
|

4.
Tàu chiến Mỹ tiếp cận Đá Vành Khăn

Một chiến hạm Hoa Kỳ tiến gần Đá Vành Khăn ở Biển Đông, thách thức đầu tiên với Bắc Kinh ở vùng biển này từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Truyền thông Hoa Kỳ dẫn nguồn tin ẩn danh cho hay, chiếc USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn, một trong số các đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc kiểm soát và tiến hành bồi đắp.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, gồm các rạn san hô và đảo cũng được Việt Nam và các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.

Mỹ nhấn mạnh rằng họ có thể tiến hành các hoạt động ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào.

Washington nói rằng họ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng từng điều các tàu và và máy bay quân sự tiếp cận các hòn đảo đang tranh chấp.

'Kiểm soát tốt bất đồng'

Mỹ gọi đây là các hoạt động "tự do hàng hải" nhằm đảm bảo tiếp cận các tuyến vận tải và đường hàng không chính yếu.

Mỹ cũng nhiều lần chỉ trích những gì mà họ cho là toan tính của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do đi lại trong vùng biển chiến lược.

Trước đó, một bài trên báo Trung Quốc cho biết, dàn phóng rocket Norinco CS/AR-1 55mm được lắp đặt tại Đá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử quần đảo Trường Sa, nhằm ngăn chặn đặc công nước của quân đội Việt Nam.

Đá Chữ Thập do Trung Quốc kiểm soát nhưng cũng được Việt Nam, Philippines, và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam và Trung Quốc nhất trí "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo chung Việt-Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang.

Kể từ khi Phillipines, dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, giảm bớt đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất đồng nhất với Trung Quốc về vấn đề này, hãng tin Reuters bình luận.

Sau những cuộc họp mà phía Trung Quốc nói là "tích cực" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Trần Đại Quang, thông cáo chung nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát các bất đồng.

Thông cáo chung còn nói hai bên đã "đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển" và nhất trí sử dụng cơ chế đàm phán hiện hành về biên giới lãnh thổ để "tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".

Đây không phải là lần đầu tiên hai bên dùng những ngôn từ này. - BBC
|
|

5.
Pháp: Chính sách châu Á của tân tổng thống Macron sẽ ra sao?

Một câu hỏi thường được đặt ra từ ngày tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức : Đó là chính sách châu Á của Pháp sẽ ra sao ? Chuyên san Pháp Asialyst ngày 18/05/2017 đã thử trả lời trong bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre mang tựa đề « Từ Hollande đến Macron, chính sách nào cho Pháp ở châu Á - De Hollande à Macron, quelle politique pour la France en Asie ? ».

Đối với chuyên gia Philippe Le Corre, cả tổng thống Macron lẫn thủ tướng Édouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến châu Á trong công việc trước đây của mình. Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của tân ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với châu Á trong suốt 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng của cựu tổng thống François Hollande tiền nhiệm cũng sẽ rất cần thiết.

Thủ tướng Edouard Philippe có kinh nghiệm về Trung Quốc

Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Trong tư cách thị trưởng của thành phố cảng Le Havre, lãnh đạo mới của chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Le Havre đã năm lần tổ chức diễn đàn thương mại Trung Quốc-Europa, một sự kiện vốn từ năm 2006 đến năm 2014, đã trở thành một trong những cuộc hẹn tại châu Âu rất được doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng.

Ông Philippe, trong tư cách thị trưởng Le Havre, đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, đặc biệt là để gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2013) nhân một hội nghị Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề đô thị, và đồng chủ trì phiên bản Trung Quốc của diễn đàn Trung Quốc-Europa tại thành phố Thẩm Dương (09/2014).

Cặp đôi đứng đầu ngành hành pháp nước Pháp Macron-Philippe như vậy sẽ tiếp tục công việc của cựu tổng thống François Hollande, một người ngay từ năm 2012, đã hoạch định một chính sách châu Á tinh tế nhờ cố vấn ngoại giao của ông, nhà Hán học Paul Jean-Ortiz.

Được cử làm cố vấn chỉ đạo (sherpa) về những vấn đề quốc tế, "PJO" người đã hầu như trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình ở châu Á, đã có một cộng sự đồng hành tại điện Elysee mang tên Emmanuel Macron, phó tổng thư ký phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế.

Trong số những thành tựu của Paul Jean-Ortiz (qua đời tháng 07/2014), có thể kể đến việc Pháp đã xây dựng thành công những quan hệ tin cậy với hầu hết các nước châu Á, không riêng gì với Trung Quốc (từng gặp rắc rối với tổng thống Nicolas Sarkozy) và Nhật Bản.

Đông Nam Á được đặc biệt quan tâm từ năm 2012

Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành một mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, François Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng châu Á Thái Bình Dương : từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Úc; chưa kể đến rất nhiều các chuyến thăm cấp thủ tướng hay bộ trưởng từ giữa năm 2012 đến năm 2017.

Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Malaysia, Indonesia và Singapore là khách hàng lâu năm của các tập đoàn vũ khí Pháp Thales và DCNS. Trong năm 2016, Úc đã đặt 40 tỷ đô la tàu ngầm do DCNS chế tạo. Còn Ấn Độ thì đã đặt mua 36 máy bay Rafale của Dassault Aviation với giá 8,8 tỷ đô la, cũng vào năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng rất được tôn trọng là ông Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được châu Á chú ý, vì bản thân ông là một bộ trưởng Quốc Phòng rất quan tâm đến châu Á.

Tân ngoại trưởng Pháp từng đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tuần tra Biển Đông

Vào tháng 06/2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (cuộc họp thường niên của các chuyên gia quốc phòng ở châu Á), ông đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất việc Liên Hiệp Châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra Hải Quân tại Biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, chính trong thời gian ông làm bộ trưởng Quốc Phòng mà các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường.

Vào lúc Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh các sáng kiến của họ ở Đông Nam Á, phát biểu năm 2016 của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng đã được hiểu như là một mong muốn của Pháp, muốn ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chiến lược trong khu vực. Pháp, tương tự như hầu hết các nước châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ngày 12 tháng 7 năm 2016 về Biển Đông - một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp. Ông Le Drian cho rằng : « Nếu muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta cần phải bảo vệ pháp luật của biển ».

Về mặt chiến lược, Hải quân Pháp có một sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương, tại vùng Nouvelles Calédonies, Polynésie và Wallis và Futuna (chưa kể đến Ấn Độ Dương). Là quốc gia có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới, Pháp cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand - cường quốc hàng hải khu vực khác - thông qua nhóm phối hợp bốn bên về an toàn hàng hải ở Thái Bình Dương.

Pháp cũng là một trong những nước ủng hộ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tại Biển Đông, được đại diện cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini chủ xướng. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sylvie Goulard chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến hợp tác châu Âu trong lĩnh vực quan trọng này.

Emmanuel Macron: Châu Âu cần đoàn kết trước Trung Quốc

Vấn đề lớn khác liên quan đến châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.

Giống như những gì họ đã làm thông qua hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của khoảng ba mươi nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ - nhưng không có Pháp vị bận bầu cử, Trung Quốc tiếp tục tiến quân vào châu Âu về mặt kinh tế.

Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đạt 35 tỷ, tăng 77% so với năm trước. Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Ý, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra vào năm 2015. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.

Trong toàn cảnh đó, đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý.

Tổng thống mới của nước Pháp đã thấy được rằng Trung Quốc là một tác nhân kinh tế chủ chốt thời ông còn ở bộ Kinh Tế từ năm 2014 đến năm 2016, và theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 quan hệ ngoại giao Pháp-Trung) vào tháng tư năm 2014.

Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa Thuận Khí Hậu COP21 tại Paris. Về vấn đề đầu tư của Trung Quốc, tân tổng thống phân biệt rõ : Không thể đòi hỏi Trung Quốc mua máy bay Airbus mà lại từ chối không cho họ đầu tư vào sân bay Toulouse.

Vị cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã từng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với Pháp thời ông François Hollande làm tổng thống. - RFI
|
|

6.
Bầu Quốc Hội Pháp: Đảng Cộng Hòa Tiến Bước dẫn đầu kết quả thăm dò

Theo thăm dò ý kiến của hãng Elabe thực hiện trong hai ngày 23-24/05/2017 cho kênh truyền hình BFM TV về ý định bỏ phiếu bầu Quốc Hội Pháp vòng 1 ngày 11/06, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên minh với đảng cánh trung Phong Trào Dân Chủ dẫn đầu với 33% ý định bỏ phiếu, vượt xa đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (20%) và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (19%).

AFP cho biết 51% số người được hỏi cho biết chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội. 67% số người được hỏi đánh giá tân tổng thống Macron đã đi đúng hướng trong những ngày đầu của nhiệm kỳ. 31% có ý kiến ngược lại.

Trong khi đó, tân nội các Pháp dính vào vụ tai tiếng đầu tiên có liên quan đến bộ trưởng Quy Hoạch Phát Triển Richard Ferrand, xuất thân từ đảng Xã Hội - một nhân vật thân cận với tổng thống Macron.

Tờ báo Le Canard enchaîné (Con vịt buộc) mới đây tiết lộ 2 thông tin : Vào năm 2011, ông Richard Ferrand là tổng giám đốc công ty Les Mutuelles de Bretagne đã chọn thuê một cơ sở của văn phòng bất động sản của vợ ông, và ông Ferrand đã tuyển dụng con trai làm trợ lý nghị sĩ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014.

Ông Ferrand khẳng định những việc trên không phạm pháp và cũng không trái đạo đức : Ông thuê bất động sản theo yêu cầu công việc và trong nhiệm kỳ nghị sĩ 5 năm, con trai ông chỉ làm việc cho ông 5 tháng đầu năm 2014 với mức lương tối thiểu (SMIC). Tuy nhiên, ông Richard Ferrand cũng cho biết nếu có thể làm lại, ông sẽ không tuyển dụng con trai, trong bối cảnh xã hội không chấp nhận các nghị sĩ thuê người thân trong gia đình làm trợ lý.

Tuy nhiên, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa đã yêu cầu bộ Tư Pháp tiến hành điều tra. 

Về phần chính phủ Pháp, đáp lại yêu cầu cách chức bộ trưởng Richard Ferrand, phát ngôn viên Christophe Castaner hôm qua 14/05 tuyên bố trong cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng là sẽ không có chuyện đó. - RFI
|
|

7.
Khủng bố Manchester: Cha và em trai thủ phạm bị bắt tại Libya --- Khủng bố Manchester: Chính phủ Anh tức giận vì thông tin điều tra bị tiết lộ

Cuộc điều tra vụ khủng bố ở Manchester tiến triển: sáng nay 25/05/2017, cảnh sát bắt giữ thêm hai người đàn ông tại vùng Manchester (tây bắc Anh Quốc), vì bị tình nghi « có liên quan ». Tổng cộng có 8 người bị tạm giữ để điều tra.

Ngoài sáu người bị bắt ở Anh Quốc, người cha Hachem Abedi và em trai Ramadan Abedi của kẻ đánh bom tự sát Salman Abedi, bị bắt tại nhà riêng ở Tripoli, Libya. Một phát ngôn viên của lực lượng an ninh Libya cho biết em trai của thủ phạm (18 tuổi), « bị theo dõi từ một tháng rưỡi nay » ở Libya, « biết rõ âm mưu khủng bố » của người anh.

Thông tín viên Lê Hải tường trình từ Luân Đôn :

« Sau khi xác định danh tính của kẻ đánh bom ở Manchester là Salman Abedi, cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ cha và em của người này và cho biết nhờ vậy đã ngăn chặn được một vụ đánh bom tương tự ở Tripoli ở Libya.

Ngoài một số vụ bắt giữ trong cộng đồng người Libya ở Manchester, vụ việc này đã nhanh chóng lan tỏa và mở rộng thành câu chuyện quốc tế. Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi NATO tham gia vào cuộc chiến chống Daech, và trách Hoa Kỳ đã làm lộ ảnh chụp từ hiện trường vụ đánh bom cũng như thông tin đang được điều tra.

Các diễn biến mới nhất có liên quan tới vụ đánh bom tự sát ở Manchester đang tiếp tục là hàng tin đầu trên truyền thông Anh quốc. Các báo mạng đều để chế độ Live để liên tục cập nhật về danh tính người chết mà quá nửa là trẻ em với nạn nhân bé nhất chỉ có 8 tuổi, cũng như tình trạng của những người bị thương mà con số đã vượt quá 100 người và nhiều người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Hồi 11 giờ trưa (25/05) toàn nước Anh dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân và cố gắng vượt qua nỗi đau mất mát, mà đặc biệt là có những gia đình vẫn đang đi tìm con bị mất tích sau đêm nhạc.

Nước Anh trong tình trạng « nguy cấp » về an ninh

Nếu đến nước Anh trong những ngày này quí vị sẽ gặp cảnh sát mang súng ở khắp mọi nơi. Khác với những biến cố về an ninh mà tôi từng chứng kiến trong gần 20 năm qua, tư thế của lực lượng vũ trang lần này tạo ra một cảm giác thật đáng sợ. Họ trấn thủ ở các chốt giao thông lớn, không phải tuần tra tạo cảm giác yên tâm như thường gặp, mà đứng sát vào một góc tường để không tạo ra sự chú ý cho đám đông, tư thế sẵn sàng thi hành lệnh điều động để hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát không mang súng cũng đang xuất hiện rất nhiều.

Nước Anh đang được đặt trong tình trạng nguy cấp về an ninh. Gần 1.000 binh sĩ quân đội đã được triển khai để thay thế cảnh sát vũ trang trực gác các mục tiêu quan trọng như phủ thủ tướng và quốc hội trong chiến dịch « Temperer ». Lực lượng này giúp cảnh sát vũ trang có thể được điều phối tới các điểm khác, mà đặc biệt là các sân vận động bóng đá khắp nước Anh vào cuối tuần này, cũng như các buổi ca nhạc bao gồm cả đêm nhạc của ca sĩ Ariana Grande ở Luân Đôn. Khi cần thiết thì quân đội có thể chuyển đến 3.800 quân để yểm trợ cảnh sát vũ trang làm nhiệm vụ.

Trên cơ sở đánh giá của cơ quan tình báo quốc nội MI5 và điều tra của cảnh sát, chính phủ Anh nhận thấy có thể còn có thêm những người khác có khả năng đã được tổ chức thành mạng lưới để tạo ra những vụ tấn công khủng bố như vừa rồi". - RFI

***
Một số ảnh chụp từ hiện trường vụ đánh bom được nhật báo Mỹ New York Times đăng ngày 24/05/2017 đã khiến thủ tướng Theresa May tức giận. Trong khi đó, cảnh sát chống khủng bố Anh cho rằng việc công bố «thông tin không được phép » sẽ gây nguy hiểm cho cuộc điều tra.

Một phát ngôn viên cảnh sát chống khủng bố Anh khẳng định : « Chúng tôi đánh giá cao quan hệ chặt chẽ với các đối tác tình báo và lực lượng an ninh trên khắp thế giới mà chúng tôi chia sẻ những thông tin nhạy cảm », nhưng « khi niềm tin bị tổn hại, điều này tác động đến mối quan hệ và gây nguy hiểm cho các cuộc điều tra của chúng tôi ».

Trước đó, theo AFP, chính quyền Anh tuyên bố « rất tức giận » và đánh giá một số phương tiện truyền thông Mỹ tiết lộ thông tin điều tra « là việc hoàn toàn không chấp nhận được ». Ngày 25/05, đài BBC của Anh khẳng định cảnh sát Manchester đã ngừng cung cấp tin về cuộc điều tra Mỹ sau những tiết lộ của báo chí Mỹ.

Trong số ra ngày 24/05, nhật báo New York Times đăng một tấm ảnh cho thấy tay trái của Salman Abedi cầm kíp nổ, một số ảnh khác là hiện trường vụ khủng bố với các mẩu kim loại và đinh vít lăn lóc trên mặt đất, hay những mảnh rách của một chiếc ba lô mầu xanh lơ nát bươm.

Căn cứ vào những thông tin trên, trả lời New York Times, một số chuyên gia về chất nổ cho rằng quả bom « rất mạnh, có sức công phá lớn, còn các mảnh kim loại được sắp xếp cẩn thận và có bài bản » để gây nhiều thiệt hại nhất.

Thủ tướng Anh Theresa May quyết định rút ngắn thời gian họp thượng đỉnh G7 tại Taormina, Ý. Theo một quan chức cao cấp Anh, bà sẽ « trở lại Luân Đôn ngay tối thứ Sáu », trong khi G7 sẽ kết thúc vào trưa hôm sau. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
TT Trump: ‘Sẽ không quên lời dặn dò’ của Đức Giáo Hoàng Francis

Đức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Tư kêu gọi Tổng Thống Mỹ Donald Trump hãy dùng quyền hạn của ông để giúp có hòa bình trên khắp thế giới, trong cuộc hội kiến lần đầu, tại Tòa Thánh Vatican.

Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay cuộc nói chuyện diễn ra chỉ trong khoảng nửa giờ đồng hồ và chấm dứt bằng việc cả hai bày tỏ sự vui vẻ, ít ra là trước các ống kính truyền hình.

Tòa Thánh cho báo chí hay cuộc gặp gỡ diễn ra trong tinh thần cởi mở thân thiện và cả hai cùng chung quan điểm chống phá thai cũng như quan tâm về tình trạng bị truy bức của người theo Thiên Chúa Giáo ở Trung Đông. Bản thông cáo của Tòa Thánh Vatican không nói gì tới sự khác biệt sâu xa giữa hai người về thay đổi khí hậu, di dân, án tử hình cũng như các vấn đề khác.

Chuyến viếng thăm và gặp Đức Giáo Hoàng Francis, năm nay 80 tuổi, là một chặng dừng rất được quan tâm trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Tổng Thống Trump.

Ông Trump sau đó nói về cuộc hội kiến này là: “ Thật là một vinh dự được gặp Đức Giáo Hoàng. Ngài là người đặc biệt. Chúng tôi có cuộc gặp gỡ rất tốt đẹp.”

Sau cuộc nói chuyện riêng với Tổng Thống Trump trong thư phòng, chỉ có sự hiện diện của thông dịch viên, Đức Giáo Hoàng cũng gặp Đệ Nhất Phu Nhân Melania và con gái cùng con rể của ông Trump là Ivanka và Jared Kushner.

Bà Melania và Ivanka đeo khăn choàng đầu khi đến diện kiến Đức Giáo Hoàng Francis, một điều họ không làm ở Saudi Arabia, theo bản tin của AP.

Đức Giáo Hoàng Francis, ám chỉ vóc dáng đồ sộ của ông Trump, hỏi đùa bà Melanie: “Bà cho ông ấy ăn gì vậy, Potica phải không?” Potica là một loại bánh ngọt nhiều calorie ở Slovenia, quê hương của bà Melania, và cũng được Đức Giáo Hoàng ưa thích.

Trước đó, Đức Giáo Hoàng Francis tặng Tổng Thống Trump một mề đay có khắc cành olive, biểu tượng quốc tế cho hòa bình.

“Tôi tặng vật này cho ông để ông giúp cho hòa bình,” Đức Giáo Hoàng nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Ông Trump trả lời: “Chúng ta đều mong hòa bình.”

Đức Giáo Hoàng cũng tặng cho Tổng Thống Trump ba tập sách mà ngài viết về những vấn đề chính của thế giới ngày nay, kể cả vấn đề gia đình và môi trường.

Ngài cho biết có lời đề tặng riêng ông Trump. Tổng Thống Trump, người từng đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris về khí thải và gọi vấn đề địa cầu ấm dần là chuyện bịa đặt, cho hay sẽ đọc các cuốn sách này.

Ông Trump tặng lại cho Đức Giáo Hoàng một số món quà, gồm cả bộ sách toàn tập của Mục Sư Martin Luther King và một bức tượng điêu khắc bằng đồng.

Trước khi rời Vatican, Tổng Thống Trump nói với Đức Giáo Hoàng: “Cám ơn ngài. Tôi sẽ không quên những điều ngài nói.”

Chuyến viếng thăm Vatican của Tổng Thống Donald Trump là chặng dừng thứ ba của ông trong chuyến công du, sau Saudi Arabia, Israel và vùng lãnh thổ Palestine.

“Chưa một tổng thống Mỹ nào từng viếng thăm thánh địa của ba tôn giáo Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo trong cùng một chuyến đi,” theo lời Cố Vấn An Ninh Quốc Gia HR McMaster.

Ông McMaster nói rằng Tổng Thống Trump đem tới “thông điệp của khoan hòa và hy vọng cho hàng tỉ người.” - nguoiviet
|
|

9.
Xuất hiện đô la giả có chữ Trung Quốc

Cảnh sát khu vực Ashtabula ở bang Ohio khuyến cáo mọi người cảnh giác trước nạn lưu hành tiền đô la giả có in chữ Trung Quốc.

Cảnh sát thu hồi được những tờ tiền giả tại hai cửa hàng khác nhau trong cộng đồng Orwell thuộc Ashtabula.  

Những tờ đô la này nhìn y hệt tiền Mỹ, nhưng có vài dòng chữ Trung Quốc ở góc bên trên.

Tháng trước, Cảnh sát trưởng từng khuyến cáo cư dân Hermitage, trong vùng Clark, và các doanh nghiệp ở Wheatland để ý đến những tờ tiền giả mệnh giá 100 đô la và 50 đô la đang được lưu hành ở đây.

Theo Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ, cách tốt nhất để biết tiền giả hay tiền thật là nhìn vào những đặc điểm an ninh như dấu mờ và đường chỉ an ninh.

Bút nhận biết tiền giả không hoàn toàn chính xác.

Nếu biết tiền giả mà vẫn lưu hành là bất hợp pháp.

Cảnh sát yêu cầu dân chúng báo cáo ngay nếu phát hiện hay nghi ngờ tiền giả, ghi lại biển số xe của người giao dịch, và trao nộp tang chứng cho cơ quan thi hành công lực càng sớm càng tốt. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Việt Nam 'làm sâu sắc hơn quan hệ với nước lớn’

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, được truyền thông trong nước dẫn lời nói rằng chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (29 - 31/5) là để làm "sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác, nước lớn là Hoa Kỳ".

"Chuyến thăm này đồng thời cũng để triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam," bà Hằng nói thêm.

"Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Donald Trump, gặp gỡ một số nghị sĩ, bộ trưởng của Hoa Kỳ; dự tọa đàm, gặp gỡ các doanh nghiệp Hoa Kỳ; phát biểu tại Quỹ di sản, cộng đồng người Việt tại nước này.

Được biết Thủ tướng Phúc cũng sẽ thăm thành phố New York, nơi ông gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Tiến sỹ Chin-Hao Huang từ Trường Yale-NUS, Singapore nói rằng chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam đánh dấu một cột mốc ngoại giao quan trọng trong quan hệ Mỹ-Việt kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng vào năm 2015. 

"Trên mặt trận kinh tế, các cuộc thảo luận về quy chế kinh tế (phi thị trường hay không), mậu dịch song phương và các khuôn khổ đầu tư của Việt Nam sẽ là những chủ đề chính trong bối cảnh thỏa thuận TPP chưa thành.

"Hiện chưa rõ các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, nhân quyền và lao động sẽ được cài vào các cuộc đàm phán như là điều kiện tiên quyết để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế kinh doanh, mậu dịch song phương hay không.

"Trên mặt trận an ninh, hợp tác thực chất có thể được thảo luận tập trung vào một thỏa thuẫn vũ khí để cải thiện và mở rộng khả năng phòng thủ và răn đe của Việt Nam trong bối cảnh vẫn liên tục có những bất ổn ở Biển Đông. 

"Washington có thể tìm kiếm các lựa chọn bổ sung trong các quyền cơ bản như lưu giữ tàu thuyền và sắp xếp hậu cần tại các cảng chiến lược như Cảng Cam Ranh," ông Huang nói. 

Trong khi đó ông Brian Harding, Giám đốc Ban Đông và Đông Nam Á tại Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, cho rằng việc ông Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp gỡ Donald Trump trong Nhà Trắng nói lên nhiều về tình hình quan hệ Mỹ-Việt. 

"Việt Nam được Washington coi là một đối tác rất quan trọng. 

"Ông Trump có thể sẽ xem Bắc Hàn nằm cao trong nghị trình nhưng chủ đề thú vị hơn là Biển Đông, là chủ đề mà Trump đã nói mạnh nhưng chưa làm gì đáng kể. 

"Thay vào đó, ông Trump đã lựa chọn giải pháp giảm nhiệt cho vấn đề này nhằm đạt được sự hợp tác của Bắc Kinh đối với Bắc Hàn. 

"Thủ tướng Phúc có cơ hội quan trọng để chia sẻ quan điểm của Việt Nam về cách đối phó hiệu quả với Trung Quốc trong các vấn đề gai góc," ông Harding nhận định. - BBC
|
|

11.
Kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa

“Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển,” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như vậy tại phiên bế mạc Hội nghị trung ương 5 chiều 10-5. Tuy nhiên, ông tổng bí thư đã gắn cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân.

Ở Sài Gòn có nhiều con đường với những ngôi nhà mặt tiền được thuê đặt văn phòng công ty, làm nơi buôn bán. Người ta gọi chung đó là kinh tế tư nhân, một nền kinh tế mà ở Hội nghị trung ương 5 của Đảng Cộng sản vừa tổ chức mới đây cho rằng cần phải phát triển mạnh hơn nữa.

Bà Yến Tuyết, một thương nhân ở quận 5, nói rằng nền kinh tế này luôn gặp khó, vì nhà nước cứ chăm chăm thu thuế quá nặng:

“Thua lỗ là tại vì, có thể là do người kinh doanh bị hạn chế về thuế, hạn chế về vốn kinh doanh. Họ phải đi vay, bên ngân hàng, rồi tác động của vấn đề thuế. Thuế đánh nặng quá. Rồi ảnh hưởng về giá cả. Chính vì ba cái nguyên nhân đó dẫn tới việc có thể có những doanh nghiệp bị phá sản, hoặc là có những người vay tiền với cái lãi suất nặng quá, họ phải bỏ luôn cái ngành nghề mà họ muốn. Việc Nhà nước mở ra, bung ra cho buôn bán thì đó là một giải pháp rất tốt, nhưng Nhà nước chưa hỗ trợ cho chúng tôi về vấn đề thuế, hoặc hỗ trợ những biện pháp đảm bảo cho việc kinh doanh về giá cả ổn định”.

Những hình ảnh được coi là kinh tế tư nhân này đã có một quãng thời gian rất dài gần như bị xóa sổ để nhường chỗ cho kinh tế quốc doanh. Đến nay, kinh tế tư nhân vẫn khó phát triển vì chính phủ Việt Nam cho phép khu vực tư nhân phát triển, nhưng vẫn dựa vào khu vực kinh tế Nhà nước làm chủ đạo với phân bổ 50% nguồn lực quốc gia cho nó.

Và với thương nhân như bà Yến Tuyết, thì thuế vẫn là điều đau đầu nhất:

“Hiện tại, chúng tôi buôn bán gặp nhiều khó khăn. Cái thứ nhất là do thuế không ổn định, cái thứ hai nữa là do dẹp lòng lề đường, cho nên việc kinh doanh của chúng tôi bị bất ổn. Chúng tôi đề nghị là Nhà nước phải có một cái chế độ ưu đãi thuế má để ổn định giá cho người kinh doanh và người tiêu dùng”.

Chợ là nơi tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất. Song những tiểu thương buôn bán ở chợ như vầy đều khó có thể tìm nguồn vốn vay thích hợp tại các ngân hàng trong khi thuế vẫn tăng đều đặn. Không ít tiểu thương cảm thán rằng dường như cụm từ kinh tế tư nhân luôn phải xếp sau hai ông lớn là quốc doanh và doanh nghiệp vốn nước ngoài. Và có người bông đùa rằng đó là nền kinh tế tư nhân theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. - VOA
|
|

12.
Ý kiến về chỉ thị đảm bảo tăng trưởng 6,7% ở VN

Chuyên gia kinh tế bình luận với BBC về thông tin nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ ra chỉ thị "nhằm đảm bảo tăng trưởng 6,7%".

Truyền thông Việt Nam tường thuật tại cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7% và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "sẽ ra chỉ thị về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 đã đề ra."

Hôm 25/5, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói với BBC từ Đại học Strasbourg, Pháp: "Việc Chính phủ Việt Nam họp khẩn để bàn giao các chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay (2017) nghĩa là Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá."

"Và việc này chỉ đáp ứng ngắn hạn, về dài hạn có thể có hại cho nền kinh tế."

"Từ mấy năm nay, năm nào chính phủ cũng ưu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP."

"Trong khi đó, lẽ ra Việt Nam phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững và chấp nhận trong ngắn hạn có thể tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu."

"Quan trong là một khi ngân sách bị thâm hụt, nợ công quá cao, thì phải giảm chi tiêu công, tiết kiệm đầu tư vào những khoản không sinh lợi, chỉ đầu tư vào sản xuất, kiềm chế lạm phát…"

"Việt Nam nên nghiên cứu kỹ khủng hoảng kinh tế ở các nước như ở Argentina và gần đây nhất là ở Hy Lạp để rút kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô."

"Trường hợp của Hy Lạp rất giống Việt Nam ở chỗ là có nợ công quá cao, khiến nền kinh tế phải mất nhiều năm mới vực dậy được."

Chuyên gia cũng cho biết thêm: "Về các mục tiêu kinh tế vĩ mô thì có nhiều trường phái khác nhau. Ví dụ như Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tập trung chỉ tiêu lạm phát".

'Tranh cãi'

"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thì ngoài kiểm soát lạm phát thì có thêm chỉ tiêu về lao động."

"Chính vì vậy mà ở phương Tây hay có tranh cãi về các tiêu chí của các Ngân hàng trung ương, khác với Việt Nam là tương đối độc lập so với chính phủ."

"Thời gian gần đây chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu có thay đổi chút ít, theo hướng có lợi cho tăng trưởng kinh tế hơn trước đây."

"Mục tiêu kiềm chế lạm phát về lâu dài mới giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững, về lâu dài sẽ tạo tăng trưởng và lao động."

Cuộc họp với các bộ, ngành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trước chuyến thăm Mỹ chính thức của ông từ ngày 29 - 31/5.

Thương mại được cho là một trong chủ đề được hai nhà lãnh đạo bàn thảo.

Tạp chí Forbes của Mỹ cho rằng ông Phúc có thể sẽ thúc đẩy một thỏa thuận mậu dịch tự do song phương với Hoa Kỳ.

Một thỏa thuận như vậy mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Tuy nhiên tạp chí này cho rằng ông Trump có thể không đặt Việt Nam như ưu tiên hàng đầu cho thỏa thuận mậu dịch song phương, đặc biệt vì Hoa Kỳ hiện đang bị thâm hụt mậu dịch với Việt Nam.

Năm 2016 Washington nhập siêu từ Hà Nội 32 tỷ đôla. - BBC
|
|

13.
Hóa chất trong nước biển ở vùng hải sản chết Kiên Giang

Hóa chất công nghiệp được tìm thấy trong kết quả kiểm nghiệm mẫu nước biển ở huyện Kiên Lương và Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.

Trước đó từ ngày 4-8/5, người dân phản ánh là cá, nghêu chết nhiều nổi lên trên vùng biển khu vực này, kéo dài khoảng 550 ha.

Tin tức ngày 25/5 cho biết kết quả kiểm nghiệm cho thấy các loại hóa chất này được dùng trong sản xuất mỹ phẩm và chất tẩy rửa. Tuy nhiên, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường tỉnh Kiên Giang bà Võ Thị Vân nói là tại các huyện này chỉ có doanh nghiệp chế biến hải sản và sản xuất xi măng, và chưa thể chứng minh các doanh nghiệp này liên quan đến loại hóa chất được tìm thấy.

Ông Quảng Trọng Thao, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết ít nhất cũng phải 2-3 ngày nữa mới tìm ra nguyên nhân cá, hải sản chết.

Cũng tin liên quan, người dân sống gần khu vực khe Đá Mài, tỉnh Quảng Nam và vịnh Xuân Đài tỉnh Phú Yên cho biết gần đây nguồn nước ở khu này đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến cá tự nhiên và tôm người dân nuôi chết hàng loạt. Hiện mẫu nước các khu vực này đã được mang đi kiểm nghiệm. - RFA
|
|

14.
Nợ nước ngoài tăng 6,5 lần trong 15 năm

Trình bày trước Quốc hội sáng 25/5, bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua vốn ODA tăng đáng kể, chủ yếu từ 3 chủ nợ là Nhật Bản tăng 6,8 lần, Ngân hàng thế giới tăng 11,5 lần và ngân hàng phát triển châu Á tăng 20,3 lần.

Người đứng đầu bộ tài chính đánh giá việc sử dụng vốn còn chưa hiệu quả, nhiều công ty vay nhưng gặp rủi ro không thể trả nợ, hay tình trạng lãng phí, thất thoát trong khi sử dụng vốn. Ngoài ra, nền kinh tế hiện còn phụ thuộc quá nhiều vào vốn nước ngoài, tâm lý bao cấp từ nhà nước nhất là với ODA và trái phiếu chính phủ.

Tính đến năm 2016, nợ công của Việt Nam ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ 52.6% GDP và nợ nước ngoài là 44,3% GDP.

Trong một diễn biến khác có liên quan, ông Trần Minh Ngọc, chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất cho biết Chính phủ đang xét 3 kịch bản cho nhà máy này bao gồm: tìm đối tác cùng đầu tư, khoanh nợ, giãn nợ hoặc phá sản.

Nhà máy Dung Quất được chuyển giao từ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam  - Vinashin cho Tập đoàn dầu khí quốc gia PVN với khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng. Hiện tại chỉ 30% giá trị tài sản của nhà máy để phục vụ sản xuất, còn lại 70% không được sử dụng. Ngoài ra còn phải đối mặt với áp lực từ nhiều khoản nợ. - RFA
|
|

15.
Phái đoàn Mỹ gặp đại diện XHDS độc lập

Hoa Kỳ đã đặt điều kiện yêu cầu Việt Nam phải đảm bảo các quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận  và tự do tín ngưỡng trong cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 21 vừa diễn ra tại Hầ Nội hôm 23 tháng 5 vừa qua.

Bà trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, Virginia Bennett cho những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền Việt Nam biết như vậy trong cuộc gặp tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 5. Tuy nhiên bà Bennett cũng cho biết thêm là mặc dù Hà Nội có vẻ lắng nghe nhưng bà không thể trả lời chắc chắn Việt Nam sẽ thực hiện thế nào.

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, người có mặt trong buổi gặp, cho đài Á châu Tự do biết suy nghĩ của ông về cuộc gặp:

“Chúng tôi thấy rằng năm nào cũng vậy, kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền này, Việt Nam họ đều lắng nghe  nhưng thực thi hoàn toàn khác và chúng tôi không tin Việt Nam sẽ làm theo những đề xuất của Hoa Kỳ.  Trong cuộc đối thoại chúng tôi cũng đề xuất với phía Hoa Kỳ rằng phải (làm) mạnh hơn nữa việc đưa các tiêu chuẩn nhân quyền vào các hiệp ước thương mại với Việt Nam và chỉ bằng cách này thì chính quyền Việt Nam mới có khả năng họ sẽ cải thiện và nới lỏng và tôn trọng một số các hoạt động của những người đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam.”

Tại cuộc gặp lần này với phái đoàn Mỹ, các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền ở Việt Nam đã đề cập đến các vấn đề ở Việt Nam như vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra hồi năm ngoái gây bất bình trong người dân. Ông Phạm Bá Hải cho phía Mỹ biết quyền biểu tình ôn hòa đòi quyền lợi của những người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa đã không được đảm bảo. Không những thế, chính phủ còn truy nã và bắt giữ một số người dân đưa tin về thảm họa này.

Luật sư Lê Công Định cũng nêu lên trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và kêu gọi phía Hoa Kỳ can thiệp để ông Thức được trả tự do.

Ngoài ra các vấn đề về tự do tôn giáo, quyền tự do đi lại của những nhà họa động nữ cũng được đề cập. Các nhà hoạt động cũng yêu cầu phía Mỹ phải đặt điều kiện về tôn trọng nhân quyền đối với Việt Nam trong các  hiệp định thương mại giữa hai nước.

Tham dự cuộc gặp với phía Mỹ lần này có luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Phạm Bá Hải, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, blogger Huỳnh Thục Vy, và vợ chồng tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển. - RFA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét