Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MỘT CHÂU ÂU THỐNG NHẤT

Quách Cẩm Vân (Van Quach) chuyển ngữ
Sự Thật Lề Đường
28/2/2022

Hình: Những người biểu tình ủng hộ Ukraine kéo một lá cờ Ukraine lớn tại Time Square của New York vào thứ Năm, ngày 24 tháng 2 năm 2022. Các nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Năm lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là "dã man.". (Nguồn: Seth Wenig / Associated Press)

Vladimir Putin vừa đạt được một điều không thể làm được: thống nhất châu Âu thực sự.

Cuộc xâm lược Ukraine vô cớ của Tổng thống Nga đã đoàn kết châu Âu và khu vực xuyên Đại Tây Dương lại mà không có gì có thể so sánh được kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, vì ngay cả các đồng minh đầu tiên của ông trên lục địa này cũng đã bỏ rơi ông vào cuối tuần qua.

Từ Sofia đến Stockholm, những chia rẽ nội bộ của châu Âu về cách phản ứng trước sự hung hăng của Putin đã tan biến trong những ngày gần đây khi các khía cạnh lịch sử của cuộc xâm lược: thách thức lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của phương Tây trong nhiều thập kỷ được hiểu hoàn toàn.

Khi hình ảnh xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới Ukraine và các gia đình tụ tập trong ga tàu điện ngầm tràn ngập trên các đài, những lo ngại ở thủ đô các quốc gia trong khối về tác động cục bộ của các biện pháp cứng rắn hơn, chẳng hạn như đá các ngân hàng Nga khỏi SWIFT (The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication một cơ sở hạ tầng thanh toán liên ngân hàng toàn cầu trụ cột), nhường chỗ cho một quyết tâm chung là làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn Putin đi theo con đường của mình.

Đối mặt với thực tế về ý nghĩa của cuộc xâm lược không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với cấu trúc an ninh trên khắp châu Âu, những phản đối thiển cận, dù là của nước Ý với ý muốn tiếp tục bán hàng xa xỉ cho người Nga hay là của nước Đức để duy trì khả năng tiếp cận dễ dàng với khí đốt của Nga, tất cả đã tan thành mây khói.

Ngay cả những đồng minh trung thành nhất của Putin cũng bỏ rơi ông, từ Tổng thống nước Czech Miloš Zeman đến tổng thống Viktor Orbán của Hungary, cho đến nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Pháp Marine Le Pen.

Đến ngày Chủ nhật, châu Âu không chỉ đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính sâu rộng đối với Nga và Putin, mà hầu hết các quốc gia - bao gồm cả những quốc gia trung lập như Áo và Thụy Điển - đã đóng cửa không phận của họ đối với máy bay Nga hoặc đang chuẩn bị để thực hiện quyết định này. EU thậm chí đã quyết định cấm đài truyền hình RT của Nga, kênh truyền hình chính của Điện Kremlin để gửi thông tin tuyên truyền ra nước ngoài.

“Bây giờ là tuyệt đối cần thiết để tiến hành các biện pháp tiếp theo để cô lập Nga,” Bộ trưởng Liên minh Châu Âu Thụy Điển Hans Dahlgren nói với đài phát thanh Thụy Điển.

Tuy nhiên, sự thay đổi mạnh mẽ nhất xảy ra ở Đức, quốc gia mà các nhà lãnh đạo theo đuổi “đối thoại” không có kết quả với Putin trong nhiều năm, bất chấp những lời cảnh báo lớn từ các đồng minh, những người khẳng định là không thể tin tưởng Putin được.

Sau quyết định của Đức về việc đình chỉ vô thời hạn hoạt động của đường ống Nord Stream 2, Berlin đã phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh và đồng ý có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga trên mọi phương diện: hôm thứ Bảy, Đức đã từ bỏ phản đối việc đá Nga khỏi SWIFT và tuyên bố rằng nước này cũng từ bỏ việc từ chối gửi vũ khí cho Ukraine từ bấy lâu nay.

Vào ngày Chủ nhật, Thủ tướng Olaf Scholz, đánh dấu sự thay đổi chính trị ấn tượng nhất trong lịch sử hiện đại của Đức, đã vạch ra một sự đảo ngược sâu sắc về quan điểm chi tiêu quốc phòng của nước Đức với việc công bố một quỹ trị giá 100 tỷ euro cho vũ khí mà ông cho rằng sẽ cho phép Berlin thực hiện được các cam kết chi tiêu của NATO trong dài hạn.

Sau nhiều năm kìm hãm chi tiêu quốc phòng, Berlin cam kết thậm chí còn vượt xa những gì các đồng minh yêu cầu khi đầu tư vào quân đội Đức Bundeswehr.

Trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội Đức, Scholz, một chính trị gia thường không cường điệu, không đặt câu hỏi nào về mức độ nghiêm trọng của các sự kiện đã thúc đẩy sự thay đổi, gọi cuộc xâm lược của Nga là “một bước ngoặt trong lịch sử Lục địa của chúng ta”.

Chỉ hai tuần trước đây, một số nhà lãnh đạo Đức vẫn còn coi thường mối đe dọa từ các hành động của Nga, bác bỏ những lời cảnh báo không ngừng từ Washington và các khu vực khác như một sự quá khích động. Các nhà ngoại giao cấp cao của Đức thậm chí đã tránh gặp Andrij Melnyk, vị đại sứ khá thẳng thắn của Ukraine tại Đức, người đã cố gắng trong nhiều tháng để thuyết phục Berlin bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho đất nước của mình.

Cuộc chiến của Putin ở Ukraine cũng được coi như là một sự kiểm chứng thực tế trên các mặt trận khác nữa.

Điều đó đặc biệt đúng với tham vọng về cái gọi là "quyền tự chủ chiến lược" đối với EU (“strategic autonomy”, một ý tưởng là châu Âu có thể tách mình khỏi Mỹ về các vấn đề an ninh). Nếu có bất cứ điều gì, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào chiếc ô an ninh của Mỹ, một thực tế cũng sẽ buộc Washington phải đánh giá lại sự thay đổi chiến lược đang diễn ra của mình để tập trung nhiều hơn vào các mối đe dọa mà họ nhận thấy xuất phát từ Trung Quốc.

Ngay cả khi các sự kiện ở Ukraine buộc phương Tây phải đặt câu hỏi về các chính sách chính trị và chiến lược lỗi thời của chính họ, thì chính người đàn ông đã khởi đầu tất cả có lẽ sẽ trải qua sự thức tỉnh thô bạo nhất. Putin rõ ràng tin rằng ông ta có thể chia rẽ châu Âu bằng cuộc xâm lược - như những gì ông đã làm thành công trên các mặt trận khác trong những năm qua.

Nhưng lần này, thay vì chia để trị, nhà lãnh đạo Nga đã vô tình tạo ra một thách thức lớn nhất đối với tham vọng bá chủ của mình mà ông từng phải đối mặt - một Lục địa thống nhất.

Nguồn:
https://www.politico.eu/article/the-end-of-europes-putin-illusion/

◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét