Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THỐNG ĐỐC NGUYỄN VĂN BÌNH ? (Phần 2)

Thường Sơn
CTV Phía Trước

“Nhân vật của năm 2011"
 “Ông vua béo với anh hành khất gầy chỉ là hai món ăn trên cùng một bàn tiệc” – Lời của Hamlet trong vở bi kịch của Shakepeare.

Nhân vật của năm 2011

Với học vị tiến sĩ khoa học kinh tế và được xem là người có chuyên môn về ngành ngân hàng, Nguyễn Văn Bình đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của dư luận và báo giới, trong bối cảnh nền tín dụng và tiền tệ Việt Nam chìm sâu trong cơn buốt giá lạm phát cùng quá nhiều nguy cơ vừa phát lộ vừa tiềm tàng trên thị trường tiền tệ và các thị trường đầu cơ sau tiền tệ.

Khi năm suy thoái 2011 chưa kết thúc, người vẫn còn được xem là tân Thống đốc của Ngân hàng nhà nước đã được VnExpress, một tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn ở Việt Nam, bầu chọn là “Nhân vật của năm 2011”. Cũng cho đến lúc đó, ít ai biết được việc Bình chính là một mắt xích quan yếu nhất mà theo những tin tức tin cậy, nhân vật “bố già” Nguyễn Đức Kiên đã bằng nhiều cách, từ vận động hành lang đến tác động trực tiếp vào khâu tổ chức cán bộ, để kết quả là Bình đã tiếp cận được vị trí ủy viên Trung ương Đảng cùng chức vụ Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Hoạt động vận động trên đã diễn ra vào thời thịnh trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với vai trò gần như không thể thay thế trong Bộ Chính trị, tiếng nói của Dũng đã trở nên có tính quyết định về bước đường công danh cho người đệ tử của ông.

Cùng lúc, gương mặt sáng giá của Nguyễn Văn Bình cũng làm nên một lớp sơn tôn tạo cho ông trong con mắt của báo giới. Trong thời gian đầu Bình chấp nhiệm chức vụ thống đốc, không chỉ VnExpress mà một số tờ báo khác đã bày tỏ thái độ nhiệt tình ủng hộ đối với ông, đặc biệt liên quan đến một số vấn đề có tính cải cách quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, ngoại tệ và lãi suất mà ông nêu ra.

Khá dễ hiểu là đối với bất kỳ một quan chức nào trong bộ máy chính quyền, người dân cũng chỉ mong ngóng đến sự thay đổi, dù là một chút. Chỉ có điều, không có người dân Việt Nam nào có thể tự tin về một sự đổi thay đất nước như Tổng thống Barack Obama đã làm cho dân tộc Mỹ sau khi thắng cử.

Uy tín của Nguyễn Văn Bình có thể đã đạt đến đỉnh cao chỉ sau hai tháng hành động. Vào đầu tháng 9/2011, quyết định về tái thiết lập trần lãi suất huy động 14% của Ngân hàng Nhà nước và tiếp theo đó là động tác xử lý quyết liệt những vi phạm vượt trần tại một số chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, đã làm cho dư luận bất ngờ sôi nổi, càng khiến người ta kỳ vọng vào động cơ trong sáng của thống đốc nhằm làm trong sạch ngành ngân hàng – nơi vẫn bị xem là tập trung rất nhiều khuất tất của nạn đầu cơ ngầm, cũng như đã tạo ra hố phân hóa giàu nghèo quá lớn so với khối doanh nghiệp trong hoàn cảnh con tàu kinh tế đất nước đang lao về vực thẳm.

Chỉ có điều, cho đến lúc đó vẫn ít ai nghiệm ra được cái vực thẳm ấy đã được tạo ra bởi một vực thẳm khác.

Vực thẳm khác chính là thị trường liên ngân hàng.

Vực thẳm thanh khoản

Vào đầu năm 2012, trong một hội nghị ngành ngân hàng, giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Nội, ông Ngô Văn Dũng, đã cung cấp những thông tin rất tương đồng với dư luận về vấn đề vượt trần lãi suất huy động trong thời gian gần đây: “Trên thực tế, kỷ cương lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chỉ giữ được từ ngày 7/9 đến hết tháng 9/2011. Còn từ tháng 10/2011 đến nay, đặc biệt là tháng 12/2011, thị trường ngân hàng đang phải chịu đựng tình trạng mặc cả lãi suất, song không dễ phát hiện, không dễ tố cáo”.
Phát ngôn trên là thái độ thừa nhận công khai đầu tiên của một quan chức ngành ngân hàng, sau nhiều dị nghị của dư luận nhưng vẫn chưa hề nhận được hồi đáp hoặc lời giải thích nào từ phía lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Dĩ nhiên sự phân hóa trong khối ngân hàng đã không diễn ra một cách bằng phẳng, càng không mang dáng dấp của hình ảnh công bằng mà các quan chức thường diễn thuyết về chủ nghĩa xã hội. Mà thực tế, đó chỉ là một thi trường của loài cá lớn và những con cá bé.

Bị chèn ép cũng là một động lực khiến cho người ta có thể phải tiết lộ về hoàn cảnh của mình vào một lúc bĩ cực nào đó.

Từ giữa tháng 10/2011, đột nhiên lãi suất liên ngân hàng trong thị trường II tăng mạnh. Ban đầu mức tăng đến 16% đã được xem là khá cao. Nhưng sau đó, lãi suất liên ngân hàng đã tái hiện hình ảnh của chỉ số lạm phát trong năm 2011 khi tăng đến 23%. Thậm chí có thời điểm đến 30%.

Thị trường II khi đó được mô tả như một sự hỗn loạn. Những người có thâm niên kỳ cựu trong ngành ngân hàng đều phải thừa nhận là hiếm có một thị trường liên ngân hàng nào trên thế giới lại dễ bị thao túng và dễ chao đảo như ở Việt Nam.

Một sợi dây thòng lọng đã được thắt nút, nhưng không phải với doanh nghiệp đã và đang khát vốn, mà nhắm đến chính một số ngân hàng thương mại nhỏ. Đó cũng là những ngân hàng bị xem là yếu kém, bị dư luận nhỏ to đồn đoán về một danh sách “đen” nào đó của Ngân hàng Nhà nước chứa đựng những ngân hàng như thế.
Tình hình trở nên hỗn loạn trên thị trường liên ngân hàng trong suốt tháng 10/2011. Hàng loạt ngân hàng thương mại nhỏ, dù trước đó chưa từng kêu ca về chuyện “thỏa thuận” lãi suất huy động lên đến 20-25% với khách hàng, lại buộc phải kêu thét về cái giá cắt cổ mà họ phải đi vay từ các ngân hàng lớn.

Vì sao lại xảy ra nạn đói vốn ghê gớm mà đã dẫn đến chuyện kêu khóc như thế?

Một chuyên gia ngân hàng và cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia – tiến sĩ Trần Hoàng Ngân – vào thời điểm đó đã đánh giá: tác động điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14% một năm lên 15%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% lên 16% mỗi năm, áp dụng từ ngày 10/10/2011 cũng là một nhân tố đẩy lãi suất liên ngân hàng dâng cao. Và một khi lãi suất liên ngân hàng đã tăng cao thì nó cũng giống như cơn bệnh đã lộ ra, tức dấu hiệu lâm sàng của căn bệnh thiếu thanh khoản.

Tất nhiên có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng “bất ngờ” thiếu hụt thanh khoản của một số ngân hàng thương mại. Nhưng về mặt thời điểm, rõ ràng chỉ từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn, những ngân hàng bị liệt vào loại “có vấn đề” mới thật sự phải đối mặt với chọn lựa sinh tồn.
Tân thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đi nước cờ đầu tiên – một bước đi rất có tính toán và dự cảm nhiều hứa hẹn.

Trong toàn bộ bối cảnh trắng đen lẫn lộn như thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không hề phát ra một nhận định hoặc có chỉ đạo điều chỉnh nào.

Những kẻ tuẫn nạn

Nhưng vào thời gian quý 3/2011, giới phân tích ngân hàng và báo giới hầu như bị hút sự chú ý sang vấn nạn đầu cơ vàng – một địa chỉ vẫn luôn nhận được lời hứa hẹn “sẽ giải quyết” của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cũng như thị trường ngoại tệ luôn nhấp nhổm thế phá trần của nó. Trên một phương diện khác, báo chí rất thường phản ánh tình trạng đói vốn và sắp rơi vào tình thế kiệt quệ của nhiều doanh nghiệp sản xuất và bất động sản, nhưng lại hầu như quên mất ngân hàng cùng những lợi ích ẩn giấu mới là nguồn gốc sâu xa gây ra những hậu quả ấy.

Chỉ mãi về sau này, nhìn lại và suy ngẫm, người ta mới thấy trong khi đã không có bất cứ một vấn nạn đầu cơ hay khát vốn nào được Ngân hàng nhà nước giải quyết trong thời gian đó, thì lại đã diễn ra những cuộc sáp nhập ngân hàng rất mau lẹ và thành công.

Kết quả của sự thành công đã được trù liệu ấy là một danh sách những ngân hàng nhỏ cần phải được thâu tóm. Lẽ dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan lập ra danh sách đó và được thông qua bởi lãnh đạo Chính phủ. Những ngân hàng được lựa chọn cũng đương nhiên phải thỏa mãn điều kiện yếu kém về thanh khoản. Không được bơm vốn, ngược lại còn bị siết chặt bởi một số quy định ngặt nghèo về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và những ràng buộc liên quan như tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu, số ngân hàng này chẳng mấy chốc đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản trầm trọng, có nguy cơ dẫn đến phá sản.

Được “lựa chọn” đầu tiên, vấn đề tồn vong của ba ngân hàng thương mại Ficombank, TinNghiaBank, SCB không phải gì khác hơn là cơn khủng hoảng thanh khoản. Chỉ khi đó, vai trò của Ngân hàng Nhà nước mới thật sự lộ diện bằng việc chấp thuận cho sự hợp nhất của ba ngân hàng này.

Tuy vậy, trò chơi chỉ mới bắt đầu.

Sau trung tuần tháng 10/2011, một sự bất ngờ nữa lại xảy đến khi Ngân hàng Nhà nước nêu ra bốn quan điểm về tái cấu trúc hệ thống –  nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong những năm tới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, “sáp nhập ngân hàng là xu hướng tất yếu”.

Chỉ một tuần sau, bài toán xử lý những kẻ đói ăn đã được giải quyết phần nào: 5 hoặc 6 ngân hàng, mỗi ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn từ 1.000 đến 5.000 tỷ đồng, và đương nhiên các khoản tái cấp vốn này đều được gắn kèm với điều kiện ngặt nghèo của nó.

Trước đó, những ông chủ của các ngân hàng “có vấn đề” đã không thể hình dung họ bị đẩy vào một tình thế buộc phải “ngửa tay xin bố thí”. Kết cuộc của tình thế này chỉ được nhận ra khi mọi sự đã an bài, khi phần thắng chắc chắn đã nằm trong tay kẻ cầm chịch.

Nhưng lúc đó mọi chuyện đã quá muộn dù chỉ để vớt vát.

Trò chơi thôn tính đã lên đến đỉnh điểm khi một ngân hàng thương mại nhỏ có tên là Phương Nam bị thâu tóm. Sự kiện này đã không được nhiều người để tâm, nếu như nó không dẫn đến một sự kiện lớn hơn nhiều: từ vai trò xếp gần cuối bảng trong tổng sắp ngân hàng về tiêu chí tín dụng, từ vai trò bị thâu tóm, Phương Nam lại được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm ưu tiên về tăng trưởng tín dụng, đồng thời trở thành ngân hàng thâu tóm một con cá mập rất lớn là Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Vào cuối năm 2011, toàn bộ giới đầu tư và các ngân hàng đều xôn xao về vụ việc thâu tóm này, theo một kịch bản mà người ta chỉ có thể hình dung xảy ra ở Phố Wall. Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy nửa năm, Sacombank đã nằm gọn trong tay của nhóm “bố già” Nguyễn Đức Kiên, cùng với sự chi phối và hỗ trợ của Ngân hàng Bản Việt – nơi Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữ vai trò chủ chốt.

Đế vương và hành khất

Cho đến đầu năm 2012, vụ việc thâu tóm Sacombank đã hoàn tất. Những lãnh đạo chủ chốt của Sacombank hoặc bị đẩy vào thế làm thuê cho ông chủ mới, hoặc nghỉ hưu non. Tất cả diễn ra một cách hoàn toàn âm thầm và lạnh lùng, như nó phải thế trong bầu không khí “capitalisme sauvage” (chủ nghĩa tư bản dã man) ứng với kịch bản đương đại Việt Nam..

Trong khi đó, tình trạng bĩ cực của các doanh nghiệp đã lên đến gần đỉnh điểm. Tết 2012 đã chứng kiến một sự phân hóa chưa từng thấy từ kể từ mùa Xuân năm 1975 và hơn hẳn hậu quả bi thảm nhưng cào bằng của chiến dịch giá – lương – tiền năm 1985: trong khi ít nhất 80.000 doanh nghiệp phải giải thể và phá sản cùng hàng trăm ngàn công nhân không có đủ vài trăm ngàn đồng để mua vé tàu về quê ăn tết, hầu hết các ngân hàng lại công bố không thương xót số tiền thưởng bình quân lên đến 40-50 triệu đồng cho nhân viên của mình.

Như để vớt vát thể diện đã bắt đầu sa sút của mình từ những dư luận về thâu tóm ngân hàng lẫn thái độ dung túng cho các nhóm đầu cơ vàng lộng hành, vào thời điểm sát tết 2012, Nguyễn Văn Bình đã phát đi một thông điệp về yêu cầu “tiếp tục thắt lưng buộc bụng để kềm chế lạm phát”, cũng như tiếp tục hứa hẹn sẽ “điều hành chính sách tín dụng linh hoạt và uyển chuyển”.

Nhưng từ thời điểm đó trở đi, xã hội đã trở nên dị ứng trước chuỗi ngôn từ phủ dụ của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước. Ngay cả một tờ báo có khuynh hướng ủng hộ Bình trước đó như VnEconomy cũng dần chuyển sang thái độ hoài nghi.

Hơn bất kỳ một quan chức nào, Nguyễn Văn Bình đã trở thành “Nhân vật của năm 2011” như trang tin VnExpress bình chọn, với những kết quả rõ rệt phục vụ cho nhóm tài phiệt ngân hàng chỉ trong chưa đầy nửa năm nhậm chức.

Thành quả lớn nhất mà nhóm tài phiệt ngân hàng đã đạo diễn trên sân khấu thôn tính có lẽ là cái tên Phương Nam. Từ vị thế một kẻ hành khất, ngân hàng này đã được biến thành một đế vương.

Nhưng bằng chứng cho sự thay lông đổi áo trên lại không bao giờ đến từ những công bố công khai của Ngân hàng Nhà nước hay Văn phòng Chính phủ. Chỉ đến giữa năm 2012, bằng chứng ấy mới được trưng ra bởi một báo cáo chi tiết của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – một cơ quan tư vấn trực thuộc Chính phủ. Theo báo cáo này và theo quan điểm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Phương Nam cần phải xếp vào loại “tiêu cực”.

Thời điểm hoàn thành báo cáo trên là cuối năm 2011. Tuy vậy, đường đi của bản báo cáo đã bị án ngữ ngay tại bàn làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Từ đó đến nay, sân khấu thâu tóm ngân hàng và nạn hoành hành đầu cơ vàng đã tạm nhường chỗ cho sân khấu chính trị, với mối liên hệ ràng buộc về số phận của người được “tôn vinh” là vị thủ tướng tai tiếng và tham nhũng nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng “Nhân vật của năm 2011”.

Ở một thái cực khác, lại đã xuất hiện những dấu hiệu rút tiền đầu tiên khỏi Ngân hàng Phương Nam của một số đại gia.

Tạm kết, “ông vua béo với anh hành khất gầy chỉ là hai món ăn trên cùng một bàn tiệc” – lời của Hamlet trong vở bi kịch của Shakepeare.

Còn tiếp…
© 2012 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
http://phiatruoc.info/?p=8589

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét