Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VỀ CUỘC HỘI THẢO AN NINH BIỂN ĐÔNG CSIS 2012

TTXVN (Oasinhtơn )
Tài liệu Tham khảo đặc biệt

Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua Luật Biển nhắc lại tuyên bố chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng vẫn chưa rõ ràng về việc Việt Nam tuyên bố cái gì trong vùng biển của mình. Ngoài các ranh giới phía Nam với Malaixia, đâu là đường cơ sở và vùng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam? Việt Nam có coi Hoàng Sa và Trường Sa được hưởng quy chế EEZ hay không? Các câu hỏi tương tự phải được đặt ra và trả lời với ba nước ASEAN có tranh chấp, gồm Brunây, Malaixia và Philíppin.


Trong hai ngày 27-28/6 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ đã tổ chức cuộc hội thảo hàng năm về vấn đề Biển Đông, với sự tham gia của nhiều học giả quốc tế và cả chính khách Mỹ. Nhà nghiên cứu Gregorv Associate thuộc Chương trình Đông Nam Á của CSIS đã có bài viết tổng kết trên trang web của tổ chức này ngày 5/7. Sau đây là nội dung bài viết:

Đúng như dự kiến, các cuộc thảo luận, có tiêu đề “Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương đang thay đổi: Tìm kiếm lựa chọn cho việc quản lý tranh chấp,” chứng kiến sự căng thẳng giữa các diễn giả. Điều này đặc biệt đúng giữa các diễn giả Trung Quốc với Philíppin và Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng sau một ngày rưỡi thảo luận gay gắt, một thông điệp rõ ràng là: sự mập mờ trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và biển tại Biển Đông không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai.

Trong khi những người tham gia có xu hướng xem xét lại các vấn đề chủ quyền và đưa ra những ý tưởng nhằm quản lý chứ không phải là giải quyết tranh chấp, hội thảo năm nay thể hiện rõ những điểm khác so với năm trước. Có thể cảm nhận được sự căng thẳng trong phòng hội thảo khi ba chuyên gia Trung Quốc tìm cách bảo vệ lập trường của Bắc Kinh. Một điều quan trọng cần ghi nhận là người ta chưa biết rõ lập trường chính xác của Trung Quốc là thế nào. Những người tham dự hội nghị đã có những phát biếu mạnh mẽ cho thấy rằng không ai mong muốn các tuyên bố mơ hồ về chính sách và giải trình của Trung Quốc.

Những gì họ thể hiện chính là sự bực tức đã lan truyền khắp các cộng đồng chính sách tại Oasinhtơn và châu Á. Đó không chỉ là sự bực tức về các tranh chấp ở Biển Đông, hay thậm chí là nhận thức về thái độ gây hấn gần đây của Bắc Kinh, cả hai điều đã trở thành một phần trong bức tranh chung của khu vực. Đúng hơn, đó là sự thất vọng trước sự mập mờ lâu nay từ chính sách của Trung Quốc, muốn tránh phải có một lập trường rõ ràng bằng mọi giá. Nếu không có một lập trường rõ ràng của Trung Quốc, việc giải quyết các tranh chấp và hòa hợp các lập trường là điều không thể.

Chính sách mập mờ chiến lược của Trung Quốc là nhằm mục đích của nó. Nó cho phép Trung Quốc linh hoạt để giải thích lập trường của mình. Đây là lý do tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể ra tuyên bố công khai vào tháng Hai năm 2012 nói rằng họ không tuyên bố chủ quyền quốc gia với toàn bộ Biển Đông và chỉ có tranh chấp về “hải đảo và vùng biển lân cận.” Điều này đã làm dấy lên hy vọng tại Mỹ và các bên tranh chấp châu Á khác rằng Trung Quốc đang rút khỏi tuyên bố đường lưỡi bò và đưa lại tuyên bố của mình phù họp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, điều đó rõ ràng là không đúng. Các căng thẳng trong năm nay trên biển bắt đầu với hai tháng bế tắc giữa các tàu Trung Quốc và Philíppin tại bãi cạn Scarborough. Cuộc đối đầu đó, cho dù có những tuyên bố ngược lại từ Bắc Kinh, là một ví dụ về một sự điều chỉnh dần dần trong tuyên bố của Bắc Kinh. Trong nhiều năm, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ giới hạn trong quần đảo Trường Sa (Nam Sa) và quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa). Bất kỳ tuyên bố nào với các cấu trúc địa chất khác, như bãi cạn Scarborough, chỉ được ngụ ý là nằm trong đường lưỡi bò đầy mơ hồ. Sau đó, Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền với bãi Macclesfield hoàn toàn nằm dưới mặt nước dưới cái tên Trung Sa do tưởng tượng, mặc dù có không có cách nào theo quy định của pháp luật quốc tế để tuyên bố chủ quyền với một cấu trúc địa chất thấp hơn mặt nước giống như một hòn đảo. Hơn nữa, trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh cố gắng không bị quá phụ thuộc vào đường chín đoạn không thể giải thích được, bãi cạn Scarborough đã được đưa vào thành một phần của Trung Sa. Việc bãi này nằm cách Macclesfield hàng trăm dặm hay việc nó chưa hề xuất hiện trong các tài liệu lịch sử mà Trung Quốc đưa ra để chứng minh chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dường như không quan trọng.

Bắc Kinh thể hiện sự bất chấp tương tự với chính sách mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao đưa ra hồi tháng Hai khi áp đặt lại lệnh cấm đánh bắt hàng năm đơn phương cho toàn bộ Biển Đông bên trên vĩ tuyến 12. Lệnh cấm như vậy sẽ chỉ có thể khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tất cả các vùng biển trong đường chín đoạn, chứ không chỉ với “các đảo và vùng biển lân cận.” Sau đó, vào cuối tháng Sáu, Tập đoàn Dầu khí CNOOC khiêu khích Việt Nam bằng việc thông báo công ty sẽ mở 9 lô dầu khí ở Biển Đông (Biển Đông) cho nước ngoài dự thầu, vấn đề là ở chỗ toàn bộ chín lô này nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, và trong thực tế, nhiều lô trùng với các lô mà hiện Việt Nam đã cho các công ty nước ngoài thầu, trong đó có công ty Exxon-Mobil. Quan trọng hơn, các lô của CNOOC không thể biện hộ được theo tuyên bố chủ quyền với “các đảo và vùng biển lân cận” của Biển Đông vì không có hòn đảo nào trong vòng 200 hải lý (EEZ tối đa cho phép) của tất cả các lô.

Những diễn biến này làm nổi bật sự cần thiết cho các bên tranh chấp ASEAN-Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây, phải có lập trường về những gì là tranh chấp thực sự ở Biển Đông và những gì không. Chừng nào điều căn bản này vẫn chưa rõ ràng, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng các tuyên bố mơ hồ và mâu thuẫn để theo đuổi lợi ích của mình ở Biển Đông với phần thua thiệt thuộc về các nước láng giềng nhỏ hơn.

Một số bước đi đã được thực hiện theo hướng này. Việc Việt Nam và Malaixia năm 2009 nộp hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng ở phía Nam lên Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa là một bước quan trọng đâu tiên trong nỗ lực này. Luật về đường cơ sở của Philíppin, thông qua cùng năm đó, thiết lập đường cơ sở ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cũng là một nỗ lực nữa.

Mặc dù có các bước này, vẫn còn quá nhiều mơ hồ về Biển Đông. Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua Luật Biển nhắc lại tuyên bố chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng vẫn chưa rõ ràng về việc Việt Nam tuyên bố cái gì trong vùng biển của mình. Ngoài các ranh giới phía Nam với Malaixia, đâu là đường cơ sở và vùng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam? Việt Nam có coi Hoàng Sa và Trường Sa được hưởng quy chế EEZ hay không? Các câu hỏi tương tự phải được đặt ra và trả lời với ba nước ASEAN có tranh chấp, gồm Brunây, Malaixia và Philíppin.

Các nước ASEAN đã có lập trường thống nhất về nhiều vấn đề. Ví dụ, cả bốn nước có vẻ như đã chấp nhận rằng Trường Sa và Hoàng Sa không phải là các đảo theo luật pháp, mà chỉ đơn thuần là đá và do đó chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý.

Một nỗ lực thực tâm để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông đòi hỏi những quan điểm này phải được luật hóa. Điều này không có nghĩa là các bên tranh chấp phải từ bỏ bất cứ điều gì liên quan đến tuyên bố chủ quyền của mình đối với các cấu trúc địa chất trên Biển Đông. Thay vào đó, nó sẽ cho phép họ củng cố có sở pháp lý cho tuyên bố về biển của mình và tách biệt các tranh chấp lãnh thổ khó khăn hơn nhiều nhưng có phạm vi địa lý nhỏ hơn rất nhiều. Quan trọng nhất, nó sẽ cho phép các nước này thể hiện một mặt trận thống nhất trước Trung Quốc trong lập luận về một điểm tối quan trọng: cơ sở duy nhất chấp nhận được cho các tuyên bố về biển trên Biển Đông phải là luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Nếu các bên tranh chấp ASEAN tạo được một khuôn khổ thống nhất về những gì có và không có tranh chấp, phần trách nhiệm còn lại sẽ là của Bắc Kinh phải làm rõ cơ sở cho tuyên bố của mình. Tại thời điểm đó, Bắc Kinh sẽ có các lựa chọn giới hạn. Áp lực như vậy có thể tạo ra các tiếng nói ôn hòa hơn, giống như những tiếng nói trong Bộ Ngoại giao, sự đáng tin cậy hơn, cho phép Trung Quốc làm rõ tuyên bố của mình bằng cách giữ nguyên tuyên bố chủ quyền vói Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng từ bỏ đòi hỏi quá đáng đối với các vùng biển nằm giữa. Điều này sẽ đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Theo cách khác, Bắc Kinh có thể loại bỏ hoàn toàn luật pháp quốc tế đã được chấp nhận trong tranh chấp, nhưng nó sẽ gây tổn hại cho lợi ích lớn hơn của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ từ chối tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào. Nếu điều đó xảy ra, thì nó sẽ cho thấy Trung Quốc là bên tham chiến không thể chối cãi trong tranh chấp và dư luận quốc tế sẽ ủng hộ lập trường của các bên tranh chấp trong ASEAN. Cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ thấy việc làm rõ tuyên bố chủ quyền ít gây tổn hại đến danh tiếng và lợi ích của mình hơn so với việc bám vào sự mơ hồ lâu nay.

Hầu hết thời gian trong hội thảo CSIS được dành để thao luận về các cơ sở của tranh chấp và tìm kiếm những cách thức để giải quyết các sự cố không thể tránh khỏi chứ không phải là đề xuất cách thức thực sự để giải quyết các tranh chấp. Do sự phức tạp và thời gian lâu dài của vấn đề Biển Đông, những khó khăn như vậy được dự đoán là chắc chắn có.


Nhưng lý do quan trọng nhất của việc dường như có rất ít ánh sáng ở cuối đường hầm là vì rất nhiều tranh chấp vẫn còn mơ hồ. Giờ là lúc các bên tranh chấp ASEAN phải luật hóa đầy đủ, cả luật trong nước và trong một khuôn khổ đa phương, những gì tranh chấp và không phải là tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Đó sẽ là một lập trường mà cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, có thế ủng hộ một cách chính đáng bởi vì nó sẽ có nghĩa là không bảo vệ những tuyên bố riêng của bất kỳ bên tranh chấp nào, mà là ủng hộ chính luật pháp quốc tế.

(Đài TNHK )

Nhiều người tham dự hội thảo bày tỏ quan tâm về những diễn biến không mấy tích cực hồi gần đây trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nghiêm trọng nhất là vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin tại bãi cạn Scarborough và vụ Trung Quốc cho mời thầu các lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam coi là thuộc khu đặc quyền kinh tế của mình. Có người cho rằng những hành động đó đã tạo ra một đợt căng thẳng mới trong khu vực và những phát biểu có phần cứng rắn, không nhượng bộ của diễn giả người Trung Quốc tại hội thảo của trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) về an ninh ở Biển Đông là ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, đã không làm giảm thiểu những quan tâm đó.

Trả lời ban Việt ngữ đài TNHK về phản ứng của Việt Nam trước vụ Trung Quốc cho mời thầu các lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của việt Nam, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý nói rằng đây là một sự “vi phạm thô bạo chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. 

Ông Đặng Đình Quý cho rằng làm như thế là vi phạm luật quốc tế, kể cả Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ông cho rằng các hành động vi phạm đó gây nhiều lo ngại trong khu vực.

Ông Đặng Đình Quý: Việt Nam từ xưa tới nay vẫn chủ trương giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở UNCLOS và DOC. Trung Quốc làm như thế sẽ khiến cho các nước ASEAN lo sợ, lo ngại về những hành động như vậy và lòng tin chính trị vốn đã quá hiếm nay lại càng xấu đi.

TNHK: Ông có thấy bi quan về triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông hay không?
Ông Đặng Đình Quý: Giải quyết tranh chấp Biển Đông là vấn đề rất lâu dài, nhưng tôi không bi quan, tôi thường vẫn lạc quan bởi vì tất cả các bên liên quan đến Biển Đông đều có lợi ích chung để duy trì hòa bình, ổn định và phái triển. Trung Quốc càng mạnh, càng phát triển thì càng phải duy trì ổn định, hòa bình đối với các nước xung quanh. Đó là một yếu tố rất quan trọng đế bảo đảm cho quá trình phát triển của Trung Quốc lâu dài, không thể nói các nước Đông Nam Á cần hòa bình nhiều hơn hay Trung Quốc cần hòa bình nhiều hơn. Tất cả mọi người đều cần hòa bình và ổn định. Người Trung Quốc hiểu điều đấy.

TNHK: Việt Nam và Philíppin có hợp tác với nhau trong các cuộc thảo luận về chiến lược để có thể cùng đương đầu với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp hay không?
Ông Đặng Đình Quý: Việt Nam và Philíppin đều ở trong một gia đình lớn hơn là ASEAN. Tất cả các nước ASEAN đều chia sẻ một quan điểm chung là phải duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau để làm điều đó. Đây là lợi ích chung và cũng là lợi ích của Trung Quốc.

Cũng có mặt ngay từ đầu cuộc hội thảo để lắng nghe phần phát biểu của ông Ngô là bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ tịch Hội tiếng nói người Mỹ gốc Việt. Bà Ngọc Giao cho biết ý kiến về bài phát biểu của ông Ngô:

Bà Ngọc Giao: Ông Ngô Sĩ Tồn nói không khác gì luận điệu của Trung Quốc từ trước tới nay. Họ nói Biển Đông hoàn toàn thuộc về chủ quyền của Trung Quốc và là điều không thể tranh cãi được. Ông Ngô nói “đường lưỡi bò” hay “bản đồ đường 9 đoạn” hoàn toàn thuộc về Trung Quốc và đã được nhiều nước công nhận. Ông ta khăng khăng nói rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và khẳng định tất cả mọi quyền lợi của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, kể cả quyền về dầu khí và đánh bắt cá cũng như tất cả các nguồn lợi khác từ biển.

TNHK: Năm ngoái bà cũng dự buổi hội thảo này, năm nay, lập trường của Trung Quốc, theo bà có cứng rắn hơn so với năm ngoái hay không?
Bà Ngọc Giao: Có hai chiều hướng, trên phương diện phát ngôn họ nói theo hướng của thế giới nhiều hơn, nhưng trên phương diện hành động, họ hành động cứng rắn hơn và họ có phần lấn át những nước tại Đông Nam Á nhiều hơn. Chuyện xảy ra trước mắt là điều ta chứng kiến ở đảo Hoàng Nham (Scarborough) và chuyện mới đây là họ mang ra đấu thầu 9 lô dầu tại khu vực Biển Đông.

TNHK: Bà có nhận định nào khác về những gì đã được thảo luận trong buổi hội thảo hôm nay?
Bà Ngọc Giao: Ngoại trừ ông giáo sư của Trung Quốc, còn tất cả những diễn giả còn lại và hầu hết cử tọa đều phủ nhận tuyên bố của ông ta. Giáo sư Thayer của Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia cũng nói lên những cách hành xử rất ngang ngược của Trung Quốc, đặc biệt với Việt Nam. Giáo sư Thayer nói rất nhiều đến chuyện Trung Quốc hà hiếp, giết hại ngư dân Việt Nam, cướp thuyền Việt Nam và có những hành động rất tàn bạo. Khi Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc tuyên bố đấu thầu 9 lô trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đồng thời có tin Trung Quốc và Mỹ đã tiến tới một số thỏa hiệp để thảo luận với nhau về quân sự, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt hỏi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell một câu là: Liệu hai sự kiện này có liên hệ với nhau không và trong tiến trình ngoại giao mà ông Campbell cho biết Mỹ rất chú trọng tới việc thảo luận riêng với Trung Quốc, hai điểm này có được bàn cãi hay không. Và ông Campbell nói rằng ông không thảo luận vấn đề đó, nhưng hai bên có đề cập đến vấn đề tìm hiểu lẫn nhau về quân sự, vì Mỹ muốn biết rõ về thực lực quân sự của Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Trường Đại học George Mason có nhận định sau đây về lập trường của Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc có lập trường nhất quán từ trước tới nay. Trung Quốc đặt ra đường lưỡi bò và Trung Quốc thử áp dụng chủ quyền của mình dựa trên đường lưỡi bò đó, theo một cách thức chậm mà chắc, cứ từng vụ từng vụ, tiến lên xong rồi lùi lại cho tới khi Trung Quốc đạt được mục tiêu, cho tới khi bị chặn lại.

TNHK: Trong các điều kiện đó, có hy vọng nào Việt Nam sẽ giành lại được Hoàng Sa?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Giành lại Hoàng Sa là một vấn đề khó. Khó là bởi vì một khi đã chiếm được thì họ khó trả lắm. Nhưng nguyên tắc là cứ phải đòi thôi, để mình đòi họ phải nhân nhượng ở chỗ khác, không đòi thì mọi chuyện sẽ qua đi.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những hành động lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc cũng nhằm thử sự đoàn kết trong khối ASEAN và ông chỉ trích tổ chức khu vực này đã không mạnh mẽ lên tiếng về cuộc tranh chấp này, trong một giai đoạn có tính quyết định như hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Diễn biến quan trọng nhất là những gì xảy ra ở Scarborough. Theo nhận xét của tôi trên The Diplomat, tôi thấy vụ việc này thử thách rất nhiều cái gọi là “ASEAN centrality”, là ASEAN là trọng tâm của mọi vấn đề, bởi vì nó chứng tỏ ASEAN rất yếu, sự đoàn kết trong các nước thuộc khối ASEAN cũng rất yếu. Trong một giai đoạn như thế này mà ASEAN không lên tiếng gì cả. Trong bài viết, tôi có nói trong trường họp này (Scarborough) Trung Quốc đã thắng, bởi vì sự kiện đầu tiên xảy ra khi Philíppin điều tàu đến để áp dụng luật của mình đối với tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vào hải phận vùng đặc quyền kinh tế của nước này, thế nhưng Trung Quốc lại đưa tàu đến chặn. Đến giữa tháng 5, ở đó có 3 tàu của Philíppin và khoảng 30 tàu Trung Quốc cộng với những thuyền nhỏ, khoảng 80 chiếc nữa. Cuối cùng khi đoàn giải quyết xong thì không có một tàu đánh cá nào của Philíppin, cũng không có một tàu nào của chính phủ Philíppin! Đó là để đổi lại việc Trung Quốc rút tàu về, nhưng mà lại có 30 tàu đánh cá Trung Quốc ở trong ấy. Khởi đầu là Philíppin cấm Trung Quốc đến, cuối cùng Philíppin rút về, Trung Quốc đến thì rõ ràng là Trung Quốc được rồi! Trung Quốc làm như vậy là để thử sự đoàn kết của ASEAN, thử phản ứng của Mỹ và thử sức mạnh của Philíppin. Trong trường hợp này, tôi thấy Trung Quốc đã thắng ở bước đầu./.

http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/12/1134-ve-cuoc-hoi-thao-an-ninh-bien-dong-csis-2012/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét