Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÁI GIÁ CỦA XUNG ĐỘT VŨ TRANG

Nguyễn Thế Phương
01/08/2012 

Tàu khu trục Type-052B
của Trung Quốc
 
Trung Quốc đang chơi một nước cờ mà tự đẩy mình vào thế "lưỡng bại câu thương". Vấn đề là liệu các nước trong khu vực có đủ bình tĩnh để kiềm chế, không tự đẩy mình vào xung đột?

Việc Trung Quốc tính toán đến khả năng vũ trang cho hơn 100000 ngư dân tại tỉnh Hải Nam theo đề xuất của Hạ Kiến Bân - Chủ tịch Tập đoàn quốc doanh Ngư nghiệp Bảo Sa tại tỉnh Hải Nam nhằm biến lực lượng ngư dân này thành một "lực lượng quân sự mạnh hơn tất cả các nước khác ở biển Đông gộp lại" đã cho thấy nguy cơ căng thẳng tại biển Đông đang leo thang.

Trong một bài viết mới đây đăng trên  Foreign Policy, tác giả Jim Holmes đã ví von đây là "thời khắc vũ trang" của Trung Quốc trỗi dậy. Một lần nữa, mọi người lại tiếp tục lo lắng rằng liệu những hành động của Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm?


Trước đây Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải giám, ngư chính để bắt bớ, đuổi tàu cá của các nước khác. Nhưng sau đó, việc Trung Quốc sử dụng các tàu hải giám, ngư chính,... hỗ trợ các tàu cá để chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines vào tháng 4 vừa qua đã chứng minh cho sự gia tăng của các hành động gặm nhấm chủ quyền của Bắc Kinh. Mọi chuyện đã không dừng lại như trước đây, khi sự việc Scarborough chưa lắng xuống, Trung Quốc lại định sử dụng cách tương tự một lần nữa khi đưa 30 tàu cá cùng 4 tàu hộ tống đến đánh bắt ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hơn nữa, các hành động quân sự hóa trên biển Đông và chèn ép các nước láng giềng của Trung Quốc đã không còn dừng lại ở các đơn vị dân sự như tàu cá hay bán quân sự như hải giám, ngư chính.Điều dễ nhận thấy là các tàu hải giám và ngư chính đang được sử dụng cho các mục đích quân sự ngày càng rõ ràng, nhằm tăng sự hiện diện và kiểm soát của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, đồng thời ngăn chặn sự hiện diện chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực.


Sự xuất hiện của các tàu chiến hiện đại trên biển Đông không chỉ là kết quả tất yếu của quá trình hiện đại hóa hải quân và không quân của nước này mà còn thể hiện sự hung hăng và liều lĩnh ngày càng tăng của tham vọng bá quyền nước lớn. Như việc Trung Quốc thông báo địa bàn hoạt động của Varyag -  tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ là biển Đông vào tháng 8/2012, hay việc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc - phụ trách tác chiến tại biển Đông được tăng cường tàu hộ vệ tên lửa mới nhất vào 9/7 hay sự kiện một tàu khu trục của TrungQuốc mắc cạn tại vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines vào 11/7...

Tất cả các hành động trên đều cho thấy một điều rằng Trung Quốc đang rất "rốt ráo" tăng cường hiện diện quân sự trên biển Đông và nước này chắc chắc sẽ càng ngang ngược hơn nữa với các hành động xác quyết chủ quyền trong tương lai.

Chạy đua vũ trang?

Tuy nhiên, chính điều này đã đẩy các nước trong khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang và hiện đại hóa quân đội. Theo IHS Jane's, các nước Đông Nam Á cùng nhau đã tăng 13,5% chi tiêu quốc phòng trong năm 2011, lên 24,5 tỷ USD và dự đoán sẽ tăng lên đến 40 tỷ USD vào năm 2016.

Sự gia tăng chi phí quân sự chủ yếu là của các quốc gia biển ở Đông Nam Á. Philippines cũng đã tăng chi phí quân sự lên gần gấp đôi vào 2011 và mua lại một tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ, nước này cũng đã tuyên bố sẽ đấu thầu mua thêm các vũ khí mới, bao gồm cả máy bay chiến đấu, tàu tấn công nhanh, radar,... vào tháng 8/2012.

Trước bối cảnh các quốc gia khu vực gia tăng sức mạnh quân sự, Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc sau khi tuyên bố trọng tâm đối ngoại của Mỹ trong tương lai sẽ là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2012, Mỹ đã nhanh chóng đẩy mạnh chính sách "xoay trục" với việc tái bố trí và tái cơ cấu lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ bố trí 60% tàu chiến ở Thái Bình Dương, bao gồm 6 tàu sân bay và đặc biệt là sự tăng cường của các loại máy bay và tàu chiến hiện đại nhất.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất của chiến lược "xoay trục" của Mỹ lại nằm ở việc tái cơ cấu các cơ cấu quân sự Mỹ và triển khai quân sự theo kiểu luân chuyển qua các cảng khác nhau trong khu vực, nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự và đảm bảo "khả năng kiểm soát vùng biển trong khu vực tại bất cứ nơi nào nếu cần thiết".

Rõ ràng việc gia tăng quá lớn lực lượng quân sự và sự hiện diện của các quốc gia trên biển Đông cũng sẽ dẫn đến kết quả tất yếu là mật độ tàu bè trên biển Đông gia tăng với sự xuất hiện hỗn hợp của các tàu dân sự, bán quân sự và quân sự. Tỉ lệ xảy ra va chạm giữa các bên cũng theo đó tăng lên và khó có thể kiểm soát do "thiếu các lực lượng hàng hải có kinh nghiệm, có ít hoặc không hiểu biết lẫn nhau về quản lý các sự cố hàng hải", như Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Lowy - Micheal Wesley lo ngại.

Nếu va chạm xảy ra thì chắc chắn sẽ biến thành các cuộc xung đột cục bộ giữa tàu chiến các nước, và các tranh chấp này có thể sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu.

Từ đó, có thể thấy rằng, việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông là "lợi bất cập hại". Mặc dù Trung Quốc có được sức mạnh răn đe các nước Đông Nam Á nhỏ yếu, có thể âm thầm gặm nhấm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và có thêm một con bài trên bài đàm phán. Tuy nhiên, hậu quả của chiến lược này là sự phản đối của quốc tế, sự mất lòng tin của các quốc gia trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và hình ảnh "trỗi dậy hòa bình" mà Trung Quốc đã xây dựng trong hai thập kỉ qua.

Đặc biệt là việc Trung Quốc sử dụng các tàu bán quân sự để thực hiện các hành động xác quyết chủ quyền của mình, đây có thể coi là một chiến lược khôn ngoan, tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi vì các lực lượng bán quân sự như hải giám, ngư chính,... do nhiều cơ quan khác nhau quản lý, thiếu đồng nhất trong hoạt động và khó kiểm soát hiệu quả, do đó, nguy cơ xung đột là không thể tránh khỏi và chắc chắn Mỹ sẽ có cơ hội để can thiệp một cách chính danh.

Thậm chí nếu không có xung đột nhưng việc Trung Quốc duy trì các hành động gây hấn quá lộ liễu và ngang ngược cũng có thể biến thành "cơ hội" để Mỹ can thiệp sâu hơn vào biển Đông. Lúc đó không chỉ là giấc mộng bá chủ, mong muốn biến biển Đông thành "ao nhà" tiêu tan mà cả sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng sẽ bị kiềm tỏa.

Trung Quốc đang chơi một nước cờ mà tự đẩy mình vào thế "lưỡng bại câu thương". Vấn đề là liệu các nước trong khu vực có đủ bình tĩnh để kiềm chế, không tự đẩy mình vào xung đột? Rõ ràng, ngược lại với Trung Quốc, các nước khu vực đang mong muốn một quang cảnh trời yên mây tạnh.

http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Cai-gia-cua-xung-dot-vu-trang/9006183.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét