Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 1

Nguyễn Hữu Chí
12-04-2013
Các kỳ tiếp theo

Nguyễn Hữu Chí năm 1974
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. 

Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. 

Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. 

Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do…. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách “mưu sinh, thoát hiểm” giữa hàng chục “lằn tên đường đạn”, nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

o O o

KỲ 1

Tôi tên thật là Nguyễn Hữu Chí. Tên này do cha mẹ tôi đặt ngay từ khi sinh ra tôi. Sau này lớn lên, đi học, đi bộ đội ở ngoài Bắc; đi chiêu hồi, đi làm ở Nha Công Tác, Bộ Chiêu Hồi, dưới quyền của anh Võ Đại Tôn ở trong Nam, rồi đến khi bị cộng sản bắt đi tù cải tạo, vượt biên đến Hồng Kông, rồi đến Úc… lúc nào tôi cũng dùng tên thật do cha mẹ đặt. Chỉ có những ngày tháng tôi vượt ngục tù cải tạo, phải ngủ bờ ngủ bụi, trốn chui trốn nhủi từ Nam ra Bắc trong thời gian 2 năm từ 1977 đến 1979, tôi mới dùng nhiều tên giả với nhiều giấy tờ tuỳ thân khác nhau, mà không dám dùng tên thật.

Đến khi sang Trung Cộng xin tỵ nạn chính trị, tôi cũng không dám dùng tên thật, vì tôi sợ cộng sản Trung quốc cũng nguy hiểm như cộng sản Việt Nam, nên tôi lấy tên là Phạm Thái Lai. Phạm là họ người anh rể tôi lúc đó đã định cư tại Úc; còn Thái Lai là tên của người cháu gọi tôi bằng cậu, sống ở Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Đây cũng là nơi tôi sống những ngày tháng hạnh phúc với gia đình người chị ruột, sau khi rời khỏi trung tâm chiêu hồi Thị Nghè.

Trong suốt thời gian khoảng 6 tháng ở Trung Cộng, tôi quen biết nhiều bạn bè người Việt, người Hoa, và ai ai cũng chỉ biết tôi là Phạm Thái Lai, gọi theo tiếng Quảng là Phàn Thai Lồi. Đến khi vượt biển đến Hồng Kông, xứ sở của tự do, tôi hết sợ hãi mọi sự rủi ro, nên tôi khai tên thật Nguyễn Hữu Chí. Lúc đó, mấy người bạn cùng vượt biên từ Trung Cộng rất ngạc nhiên khi thấy tôi thay đổi tên họ, và cho đến bây giờ, nhiều người vẫn gọi tôi là Thái Lai.

Sau này, khi tới Úc, tên họ đảo ngược, dấu mũ bỏ hết, nên từ cái tên Nguyễn Hữu Chí, tôi phải viết thành Huu Chi Nguyen, rồi dần dần chỉ còn Huu Nguyen, cho gọn. Khoảng giữa thập niên 1980, tôi được anh Nhất Giang nhận vô làm việc cho báo Chiêu Dương. Lúc đó, tôi thường viết mỗi tuần 5 bài thời sự và 5 bài khoa học. Một ngày nọ, anh Nhất Giang bảo tôi lấy một hai bút hiệu cho những thể loại khác nhau, nên tôi đổi tên Huu Nguyen thành bút hiệu Hữu Nguyên khi viết bài thời sự; và bút hiệu Phạm Thái Lai cho những bài khoa học.

Tôi hơi dài dòng về cái tên của tôi là vì tôi muốn những ân nhân, bạn hữu, người thân của tôi, ở khắp mọi nơi, nếu một ngày nào đó, có tình cờ đọc được những dòng chữ này, thì xin hãy hiểu, Phạm Thái Lai và Nguyễn Hữu Chí chỉ là tên của một người Việt Nam đã sống những ngày tháng bất hạnh trong chế độ cộng sản, nhưng nhờ tình thương yêu và sự giúp đỡ của cha mẹ, anh chị em trong gia đình; của thầy cô giáo, của ân nhân, bạn bè, mà rồi có được những may mắn, đặt chân tới Miền Nam tự do, và sau này tới được nước Úc tự do.

Tuy thời gian tôi được sống hạnh phúc trên mảnh đất Miền Nam tự do chỉ có mấy năm, nhưng đó là những năm tháng tuyệt vời. Tôi được ngụp lặn trong trong sách vở, được trò chuyện với những người dân Miền Nam chân thật, đôn hậu, giầu lòng nhân ái đối với cả chim muông, cầm thú, cỏ cây, gỗ đá… Sau này, trong những ngày tháng trốn khỏi trại cải tạo, tìm đường vượt biên, tôi mới thấy thấm thía tấm lòng thương người bất chấp nguy hiểm của người Miền Nam.

Hai chữ Miền Nam tôi nói đến ở đây có tính địa dư và chính trị. Nghĩa là tất cả những người dân lớn lên trong xã hội Miền Nam tự do, từ vĩ tuyến 17 trở vô, ai ai cũng có tình, có nghĩa, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ một người tù cải tạo vượt ngục, nghèo khổ, và nguy hiểm như tôi, cho dù tôi với họ không hề quen biết, thậm chí ngay cả tên họ, cũng không bao giờ nghe đến…

Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng bây giờ, khi viết những dòng chữ này, tôi lại thấy những kỷ niệm cũ, những bóng hình xưa, sống lại một cách linh động, thương cảm, nhung nhớ đến vô cùng….

Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc suốt 20 năm trời. Ở đó, có không biết bao nhiêu người thân thương ruột thịt, bạn hữu của tôi. Nhưng kể từ khi trốn khỏi trại cải tạo, tìm đường vượt biên, tôi đi lại ngang dọc ở Miền Nam, lúc nào cũng thoải mái tự tin, như cá bơi trong nước. Gặp bất cứ người dân Miền Nam nào trên một chuyến xe lam, xe đò, hay trong quán nước, tôi đều tin tưởng thổ lộ mình là một người tù cải tạo trốn trại. Và lần nào cũng thế, khi nghe tôi nói vậy, họ đều giúp đỡ tôi một cách chí tình, cho dù họ, trong những năm tháng đảo điên dưới sự cai trị của cộng sản, cũng rất nghèo khổ, bấp bênh như tôi.

Với Miền Nam thì như vậy, nhưng khi đặt chân đến Miền Bắc, quê hương của tôi, tôi đã sống những ngày tháng nơm nớp lo âu, không dám nói thật hoàn cảnh trốn tù cải tạo của mình, ngay cả với những người ruột thịt trong gia đình, hay bằng hữu thuở xưa. Trong suốt những ngày tháng lẩn trốn ở Miền Bắc, tôi chỉ dám nói thật hoàn cảnh của mình với mẹ và em gái. Ngoài ra, lúc nào tôi cũng phải mang một mặt nạ, một lý lịch giả với những giấy tờ giả. Tôi sống trên quê hương của tôi mà giống như con cá mắc cạn, như chim phải cung…

Cuộc đời của tôi phải xa mẹ ngay từ khi tôi còn rất bé. Sau này, qua những câu chuyện thầy tôi kể với cụ Đồ Tường hay ông Lang An, ông Tổng Tu (thông gia), tôi biết được, trong những ngày tháng chiến tranh đầy bom đạn của đầu thập niên 1950, thầy tôi phải thường xuyên bế tôi đi xin sữa của những người mẹ mới đẻ con trong làng Đồng Văn, hay những làng lân cận. Tuổi thơ ấu của tôi không được bú ẵm bằng sữa của mẹ mình, mà bằng sữa của những người mẹ, người dì, người cô, người bác trong làng… Phải chăng vì lớn lên nhờ sữa của thiên hạ, nên tôi là một người rất dễ xúc động, rất dễ khóc khi đọc chuyện hay nghe kể những chuyện thương tâm, dù trong lòng tôi lúc nào cũng muốn làm người can đảm, dũng cảm, sẵn sàng cứu khổn, phò nguy.

Tôi nhớ vào khoảng giữa thập niên 1980, khi đó tôi còn đi làm hãng. Một ngày nọ, chở vợ con đi shop, tôi mua tờ báo Việt Luận, đọc bài tường thuật thảm cảnh người Việt tỵ nạn bị hải tặc Thái Lan cưỡng hiếp, tôi đã khóc… thật ngon lành. Sau này làm báo, đọc những tin tức thương tâm ở quê nhà, tôi cũng thường đọc to cho vợ nghe, để rồi thấy chính giọng của mình bị lạc, cổ bị nghẹn, mắt rưng rưng vì không giấu nổi xúc động…

Thầy tôi mất khi tôi đang sống ở Miền Nam, nhưng tôi không hề biết. Vì thương thầy, muốn về gặp mặt thầy, nên trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, biết ở lại là vô cùng nguy hiểm, trong khi bạn bè cùng hoàn cảnh chiêu hồi, trong đó có bạn làm cho Hoàn Cầu Khải Tượng, đến rủ tôi đi, điều kiện đi lại dễ dàng, nhưng tôi nhất mực từ chối.

Đầu tháng 5, 1975, tôi dùng giấy tờ giả, trở về Miền Bắc. Về đến Hà Nội, tôi mới biết được tin thầy tôi đã mất. Tối hôm đó, tôi phải đáp chuyến tàu đêm để lén lút về thăm mộ thầy. Đêm hôm đó, trời mưa tầm tã. Tôi đứng ở bậc lên xuống của tàu, trong cái lạnh lẽo, cô đơn, nghĩ đến thầy tôi sống khổ sở, thiếu thốn trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, đến số phận bấp bênh của tôi, trong hoàn cảnh tang thương của đất nước, tôi đã khóc…

Bước ngoặt lớn nhất trong đời tôi đã xảy ra đúng vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi tôi quyết định từ vùng núi ở động Ông Đô nhằm thẳng hướng thị xã Quảng Trị để đi chiêu hồi. Lúc đó, tôi chưa hề nghe, hay biết đến hai chữ “chiêu hồi”. Nhưng qua những lần kể chuyện của thầy tôi, tôi biết, ở mảnh đất Miền Nam, tôi có rất nhiều họ hàng, thân thích nội ngoại, trong đó có 5 bà chị đang sống ở Sàigòn, Vũng Tàu, Biên Hoà.

Năm 1954, khi đất nước bị chia cắt, cả 5 bà chị, lúc đó đều có gia đình, đã lần lượt vô Nam. Riêng thầy tôi, vì còn mẹ già, tức bà nội tôi, tuổi đã ngoài 90, nên ông cụ nhất định ở lại để phụng dưỡng mẹ, không chịu vô Nam. Thầy tôi lo, bà nội tuổi đã cao, sức lại yếu, lỡ mệnh hệ gì nơi đất khách, thì thật ân hận. Ông nội bà nội tôi chỉ có thầy tôi là con trai. Khi lấy người vợ đầu tiên, thầy tôi có được 5 người con gái, không có người con trai nào. Vì vậy, thầy tôi lấy vợ hai, nhưng bà cũng chỉ sanh được một người con trai. Kết quả, thầy tôi phải lấy thêm người vợ ba, là mẹ tôi.

Năm 1954, khi các bà chị vô Nam, thầy tôi ở lại, nên cả hai người con trai, đều phải ở lại đất Bắc. Khi đó, tôi mới 4 tuổi. Quyết định của thầy tôi lúc đó, khiến tôi phải ở lại Miền Bắc, phải trải qua những năm tháng khổ đau, thiếu thốn, mất tự do, và bị guồng máy tuyên truyền của cộng sản giáo dục đầu độc. Đây là một sự bất hạnh cho tôi, nhưng cũng là một sự may mắn, vì nhờ sống trong chế độ cộng sản, hiểu rõ những xấu xa, đê tiện, nham hiểm và tàn nhẫn bất nhân của chế độ đó, nên suốt cuộc đời tôi, từ khi tôi biết nghĩ và hiểu rõ cộng sản, tôi không bao giờ có ảo tưởng về chủ nghĩa, lý thuyết cũng như con người cộng sản. Nếu tôi không sống trong chế độ cộng sản 20 năm, biết đâu, tôi cũng sẽ ngây thơ, vô bưng chạy theo cộng sản, hoặc dại dột ăn phải bả cộng sản, cả nửa cuộc đời…
(còn tiếp)

http://viteuu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét