Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 14 & 15

Nguyễn Hữu Chí
09-05-2013

... trong những lần vượt ngục, trốn chạy cộng sản, tôi vội vàng tìm đến với Mẹ, nghỉ lại một vài ngày để rồi ra đi tìm đường vượt biên, và khi vượt biên bất thành, tôi lại trở lại tá túc một vài đêm trong sự yêu thương xót xa đầy nước mắt của Mẹ… 

Thời gian đó, có những đêm đang ngủ, chợt giật mình thức giấc, tôi thấy Mẹ ngồi đó, im lìm bất động nơi cuối giường, khóc âm thầm, thương xót cho đứa con mà Mẹ đã không được nuôi, và bây giờ Mẹ cũng không đủ sức che chở, trong khi nguy hiểm đang bủa vây tứ phương tám hướng…

KỲ 14

Chủ Nhật tuần này là ngày Mother’s Day, một ngày lễ vô cùng ý nghĩa, tạo cơ hội và điều kiện cho tất cả những người con có dịp nghĩ tới Mẹ, để rồi có một nghĩa cử nào đó, biểu lộ tình yêu thương, lòng biết ơn của mình dành cho Mẹ. Và khi nhận được những nghĩa cử thương yêu của con mình, người Mẹ cũng sẽ có dịp bồi hồi xúc động nhớ tới những kỷ niệm êm đềm với Mẹ của mình trong những năm tháng khi mình còn ở tuổi ấu thơ, hoa niên… Khi đó, trong những đường nét kỷ niệm êm đẹp lung linh với mỗi người Mẹ, ai ai cũng đều thấy mình như bé lại, trẻ lại, để rồi trong niềm hạnh phúc đậm đà của tuổi thơ hồn nhiên, ta mới thấy thấm thía, “Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương”…

Trong niềm hạnh phúc đón mừng ngày Mother’s Day, hôm nay, tôi xin được tâm sự với các bạn về người Mẹ muôn ngàn đau khổ của tôi…

Ngay khi đặt chân đến Sàigòn, được về sống chung với người chị ở Võ Di Nguy, Phú Nhuận, tôi đã may mắn và hạnh phúc biết được, ở Miền Nam tự do có ngày Lễ Vu Lan, là ngày tưởng nhớ tới Mẹ. Rồi trong một dịp tình cờ, khi ghé tiệm sách Khai Trí, tôi được đọc cuốn sách Bông Hồng Cài Áo của thầy Thích Nhất Hạnh. Khi đó, tôi bồi hồi xúc động biết rằng, có một phong tục đáng yêu và ý nghĩa, nếu một người con còn có Mẹ, sẽ được cài một bông cẩm chướng màu hồng trên áo; còn ai đã mất Mẹ thì cài bông hoa màu trắng…

Ngày đó, đọc những trang sách đó, tôi thấy cuộc sống của người dân Miền Nam sao có những hạnh phúc giản dị, tỉ mỉ từng li từng tí, mà vô cùng ý nghĩa. Thì ra người dân Miền Nam được sống hạnh phúc, sung sướng và ý nghĩa, ngay từ những đường nét rất nhỏ nhoi, mềm mại, nhẹ nhàng, trong từng giây từng phút trôi qua của cuộc đời…. Từ một bông hoa cài trên áo, một tà áo dài trên đường phố, một trận mưa tháng sáu bong bóng vỡ đầy tay, những câu thơ tình đẹp hơn cả tình yêu, những trang sách tuổi hoa dắt tuổi thơ vào mộng mơ, những cuốn truyện kiếm hiệp khiến người đọc bồi hồi, say sưa trong niềm hạnh phúc…. Có thể nói, mỗi giây, mỗi phút trôi qua, người Miền Nam nào cũng sống trong hạnh phúc, nhưng có thể mỗi người không nhận ra được những hạnh phúc thiêng liêng mà họ đang có… Và chính trong những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc đó, tôi mới thấy thương xót vô cùng cho những người dân, những trẻ thơ ở Miền Bắc, trong đó có cha mẹ, cô bác, anh chị em, bạn bè của tôi…

Trong thời gian gần 4 năm sống ở Miền Nam, tôi có thói quen hay vô tiệm sách Khai Trí coi “cọp” sách. Hôm đó, khi đọc cuốn Bông Hồng Cài Áo, tôi vô cùng xúc động nhớ đến Mẹ của tôi…

Như tôi đã kể với các bạn, thầy của tôi có ba người vợ. Mẹ của tôi là người vợ thứ ba. Nhưng vì những ngang trái của cuộc đời, những éo le của hoàn cảnh vợ cả, vợ lẽ, mà tôi không thể thưa với các bạn ở đây, Mẹ của tôi đã phải xa tôi ngay từ khi tôi mới lọt lòng. Tôi lớn lên bằng sữa của những dì, những thím, những cô, những bác,… trải dài từ Đồng Văn đến Phủ Lý, từ Đọi Đệp đến làng Đầm, cùng với những khói lửa của cuộc chiến tranh, những khốn khổ của quê hương đất nước trong những năm tháng tiêu thổ kháng chiến…

Trong những năm tháng đầu tiên của thời thơ ấu, tôi cứ đinh ninh, Mẹ của anh tôi là Mẹ của tôi. Khi khôn lớn một chút, tôi chỉ ngạc nhiên và tủi thân, không hiểu sao Mẹ của tôi lại không yêu thương tôi bằng yêu thương anh của tôi. Cho đến một ngày nọ, trong khi đang chạy nhảy ngoài đường, bỗng nhiên có một người đàn bà đến nắm tay tôi rồi hỏi:

- Cháu có phải tên là Chí, con của ông xếp Văn không?

Nghe hỏi, tôi vừa ngạc nhiên, vừa giật mình, vì hai tiếng “xếp Văn”, cả thầy tôi lẫn anh tôi đều cấm tôi không bao giờ được dùng. Anh tôi bảo đó là “tiếng của chế độ cũ”, nói ra sẽ bị nhà nước bắt bỏ tù. Nghe người đàn bà hỏi vậy, tôi vội giật tay lại, rồi bỏ chạy về nhà. Về đến nhà, tôi hổn hển kể lại cho Mẹ của anh tôi nghe. Nghe qua, Mẹ của anh tôi hiểu ngay, liền dặn tôi nói những câu tôi phải nói… mà sau này tôi mới biết là những câu rất thương tâm…

Lúc đó tôi mới lên chín, lên mười. Tôi đâu có hiểu được những oan trái của cuộc đời, những khốn khổ của hoàn cảnh, và những éo le của tình cảm, khiến cho chính những người thân yêu làm khổ nhau còn hơn cả kẻ thù của nhau. Chỉ biết rằng, chiều hôm đó, Mẹ của tôi đã bước vô căn nhà của ông anh tôi, với lòng mong mỏi chỉ để được gọi tôi một tiếng “Con”, và được tôi gọi một tiếng “Mẹ”, để được ôm hôn tôi một lần,…. trước khi giã từ, nhưng tất cả, Mẹ tôi đều không toại nguyện. Thậm chí, ngay cả tờ giấy 5 đồng bạc, Mẹ cố trao cho tôi, tôi cũng cương quyết trả lại, kèm theo là những lời nói cay độc mà người lớn đã dậy cho tôi….

Tôi nhớ buổi chiều hôm đó, anh cùng cha khác mẹ của tôi, chị dâu của tôi, và cả Mẹ của anh tôi, đều cư xử thật lạnh nhạt, nếu không nói là hắt hủi đối với Mẹ của tôi. Còn tôi, bé bỏng chửa biết gì, nên vẫn ngồi trên lòng Mẹ của anh tôi, trong khi Mẹ của tôi ngồi bất động ở vỉa hè, đắm đuối nhìn tôi trong xa xôi cách trở… và lặng lẽ khóc…

Chiều hôm đó, khi hoàng hôn sắp tắt, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi bất động ở vỉa hè, không một ly nước, một miếng cơm, Mẹ của tôi lặng lẽ ra về. Bóng một người đàn bà, với chiếc nón cầm tay, ra đi trong hoàng hôn và nước mắt, đã làm tôi thấy thương xót vô cùng, nhưng tôi sợ anh, sợ Mẹ của anh tôi, nên tôi lặng im nhìn theo bóng của Mẹ khuất sau hàng rào dâm bụt…

Tôi biết, con đường mà Mẹ tôi ra về sẽ đi qua một cái đập chắn ngang giòng sông Châu. Chẳng hiểu nhờ linh cảm thúc dục, hay tình Mẫu Tử thiêng liêng có một động lực, một sức mạnh kỳ bí, bỗng dưng tôi lẻn ra khỏi nhà, men theo con đường nhỏ trong thôn, chạy vội ra bờ sông. Đứng ở bờ sông, nhìn về phía tay trái là chiếc đập cách chỗ tôi đứng khoảng 300 thước, tôi lặng lẽ chờ đợi bóng dáng của người đàn bà đã nhận tôi là Con xuất hiện!…

Tôi không nhớ là bao lâu, nhưng phải nói là lâu lắm, tôi mới trông thấy bóng dáng Mẹ của tôi đi ngang chiếc đập. Lúc đó, hoàng hôn sắp tắt, nhưng mặt trời phía tây vẫn còn chiếu lấp lánh trên mặt sông, hắt lên ráng chiều trên đập, nên tôi vẫn thấy rõ bóng Mẹ của tôi đi vội vàng, cô đơn, trong khi gió sông lộng thổi… Tuy xa, nhưng tôi vẫn còn thấy rõ chiếc ruột tượng màu vàng của Mẹ bay lất phất…

Chẳng hiểu sao trong giây phút đó, tôi linh cảm, chính người đàn bà đang đi trên đập, đang dần dần cách xa tôi, là Mẹ ruột đã đẻ ra tôi… Một chút gì như hụt hẫng, như chới với, như réo gọi trong lòng, khiến tôi muốn la lên hai tiếng: “Mẹ Ơi!”… Nhưng rồi hình ảnh nghiêm khắc của hai Mẹ con người anh cùng cha khác Mẹ bỗng hiện ra, khiến tôi im lặng, nhìn bóng Mẹ khuất dần sau mấy hàng quán ở bên kia sông… Tôi đứng đó, bất động, nhìn mặt sông sóng vỗ, gió thổi… bóng đêm dần bao trùm vạn vật, để rồi thấy miệng mặn mặn…. Thì ra tôi đã khóc từ lúc nào không biết…

Sau này lớn khôn, tôi mới biết rõ, chiều hôm đó, tôi đã “vĩnh biệt” người Mẹ ruột thịt của tôi trong suốt 7 năm trời sau đó. Trong suốt thời gian 10 năm trước đó và cả 7 năm sau đó, không một ai nói rõ cho tôi biết, Mẹ của tôi là ai. Hôm nay, khi viết những dòng chữ này, tôi không hề oán trách một ai. Tôi chỉ thấy thương xót cho Mẹ của tôi, và tủi cho thân phận éo le của chính mình. Trong nỗi niềm đau xót và cô đơn của mình, tôi viết những dòng này, với lòng ấp ủ nỗi quan hoài, chỉ muốn các bạn hãy hiểu, trong cuộc đời của chúng ta, rất nhiều khi, những nỗi niềm khổ đau, xót xa, uất ức, hận thù lại đến từ chính những người thân thương nhất của mình. Và xin các bạn hãy hiểu, chỉ vì chủ nghĩa cộng sản, mà trong cuộc sống muôn vàn cơ cực mấy chục năm ở Miền Bắc trước đây, và ở cả hai miền đất nước trong suốt 31 năm qua, đã có hàng triệu nỗi khổ đau, xót xa, buồn thương, uất ức, còn thê thảm gấp ngàn lần nỗi khổ đau tôi phải gánh chịu…

Tôi hiểu, phần lớn những người con có Mẹ khi ở gần, không thấy được hết niềm hạnh phúc họ đang có. Riêng tôi, trong suốt nửa thế kỷ qua, ngay cả sau khi tôi đã gặp lại Mẹ khi tôi 17 tuổi, tôi vẫn mãi mãi đi tìm niềm hạnh phúc được ôm lấy Mẹ mà hôn, được sà vào lòng Mẹ mà nhõng nhẽo… nhưng tất cả vĩnh viễn ngoài tầm tay với….

Trong những năm sóng gió của cuộc đời, đất nước nghiêng ngửa dưới gót sắt của chủ nghĩa cộng sản, cả hai Mẹ con tôi đã nhiều lần ngồi khóc âm thầm, vì lần nào hai mẹ con được đoàn tụ, lần đó cũng chứa mầm ly biệt; trong mỗi hạnh phúc ngắn ngủi luôn luôn báo hiệu gông cùm xiềng xích, thậm chí tử biệt sinh ly, sẽ đến với tôi. Sau 1975, trong những lần vượt ngục, trốn chạy cộng sản, tôi vội vàng tìm đến với Mẹ, nghỉ lại một vài ngày để rồi ra đi tìm đường vượt biên, và khi vượt biên bất thành, tôi lại trở lại tá túc một vài đêm trong sự yêu thương xót xa đầy nước mắt của Mẹ… Thời gian đó, có những đêm đang ngủ, chợt giật mình thức giấc, tôi thấy Mẹ ngồi đó, im lìm bất động nơi cuối giường, khóc âm thầm, thương xót cho đứa con mà Mẹ đã không được nuôi, và bây giờ Mẹ cũng không đủ sức che chở, trong khi nguy hiểm đang bủa vây tứ phương tám hướng…

Ai sinh ra làm người phụ nữ, người đó đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi và phải hy sinh rất nhiều. Khi người phụ nữ được làm vợ, làm mẹ, những hy sinh, những thiệt thòi lại càng nhiều không kể xiết. Và trong muôn ngàn nỗi khổ đau, hy sinh mà những người vợ, người mẹ trên trái đất phải gánh chịu, người Vợ Việt Nam, người Mẹ Việt Nam, luôn luôn chịu đựng những khổ đau, hy sinh nhiều gấp bội, vì lịch sử Việt Nam có nhiều nỗi oan trái, bi phẫn hơn; văn hóa Việt Nam có nhiều quan niệm khiến người phụ nữ Việt Nam thiệt thòi hơn, khổ đau hơn…

KỲ 15

Hôm nay, khi viết những dòng chữ này gửi tới các bạn, tôi đã bước vào tuổi 55. Và kể từ khi đứng ở bờ sông Châu của buổi tối hôm đó, muốn cất tiếng gọi hai tiếng “Mẹ ơi!” mà không dám gọi, cho đến nay đã 45 năm trôi qua. Trong suốt 45 năm đó, càng ngày tôi càng nhận thấy rõ ràng một điều, chính cuộc đời đau khổ đầy oan trái của Mẹ, và hoàn cảnh éo le của tôi, đã khiến tấm lòng của tôi luôn luôn nhạy cảm, dễ dàng rung động, xót xa, đau đớn với nỗi đau, nỗi thiếu thốn của tất cả những người chung quanh, cho dù họ là những người dưng nước lã. Tôi thương xót một người đàn bà ở làng tôi, vì chửa hoang nên bị cả làng hắt hủi; tôi khóc thương cho một người mẹ già, lưng còng, bán có mấy cây mía ở chợ, cũng bị cán bộ thuế nông nghiệp tịch thu; tôi nghẹn ngào không nuốt nổi miếng cơm, khi nhìn thấy những trẻ em đói khát đứng chầu trực cơm thừa canh cặn, dọc theo đường tôi hành quân vô Nam… Đất nước tôi tươi đẹp, nhưng sao tôi thấy dân tộc tôi khốn khổ, thiếu thốn trăm vạn điều…

Tối hôm đó, trở về nhà, trong đầu óc tôi đầy ắp hình ảnh Mẹ. Tôi không tâm sự được với ai, nhưng lòng tôi thổn thức vô cùng. Tôi muốn hỏi Thày tôi thật nhiều nhưng không dám. Trong những năm tháng của tuổi ấu thơ, tôi không thể ngờ được, Mẹ của tôi vẫn âm thầm, để ý theo dõi cuộc sống của tôi. Mẹ của tôi hiểu rằng, rồi sẽ đến một ngày, tôi sẽ đủ khôn lớn để hiểu được tình yêu thiêng liêng của Mẹ dành cho tôi lớn lao đến mức nào. Mẹ của tôi biết rằng, với thời gian và sự khôn lớn, tôi sẽ hiểu được những éo le, khổ đau mà mẹ tôi phải gánh chịu. Tôi sẽ yêu thương, tìm đến với Mẹ trong tấm lòng đau đớn của một người con…

Quả nhiên, bảy năm sau, khi tôi đi học trọ cách nhà tôi gần chục cây số, Mẹ đã tìm đến tận nơi tôi học, và hai mẹ con chúng tôi đã đoàn tụ. Ngay sau đó, tôi đã theo Mẹ tôi đi Đọi, Đệp là quê của Mẹ, rồi tôi theo Mẹ tôi lên Hà Nội, nơi Mẹ tôi đang ở, để Mẹ tôi dẫn đi nhận họ hàng bên nội, bên ngoại.

Những năm đó, Miền Bắc đang sống trong cảnh thiếu thốn cùng cực, vì tất cả lương thực, thực phẩm đều bị nhà nước thu mua, để đánh đổi vũ khí, đưa vô Miền Nam. Chế độ cộng sản đã rất xảo quyệt, ngụy tạo “hình ảnh người bộ đội hy sinh xương máu chống Mỹ cứu nước” ở Miền Nam, để bắt người dân ở Miền Bắc phải đổ mồ hôi, nước mắt, phải “thắt lưng buộc bụng” để dành lương thực, thực phẩm cho “Miền Nam thắng Mỹ”. Tất cả những cảnh bom đạn của máy bay Mỹ thả xuống các làng mạc, thành phố, đều được nhà nước chụp hình, thổi phồng và tuyên truyền, nhằm khích động lòng căm thù của mọi tầng lớp trong xã hội Miền Bắc.

Nhớ lại những ngày tháng thiếu thốn, đói khát ấy, tôi thấy thật rùng mình kinh hoàng, vì đói khát triền miên cùng với không biết bao nhiêu bi kịch hiện ra ở khắp mọi làng quê, thôn xóm, thành phố, thị trấn của Miền Bắc. Đảng và nhà nước kiểm soát tất cả sự sống của người dân, qua chế độ tem phiếu. Mỗi tháng, mỗi người lớn, được 13 kí lô lương thực, trẻ em được 7, 8 kí. Dù người lớn hay trẻ em, trong tiêu chuẩn lương thực luôn luôn phải có phần ăn độn chiếm tới một nửa là khoai, sắn, hoặc bột mì. Đó là trên lý thuyết. Trên thực tế, tuỳ theo tình hình của cửa hàng lương thực, tỷ lệ độn khoai, sắn, hoặc bột mì sẽ tăng lên. Dù là gạo, khoai, sắn, hay bột mì, tất cả đều chung một điểm là chất lượng rất tồi tệ. Mối mọt, sâu bọ, sỏi đá, hoặc độ ẩm, được trộn lẫn để tăng trọng lượng. Vì vậy, tiêu chuẩn là 13 kí lô một tháng, nhưng thực tế, người dân nhận được ít ỏi hơn thế rất nhiều. Vì có quá nhiều mối mọt, sâu bọ, nên mỗi khi đi mua lương thực về là phải đem phơi nắng, để mối mọt, sâu bọ bò đi. Đó là với những con mối mọt, sâu bọ còn sống. Với những con đã chết, thì khi vo gạo, rửa khoai, rửa sắn, mới có thể vớt chúng ra được. Còn bột mì thì thật khủng khiếp vì quá nhiều sâu bọ. Đem bột mì trộn với nước lạnh, rồi nắm lại thành từng cục, bỏ vào nước đun sôi. Vớt ra từng cục vừa hôi khủng khiếp lại vừa cứng như đá. Vậy mà vẫn phải ăn, phải nuốt. Chính vì phải ăn những miếng bột mì luộc như vậy trong suốt những năm tháng dài, nên sau này, mỗi khi nghĩ tới bột mì là tôi thấy ghê. Sau này, vô đến Miền Nam, và ngay cả khi sang đến Úc, tôi vẫn sợ không dám ăn bánh bao, vì chỉ nghĩ đến nó là thứ bánh làm bằng bột mì là tôi đủ sợ, cho dù đó là thứ bột mì hảo hạng, có bột chua làm cho nó thật xốp, thật mềm và bên trong lại có nhân trứng, thịt, mộc nhĩ, thật ngon lành.

Để có được 13 kí lô lương thực đó trong nhà cũng không phải là chuyện dễ dàng. Tôi nhớ, trong những năm tháng khốn khổ thời đó, mỗi tháng 2 lần, tôi phải dậy từ tinh mơ mờ đất, mang một cái thúng, hay một cái bao bằng vải, đi bộ từ 5 đến 10 cây số để đến cửa hàng lương thực của huyện nhà, hay huyện bên, xếp hàng, chờ mua. Cho đến bây giờ, đã 40 năm có lẻ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cái sân gồ ghề ở cửa hàng lương thực huyện. Ở đó, vào những buổi sáng sớm, trời còn mờ sương, không khí lạnh buốt, hàng trăm con người xếp hàng rồng rắn, ngủ vạ ngủ vật, chờ đến giờ mở cửa. Hầu hết những người đến đó đều thuộc loại đói kinh niên, và luôn phong phanh trong những manh quần áo vá chằng và đụp. Mua được mấy chục kí lô lương thực bao giờ cũng hết một ngày trời, vừa đi vừa về, vừa chờ đợi. Khốn khổ như vậy, nhưng nếu mua được, dù cho có độn 70%, 80% với khoai lang, khoai mì, hay bột mì, thì vẫn còn là may mắn. Vì nhiều khi, xếp hàng gần đến lượt mình, thì cửa hàng tuyên bố hết lương thực. Khi đó, đành phải tiu nghỉu ôm thúng không, túi không, cùng chiếc bụng lép kẹp, đi bộ về nhà, để rồi một hai ngày sau, bi kịch xếp hàng mua lương thực đó lại tiếp diễn.

Nhưng nếu đó là bi kịch đối với tôi trong những ngày tháng đó, thì tôi cũng mong các bạn hãy hiểu rằng, ở Miền Bắc thời đó, bi kịch ấy vẫn là điều vô cùng may mắn mà hàng triệu thanh thiếu niên Miền Bắc khác mơ ước mà không được. Tôi biết rất rõ, nhiều bạn bè của tôi lúc đó, chỉ biết ăn rau, ăn khoai, trong suốt nhiều tháng, thậm chí cả năm, chỉ trông thấy hạt cơm có một, hai lần, trong dịp tết nhất hay ngày giỗ. Tôi nói là được trông thấy hạt cơm, mà không nói là được ăn cơm, vì quả thực có những người tuy trông thấy hạt cơm, nhưng chẳng bao giờ được ăn cơm.

Sống trong cuộc sống khốn khổ và thiếu thốn, thường những người làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, bao giờ cũng là những người phải chịu đựng thiếu thốn, đói khát nhiều hơn cả. Và cũng trong cuộc sống thiếu thốn, tình nghĩa yêu thương giữa những người ruột thịt được dịp chứng minh, khiến mọi người biết nhường cơm, xẻ áo cho nhau. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, chế độ cộng sản đã cố tình nhào nặn một cách tinh vi, khiến bản năng sinh tồn thú vật trong con người bị đánh thức, được dịp tung hoành, nên con người với con người trở nên tàn nhẫn, độc ác, sẵn sàng tranh giành từng miếng cơm, manh áo, rồi lòng ghen ghét, sự đố kỵ, được dịp bùng cháy, thiêu đốt lương tâm con người cả ban ngày lẫn ban đêm.

Trong thời gian hành quân vô Miền Nam, các đơn vị bộ đội đều được cấp phát đầy đủ gạo, đồ hộp của Tàu, của Nga. Tuy không dư giả, nhưng sung túc gấp trăm lần so với đời sống của dân chúng vào lúc đó. Nhất là tại những vùng thôn quê từ Ninh Bình, Thanh Hóa, trở vô đến Quảng Bình, là những nơi thiếu thốn cùng cực, khổ sở gấp bội so với những thiếu thốn cùng cực ở Miền Bắc quê tôi. Tại những tỉnh ở miền Trung Việt Nam, bất cứ nơi đâu, khi dừng quân, nấu nướng, dùng bữa, chúng tôi đều chứng kiến cảnh hàng trăm trẻ em, hầu hết đều trần truồng, đứng chầu trực để xin các đồ ăn thừa của bộ đội. Tôi không biết các đơn vị bộ đội khác đối xử với những trẻ em xin ăn đó như thế nào, nhưng đơn vị của tôi thời đó đã có nghiêm lệnh, đồ ăn thừa phải đem chôn, tuyệt nhiên không được cho bất cứ ai. Trước mệnh lệnh dã man đó, hầu hết chúng tôi đều không tuân hành. Chúng tôi tìm đủ mọi cách, bí mật chia xẻ những đồ ăn chúng tôi có cho cha mẹ của các em.

Cả Miền Bắc lúc đó sống trong đói khát, thiếu thốn. Qua đường lối tuyên truyền đầy thâm độc của chế độ cộng sản, tất cả mọi người đều đinh ninh nguyên nhân của mọi sự thiếu thốn là do “Mỹ Nguỵ” ở Miền Nam gây nên. Tất cả những thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, đều có ảo tưởng, tin một cách thật thà, Mỹ đã xâm lăng Miền Nam, nhân dân Miền Nam đang sống đọa đầy dưới gót sắt của Mỹ, nên đau khổ, thiếu thốn gấp trăm ngàn lần nhân dân Miền Bắc.

Thêm vào đó, những bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan viên, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Xuân; những truyện ngắn, tiểu thuyết của Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng; rồi phim ảnh tuyên truyền của cộng sản Việt Nam, cộng sản Nga, cộng sản Tàu… đã nhịp nhàng có trước có sau, theo thời gian đầu độc mọi người dân Miền Bắc, khiến cho tầng lớp thanh niên khi lên đường xâm lăng Miền Nam đều tin tưởng, họ đang thực hiện một lý tưởng, theo đuổi một hoài bão, “giải phóng Miền Nam khỏi sự xâm lăng của đế quốc Mỹ”…

May mắn cho tôi, nhờ được gia đình giáo dục, nhờ những món quà được các anh chị ở Miền Nam gửi cho, qua ngả Pháp, và những tấm ảnh chụp cảnh gia đình từ thời Pháp thuộc, đã giúp tôi sớm hiểu được cái chế độ tôi đang sống ở Miền Bắc là chế độ độc tài; và Miền Nam, nơi tôi đang được lệnh xâm lăng, chính là vùng đất của tự do, vùng đất có thân nhân ruột thịt của tôi đang sống hạnh phúc, trong đó có anh Quảng, một thần tượng của tôi khi còn bé, và là một trong những người đầu tiên vượt tuyến vô Nam…

http://viteuu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét