Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÀI CẢM NGHĨ QUA BÀI "CỜ ĐỎ, CỜ VÀNG VÀ HÒA GIẢI" CỦA HUY ĐỨC (*)

Gocomay
25-05-2013

TNM: Một suy nghĩ rất nhân bản:

 "Nên về nguyên tắc lá cờ đó đã đi vào lịch sử. Mặc dù vậy, lá cờ vàng 3 sọc đỏ đã gắn bó với hàng triệu người Việt ở phía Nam Vĩ tuyến 17 trước 30/4/1975. Sau đó lại theo hàng vạn người Việt bất chấp nguy hiểm vượt biên đi tìm tự do ở khắp nơi trên thế giới. Do vậy, nó trở thành biểu tượng của khát vọng về tự do, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người. Thiết nghĩ điều vô cùng thiêng liêng này đã mang lại diện mạo mới của lá cờ vàng ba sọc."

******
Suy cho cùng lá cờ là biểu tượng cho một quốc gia đã đành. Nhưng nó còn gắn với nhiều kỷ niệm mà đã là con người ai chả có.

Biểu đạt về tình yêu quê hương đất nước cũng vậy. Không nhất thiết tất cả mọi người phải hoàn toàn giống nhau. Ở người này là yêu vầng trăng non bên những ngọn cau hay mái hiên ngôi chùa làng. Những ngọn tre, cánh diều, những cánh cò trắng phau trên nền cánh đồng lúa xanh mơn mởn thì con gái cũng là những hình ảnh mà người Việt Nam xa quê nào không yêu, không nhớ?

Tình yêu nước có khi chỉ đơn giản là yêu một giọng hát ru, một tiếng hò ven sông, ven đê trong một buổi trưa hè oi nồng hay buổi chiểu tà bảng lảng có khói lam vấn vít trên những mái rạ trong ngõ nhỏ ven làng.

Ở thị thành, nơi ánh điện và nhà cao lấn át ánh trăng. Tình yêu quê hương có khi chỉ là những tiếng rao đêm, tiếng còi tàu, tiếng chim gù trên bankon hay bên khung cửa sổ…

Hình tượng về quốc gia cũng vậy. Ở nơi này thì bao gồm cả dòng sông và ngọn núi (non sông). Ở nơi khác vùng không có núi, thì là đất và nước (Land/Country) là thành tố cấu thành đất nước. Đất nước còn là nơi mẹ ta sinh ra ta (đất mẹ/quê mẹ). Nhưng có khi chỉ là nơi đất lành chim đậu. Nơi loài chim Đỗ Quyên làm tổ và ra rả thấu tâm can suốt 6 tháng hè 3 tháng đông. Vì thế ta mới gọi là Tổ Quốc!

Tóm lại lòng yêu quê hương đất nước không cứ phải to tát phi thường gì nhiều. Có khi là cái tình mộc mạc đơn sơ hay chỉ là những khái niệm mang tính tượng hình, tượng thanh rất cụ thể. Tổ quốc là nơi mà con người ta từng trải nghiệm, gắn bó. Nơi mọi người sống chung trong một mái nhà. Có khế ước, đồng thuận chung được mọi thành viên chấp nhận.

Chuyện lá cờ của một quốc gia cũng vậy. Ngoài mục tiêu để phân biệt vùng miền rộng hơn là nước. Nước này với nước khác. Nó còn bao hàm cả truyền thống lịch sử và khát vọng (lý tưởng) của các nhóm thành viên sinh sống trong đó nữa. Chính vì vậy chuyện một quốc gia tồn tại nhiều lá cờ. Mang dấu ấn của nhiều nhóm người cùng chung sống cũng là chuyện bình thường. Tuyệt đối hóa lá cờ cùng lý tưởng hay ý thức hệ chưa chắc đã hay. Đôi khi mang đến những hệ lụy khó lường.

Gần hai năm trước đây, khi nhiều cuộc biểu tình tự phát chống Trung Cộng gây hấn trên Biển Đông của Việt Nam nổ ra rầm rộ ở cả trong và ngoài nước. Tôi đã đề cập tới chuyện hai lá cờ (cờ đỏ sao vàng và cờ vàng 3 sọc đỏ) qua bài: Tản mạn vềcờ và lòng người qua các cuộc biểu tình (xem ở đây)

Nay thấy bài viết của Huy Đức tôi lại muốn tìm hiểu thêm xuất xứ và giá trị lịch sử của những lá cờ này.

Về mặt lịch sử. Cả hai lá cờ đều gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

- Về lá cờ đỏ sao vàng:


Theo nhà văn Sơn Tùng, lá cờ này đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Tác giả là ông Nguyễn Hữu Tiến (còn gọi là “ông Hai Bắc Kỳ”). Cờ đỏ sao vàng ra đời vào lúc phong trào kháng chiến chống Thực dân Pháp và Phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh Nam Kỳ.

Cụ thể là khi chuẩn bị khởi nghĩa vào cuối tháng 9/1940, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và tập hợp quần chúng.

Một đảng viên Cộng sản là Nguyễn Hữu Tiến, được giao nhiệm vụ thể hiện và mẫu cờ được ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa gồm Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ… chuẩn y ngay sau đó. Nay tất cả những bậc CS tiền bối đó đã hy sinh hết. Cũng khó xác định thực hư. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, tác giả của cờ đỏ sao vàng là ông Lê Quang Sô và do Tỉnh ủy Đảng CSVN tại Mỹ Tho đề nghị đầu tiên. Mặc dù vậy cả hai giả thuyết trên đều không có nguồn tài liệu chính thống nào chứng minh cả. Chỉ biết nó xuất hiện trong cuộc Khởi Nghiã (bị lộ/ bị đàn áp dã man) ở Nam Kỳ vào cuối 1940.

Một sự trùng hợp khá thú vị là lá cờ đỏ sao vàng của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay lại có hình thức khá giống với hai lá cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến (xem ở đây) và cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc (xem ở đây). Vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu là cờ đỏ sao vàng đương đại của Việt Nam (có xuất xừ từ lá cờ trong Nam Kỳ khởi nghiã – 1940) có trước hay hai lá cờ của Chính quyền tỉnh Phúc Kiến và Đội Thiếu niên Tiền phong của Trung Quốc có trước? 

Nếu cờ đỏ sao vàng của VN hiện nay mà có tuổi thọ kém hơn cờ của người Tàu. Thì dù đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng rất khó thuyết phục được những người Việt còn có lòng tự trọng, tự tôn thực sự! (xem ảnh so sánh)


Quốc kỳ của CHXHCN Việt Nam được QH thông qua ngày 2/7/1976 (Nguồn:http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_k%E1%BB%B3_Vi%E1%BB%87t_Nam)


Cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến đã được sử dụng từ 1933-1934 (Nguồn:http://en.wikipedia.org/wiki/Fujian_People%27s_Government)


Cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc. (Nguồn:http://www.flagcollection.com/itemdetails-print.php?CollectionItem_ID=951)

- Về lá cờ vàng 3 sọc đỏ:

Lá cờ vàng ba sọc đỏ được tạo ra và sử dụng lần đầu tiên như là lá cờ quốc gia dưới triều Nguyễn (Đại Nam Quốc kỳ) từ năm 1890 tới năm 1920 (ở đây). Nhưng theo tác giả Lê Võ Hoài Ân, báo Nhân Dân(trích):


Năm 1890, Thành Thái lên ngôi, lá cờ ba sọc mầu đỏ trên nền vàng mới ra đời, được sử dụng đến năm 1916 – năm hoạt động chống thực dân Pháp của vua Duy Tân thất bại, ông bị Pháp bắt rồi đày ra đảo La Réunion…
(hết trích)

Lá cờ này (cờ vàng 3 sọc đỏ) được vua Bảo Đại sử dụng lại vào năm 1948. Đây là Quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (do Pháp kiểm soát ở cả miền bắc và miền nam Việt Nam) từ năm 1949 đến 1955 và sau đó là Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ý nghiã của lá cờ vàng 3 sọc đỏ được giải thích, là tượng trưng cho người Việt “máu đỏ da vàng“. Màu vàng thuộc hành thổ và ở vị trí trung ương thể hiện cho chủ quyền quốc gia, màu đỏ thuộc hành hỏa và chỉ phương nam, và ba sọc tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam…

Như vậy xét về mặt lịch sử, cả hai lá cờ (cờ đỏ sao vàng và cờ vàng 3 sọc đỏ) đều gắn liền với cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của Thực dân Pháp trên đất nước ta. Có khác chăng cờ đỏ sao vàng tuy ra đời muộn hơn (đúng nửa thế kỷ), lúc ra đời đã bị dìm trong bể máu (cuộc Khởi nghiã Nam Kỳ – 1940). Nhưng là biểu tượng của “Bên thắng cuộc” (30/4/1975). Nên hiện vẫn đang ở thế thượng phong.

Ngược lại cờ vàng 3 sọc đỏ tuy được ra đời sớm từ hai triều vua yêu nước nổi tiếng (Thành Thái và Duy tân) rồi được Quốc trưởng Bảo Đại dùng làm biểu tượng của Quốc gia Việt Nam. Sau đó được các ông Ngô Đình Diệm cho tới Nguyễn Văn Thiệu kế thừa cho VNCH. Nhưng hiện nay chính quyền VNCH đã không còn hiện hữu. Nên về nguyên tắc lá cờ đó đã đi vào lịch sử. Mặc dù vậy, lá cờ vàng 3 sọc đỏ đã gắn bó với hàng triệu người Việt ở phía Nam Vĩ tuyến 17 trước 30/4/1975. Sau đó lại theo hàng vạn người Việt bất chấp nguy hiểm vượt biên đi tìm tự do ở khắp nơi trên thế giới. Do vậy, nó trở thành biểu tượng của khát vọng về tự do, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người. Thiết nghĩ điều vô cùng thiêng liêng này đã mang lại diện mạo mới của lá cờ vàng ba sọc.

Bóng cờ vàng bay trong gió đã khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng và Bà Triệu qua câu diễn ca thân thuộc:

Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha

Được sinh ra và lớn lên ở bắc Vĩ tuyến 17, dù không có kỷ niệm gì với lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Nhưng tôi đã rất cảm động khi nhìn thấy lá đại kỳ này được một thuyền nhân gương cao bên cạnh những lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vào ngày 16.07.2011 ở trước LSQ Trung Quốc ở TP Hamburg-CHLB Đức.

Anh Vũ Thành An – thuyền nhân (cầm cờ vàng 3 sọc đỏ)…

Hôm đó, tôi có hỏi anh Vũ Thành An, người đem lá cờ vàng ba sọc vào cuộc biểu tình, anh chân thành cho biết, đó chính là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với 74 tử sỹ hải quân cuả VNCH đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa vào ngày 19.01.1974. Bên cạnh 64 liệt sỹ thuộc hải quân QĐND Việt Nam ở đảo chìm Gạc Ma Trường Sa ngày 14.03.1988. Tất cả các anh hùng vị quốc vong thân bảo vệ non sông bờ cõi của tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Dù dưới màu cờ nào đều xứng đáng nhận được sự tôn vinh như nhau.

Đây chính là nét son rất đáng suy ngẫm. Bởi như tác giả Huy Đức nhận định:

“Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây xựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.

Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ tương lai một trái bom”.

Huy Đức còn nêu lên một thực tế đáng buồn:

“Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột”.

Thay cho lời kết, xin được chép lại đây ý kiến của một người thuộc phe cờ đỏ sao vàng hiện thị trên ABS với nick name CCB Thành cổ Quảng Trị (25/05/2013 LÚC 11:03) như thế này:

“Tôi từng là người lính miền Bắc bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972, nhưng giờ đây rất dị ứng cờ đỏ sao vàng.

Vì bây giờ lá cờ đó đã bị chóp bu đảng bất nhân, vô ơn, bạc bẽo và phản bội dùng làm lá bùa mị dân, nô dịch cả nước.

Cũng như tinh thần bài viết của Huy Đức, tôi yêu tự do, rất khó chịu khi bị tổ dân phố nhắc phải treo cờ mỗi dịp nhà nước yêu cầu. Treo hay không là do tôi, tại sao lại cưỡng ép? Chính vì thái độ nô dịch ấy mà tôi đâm ghét cờ đỏ sao vàng. Nó là cái nhà tù tư tưởng, bình phong che chắn cho lũ gian tham bán nước đương quyền Ba Đình.

Vì thái độ mất dạy ấy của chóp bu ĐCSVN, tôi bớt dị ứng với cờ vàng 3 sọc. Phải chăng đảng càng cố đè đầu cưỡi cổ nhân dân bằng các thủ đoạn tinh vi, càng phản tác dụng?

Hãy xem cờ đỏ búa liềm của Liên Xô đó. Một thời là niềm kiêu hãnh của đội quân tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Rồi bị ĐCS Liên Xô lợi dụng để nô dịch nhân dân. Bây giờ người Nga mấy ai thích nó? Chính các đảng CS đã làm hoen ố màu cờ, khi họ càng ngày càng thủ cựu, vị kỷ, tham nhũng, độc đoán, nhẫn tâm và ngu độn.”

Dù chưa tán thành với cách diễn đạt bằng những từ ngữ khá gay gắt đó. Nhưng tôi thấy đó chính là một thực tế cay đắng rất đáng để cho những người ở Bên thắng cuộc cần xem lại cách hành xử của mình để thu phục nhân tâm. Nếu họ muốn bắt tay vào một tiến trình hòa giải thực sự!

Gocomay

_____________________

CỜ ĐỎ, CỜ VÀNG VÀ HÒA GIẢI
Huy Đức
24-05-2013

Tháng 8-2001, tôi ghé thăm một phóng viên báo Tuổi Trẻ đang học báo chí ở đại học Fullerton, California. Cô khoe, nhóm sinh viên đến từ Việt Nam vừa đấu tranh thành công để cờ đỏ sao vàng được treo ở trại hè do trường tổ chức.

Cuộc tranh giành màu cờ tại Fullerton trở nên kịch tính trong năm 2004 khi nhóm sinh viên gốc Việt tuyên bố không tham dự lễ ra trường nếu cờ đỏ sao vàng được sử dụng theo yêu cầu của các sinh viên đến từ Việt Nam. Trường Fullerton phải chọn giải pháp không treo cờ của nước nào trong lễ tốt nghiệp.

Phần lớn người Việt đến Mỹ phải lao động, học tập để vươn lên, họ không có nhiều thời gian để "care" (quan tâm) đến chính trị Việt Nam. Tháng 7-1995, khi Hà Nội và Washington thiết lập bang giao, cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên trên đất Mỹ. Thật dễ hiểu khi những người Việt vượt biển trên những chiếc thuyền con, những người Việt đã nằm 15 năm, 17 năm trong các trại cải tạo, từ chối đứng dưới cờ đỏ sao vàng.

Nhưng phản ứng chỉ bắt đầu quyết liệt vào năm năm 1999, khi một người đàn ông sống tại Little Sai Gon, tên là Trần Văn Trường, cho treo trước cửa tiệm ảnh Hồ Chí Minh cùng cờ đỏ sao vàng. Cộng đồng người Việt đã biểu tình liên tục trong suốt 53 ngày để phản đối. Từ California,"chiến dịch Cờ Vàng” bắt đầu, dẫn đến việc 14 tiểu bang, gần 100 thành phố công nhận cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu tượng của cộng đồng gốc Việt.

Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở Mỹ.

Từ giữa thập niên 1990, nhiều nhà lãnh đạo của Hà Nội phản ứng gay gắt khi trong các chuyến công du thấy "quần chúng đón rước" không dùng cờ đỏ sao vàng mà chỉ dùng cờ vàng ba sọc đỏ. Không phải quan chức Việt Nam nào cũng hiểu chính quyền sở tại không (dại gì) đứng sau những nhóm quần chúng tự phát đó. Cho tới năm 2004, các nhà ngoại giao Việt Nam ở Mỹ vẫn mất rất nhiều công sức để ngăn chặn chính quyền các tiểu bang công nhận cờ vàng.

Việc chính quyền tiểu bang công nhận cờ vàng chỉ là một động thái đối nội. Nhà nước Việt Nam Cộng hòa rõ ràng không còn tồn tại, chính quyền Mỹ bang giao với nhà nước CHXHCN Việt Nam và công nhận cờ đỏ sao vàng. Nhưng, chính quyền Mỹ không thể ngăn cản cộng đồng người Mỹ gốc Việt chọn cho mình biểu tượng.

Một quan chức Việt Nam và thậm chí một thường dân đang cầm hộ chiếu nước CHXHCN Việt Nam, trong một nghi lễ chính thức, có quyền chỉ đứng dưới cờ đỏ sao vàng. Nhưng, một quan chức đi làm "kiều vận" mà không dám bước vào một ngôi nhà có treo cờ vàng thì sẽ không thể nào bước vào cộng đồng người Việt. Tất nhiên, bất cứ thành công nào cũng cần nỗ lực từ nhiều phía.

Năm 2006, tôi gặp lại cô bạn phóng viên Tuổi Trẻ từng học ở Fullerton. Nhà cô vào giờ đó thay vì treo cờ đỏ sao vàng, góc nào cũng tràn ngập cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi chưa kịp tìm hiểu đó là sự lựa chọn mới của cô hay đó là cách để có thể hòa nhập vào "cộng đồng".

Năm 2008, "cộng đồng người Việt Cali" đã biểu tình kéo dài khi người phụ trách tòa soạn tờ Người Việt, Vũ Quý Hạo Nhiên, cho in tấm hình chụp một cái bồn ngâm chân có in biểu tượng cờ vàng. Hạo Nhiên, thêm sự cố 2012, đã phải ra đi và biết chắc khó lòng quay trở lại. Biểu tình năm 1999, cho dù là "ôn hòa", cũng đã khiến cho Trần Văn Trường phải chạy về Việt Nam.

Cờ đỏ sao vàng khó có thể xuất hiện ở Californiacho dù ở đó có xuất hiện một cộng đồng người Việt đến từ miền Bắc.

Nếu như nhiều người dân miền Nam trước đây tin cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do thì đối với phần lớn người dân miền Bắc và thế hệ trẻ hiện nay ở miền Nam, cờ đỏ sao vàng không hẳn là biểu tượng của chế độ mà là biểu tượng quốc gia. Nhiều người đã đứng dưới lá cờ ấy để đấu tranh cho điều mà họ tin là độc lập, tự do; nhiều người đã theo lá cờ ấy mà không phải là cộngsản.

Nhiều người dân trong nước vẫn dùng cờ đỏ khi bày tỏ lòng yêu nước.

Tất nhiên cũng cần phân biệt hành động của một số kẻ cực đoan (chống lại cờ đỏ sao vàng) với hành vi của những quan chức chính quyền. Ngăn cản những du học sinh đến từ Việt Nam sử dụng cờ đỏ sao vàng cũng là một việc làm phi dân chủ. Những người hiểu được các giá trị của tự do không thể ngăn cản người khác đứng dưới một lá cờ mà mình không thích.

Nhiều người Mỹ vẫn treo cờ miền Nam cho tới ngày nay cho dù nội chiến Bắc - Nam đã kết thúc từ năm 1865. Thật khó để nghĩ tới tình huống người dân miền Nam Việt Nam được phép treo cờ vàng sau ngày 30-4-1975. Cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm không chỉ thống nhất non sông mà còn để áp đặt ý thức hệ cộng sản lên người dân Việt. Một thời, phải "yêu chủnghĩa xã hội" mới được Đảng công nhận là yêu nước. Ngay lá cờ nửa đỏ nửa xanh của "mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam" một tổ chức do Đảng cộng sản lập ra cũng đã biến mất chỉ sau mấy tháng.

Nhiều người Việt Nam nghĩ, làm biến mất lá cờ vàng ba sọc đỏ là khôn ngoan. Nhiều người cho rằng lá cờ đó thuộc về một chính thể không còn tồn tại và là biểu tượng của một sự thất bại. Nhiều người được dạy, lá cờ đó gắn liền với những xấu xa như là "Việt gian, bán nước".

Cuối năm 2012, sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha bị bắt khi rải truyền đơn ở Long An có kèm theo biểu tượng cờ vàng.

Chúng ta không có đủ thông tin để khẳng định Phương Uyên và Nguyên Kha chủ động chọn lá cờ này hay được hướng dẫn "bởi các thế lực bên ngoài". Cho dù lá cờ ấy đến từ bên nào cũng cho thấy cờ vàng đã không biến mất như nhiều người mong muốn. Cho dù không ai biết được lá cờ nào sẽ được chọn trong tương lai, sự trở lại của cờ vàng buộc chúng ta phải thừa nhận, trong nội bộ người Việt với nhau còn bao gồm cả người Việt Nam quốc gia và người Việt Nam cộng sản.

Và, trong không gian nước Việt cũng không chỉ có người Việt.

Chín mươi triệu người dân Việt Nam rõ ràng không phải là "con một cha, nhà một nóc". Khi "mở cõi" xuống phía Nam, các bậc tiền bối đã từng mang cuốc nhưng cũng đã từng mang gươm.

Người dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên và những bộ tộc Chăm chưa hẳn không còn nghĩ tới đế chế Champa. Những chính khách đối lập ở Campuchia vẫn thường khai thác chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi nhắc Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây một thời là đất đai của họ...

Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây dựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.

Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ tương lai một trái bom.

Nam Tư thời Tito được coi là thịnh trị, các cuộc nổi dậy đều bị dập tắt. Nhưng, ngay những ngày đầu thời hậu Tito, nước Nam Tư bắt đầu rơi vào một thập niên xung đột. Các sắc tộc chém giết lẫn nhau, cơ cấu liên bang sụp đổ. Không chỉ có Nam Tư, Indonesia hồi thập niên 1990 và Myanmar hiện nay cũng đang diễn ra những điều tương tự.

Đừng sợ những người Khmer ở miền Tây sẽ đòi mang đất về Campuchia trừ khi về phát triển và tự do, dân chủ, Việt Nam kém quá nhiều so với Campuchia. Không có người dân Arizona nào không biết đất ấy từng thuộc về Mexico nhưng không ai đòi đưa Arizona trả về cho "đất mẹ". Ranh giới quốc gia càng ngày càng trở nên mong manh. Ở đâu có cơm no áo ấm hơn, ở đâu có tự do hơn, thì người dân sẽ chọn.

Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột.

Tiến trình tự do cũng phải mất thời gian để thuyết phục không chỉ với những người đang cầm quyền mà cả những người dân bình thường và những thành viên trên facebook này. Trong ngày 30-4, có thể nhiều người không muốn treo cờ đỏ sao vàng (khi bị tổ dân phố yêu cầu) nhưng chính họ, chưa chắc đã hài lòng khi nhà hàng xóm treo cờ vàng ba sọc đỏ. Vấn đề là chính quyền phải làm sao để mọi phản ứng đều phải ở dưới hình thức ôn hòa.

Câu chuyện đốt cờ Mỹ sau đây có thể giúp ta có thêm thời gian suy nghĩ.

Nhiều thập niên sau nội chiến (1861-1865) nhiềungười Mỹ lo ngại giá trị quốc kỳ bị giảm khi nó được các thương gia dùng để vẽ logo và đặc biệt khi nhiều người da trắng ở miền Nam thích treo cờ miền Nam (Confederate flag) hơn. Để phản ứng lại điều này, 48 tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm mạo phạm quốc kỳ, các hành động như xé, đốt, dùng cờ để quảng cáo... đều bị cấm.

Năm1905, Halter đã bị tòa tiểu bang buộc tội "khi kỳ" khi bán những chai bia có in cờ Mỹ. Năm 1907, Halter tiếp tục thua kiện ở Tối cao pháp viện.

Cho tới năm 1968, Quốc hội Mỹ vẫn thông qua luật cấm "đụng chạm" tới quốc kỳ sau khi một nhóm người Mỹ chống chiến tranh Việt Nam đốt cờ ở Central Park. Nhưng một năm sau đó, khi nghe tin cảnh sát bắn James Meredith, một nhà hoạt động dân quyền, Sydney Street đã đốt một lá cờ Mỹ ở một ngã tư của New York. Ông bị bắt và bị buộc tội "khi kỳ".

Sydney Street kháng án vì cho rằng: "Nếu cảnh sát làm điều đó với Maredith chúng ta không cần lá cờ Mỹ". Tối cao pháp viện đã bác án của tòa New York vì, Hiến pháp bảo vệ quyền bày tỏ chính kiến khác nhau, bao gồm cả quyền thách thức hay khinh thường quốc kỳ.

Cuộc đấu tranh đã không dừng lại.

Năm 1972, một học sinh ở Massachusetts, Goquen, bị bắt, bị xử 6 tháng tù khi may một cờ Mỹ ở đít quần. Nội vụ được chuyển lên Tối cao pháp viện. Tối cao pháp viện tuyên bố luật tiểu bang (dùng để xử Goquen) là vi hiến. Các vị thẩm phán Tối cao cho rằng, trong một quốc gia đa văn hóa, có những hành động mà người này cho là "khinh " thì người kia lại cho là trân trọng, cho nên, chính phủ không có quyền bảo người dân phải bày tỏ thái độ, ý kiến theo cách nào.

Năm 1984, để phản đối các chính sách của Tổng thống Reagan, Lee Johnson đã nhúng dầu và đốt một lá cờ trước cửa cung đại hội của đảng Cộng hòa. Ông bị bắt, bị xử tù 1 năm và phải nộp phạt 2000 dollars. Tòa tối cao tiểu bang Texas bảo vệ Johnson và cho rằng tòa án cấp dưới sai khi coi hành vi "gây xáo trộn xã hội" của Johnson là "tội". Theo Tòa tối cao Texas: Tạo ra sự bất ổn, tạo ra sự xáo trộn, thậm chí tạo ra sự giận dữ của người dân là cần thiết, vì chỉ khi đó chính phủ mới biết rõ nhất chính kiến người dân.

Vụ việc dẫn tới, năm1989, Tối cao pháp viện Mỹ quyết định bãi bỏ các luật cấm đốt cờ ở 48 tiểu bang. Các quan tòa đưa ra phán quyết này giải thích rằng, nếu tự do bày tỏ chính kiến là có thật nó phải bao gồm cả tự do bày tỏ những ý kiến mà người khác không đồng ý, hoặc làm người khác khó chịu. Ngay cả thái độ với quốc kỳ, chính phủ cũng không có quyền bắt người dân chỉ được gửi đi những thông điệp ôn hòa và không làm cho ai khó chịu. Cuộc tranh cãi kéo dài tới nhiều năm sau, Quốc hội Mỹ có thêm 7 lần dự thảo tu chính án để chống lại phán quyết này nhưng đều thất bại.

Việc để cho người dân treo lá cờ cũ của phe bại trận miền Nam, việc để cho người dân quyền được bày tỏ thái độ, kể cả bằng cách đốt cờ, đã không làm cho giá trị quốc kỳ của Hoa Kỳ giảm xuống.

Những điều trên đây rõ ràng chưa thể xảy ra ở Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không nên coi đấy là độc quyền của Mỹ. Người dân Việt Nam cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người dân Việt Nam, dù là Việt hay H'mong, dù là Khmer hay Chăm... cũng xứng đáng được gìn giữ và phát triển sự khác biệt của mình. Người Việt Nam, dù là cộng sản hay quốc gia, cũng xứng đáng có quyền bày tỏ những gì mà mình tin tưởng.

Không thể có tự do trong một chế độc tài toàn trị. Nhưng, tự do cũng không thể có nếu như mỗi người dân không tự nhận ra đó là quyền của mình. Bạn không thể hành động như một người tự do nếu không bắt đầu bằng tự do trong chính tư duy của bạn. 


1 nhận xét:

  1. một anh công nhân như tôi thì nghĩ nước việt nam là một dân tộc việt nam là một là cờ đỏ sao vàng.Ngày nay dân trí đã cao lại được hệ thống thông tin đa chiều hỗ trợ nên ai muốn tô hồng hay bôi đen đều vô tác dụng . Sự thật chỉ có một , lịch sử không thể bóp méo . Thật đáng thương cho những ai muốn áp đặt cái nhìn của mình lên người khác . Gian dối hay lừa bịp không có chỗ đứng nữa đâu cờ ba que chỉ là cờ ba que. nó đã không được công nhận quá lâu rồi và bbaay giờ thì nó là một sự khơi gợi gây mất đoàn kết, chia rẽ, dẫn tới mất ổn định..phải chăng đây là ý đồ của một nhóm người nào đó vẫn nghĩ mình chưa giải ngũ???

    Trả lờiXóa