Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VIỆT-MỸ : TIẾN ĐẾN 20 NĂM BÌNH THƯỜNG HÓA

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, Phía Trước
Ernest Z. Bower&Murray Hiebert, CSIS
25-9-2014


Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm Washington vào đầu tháng Mười này để tham vấn với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry. Các cuộc họp giữa hai bộ trưởng sẽ giúp củng cố thêm mối quan hệ đối tác toàn diện mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã thông báo hồi tháng Bảy năm 2013 tại Nhà Trắng.

Năm tới Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước vốn được ký kết vào năm 1995 sau một cuộc chiến kéo dài hai thập niên và đầy mâu thuẫn. Điều kiện hiện nay rất phù hợp để các lãnh đạo ở cả hai nước có những bước đi cụ thể nhằm bình thường hóa mối quan hệ này. Nhưng việc này sẽ đòi hỏi sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, và các nền tảng vững chắc để tiến tới sự hợp tác này đã được thành lập.

Kể từ khi bình thường hóa, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước và ký thỏa thuận thương mại song phương, Washington hỗ trợ Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization), các lãnh đạo hai nước đã có các chuyến thăm lẫn nhau, và quân đội hai nước đã mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Hoa Kỳ cũng ủng hộ Việt Nam đàm phán thương mại để gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước khác và chính phủ hai nước đã đàm phán một thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân hòa bình, được biết đến với tên gọi Thỏa thuận 123.

Ngày nay, các nhà lập pháp của Hoa Kỳ xem Việt Nam như một đối tác đầy hứa hẹn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong một khu vực đầy năng động và luôn biến đổi, Washington và Hà Nội ngày càng chia sẻ cùng một địa chính trị, an ninh và lợi ích kinh tế. Chính phủ hai nước cùng có một mối quan tâm chung trong việc bảo vệ tự do hàng hải và thương mại trong khu vực Biển Đông, ngăn chặn việc sử dụng vũ lực trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, bảo đảm giải quyết các vụ tranh chấp hàng hải một cách ôn hòa.

Quan hệ thương mại và đầu tư song phương đã nở rộ kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994. Đến năm 2013, thương mại hai chiều đã đạt 25 tỷ USD. Hoa Kỳ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đứng thứ bảy trong số các nước có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hai nước tổ chức các cuộc đối thoại hai lần mỗi năm ở cấp thứ trưởng nhằm tìm cách đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh. Các quan chức hai nước thường xuyên gặp gỡ để thảo luận về vấn đề nhân quyền, một trong những chủ đề gai góc nhất trong mối quan hệ song phương Việt–Mỹ. Washington và Hà Nội cũng đã bắt đầu làm việc để giải quyết các di sản còn sót lại trong thời chiến tranh Việt Nam, bao gồm cả tác động ô nhiễm dioxin qua việc sử dụng chất độc da cam và các loại bom mìn.

Cho đến nay Hà Nội lo ngại về vài trò quan trọng của nước láng giềng Trung Quốc nên vẫn còn toan tính làm thể nào để cải thiện và cải thiện nhanh hay chậm trong mối quan hệ với Washington. Nhưng sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây đã thuyết phục một số lãnh đạo Việt Nam rằng họ cần phải tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ để bảo vệ lợi ích chiến lược của họ. Đồng thời, Việt Nam cũng đặt câu hỏi về tính chất thành thật đối với chính sách trục châu Á mà Hoa Kỳ đã đề ra. Điều này đã khiến Hà Nội không dám tiến quá nhanh vào mối quan hệ với Washington, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quân sự.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang nhiều hứa hẹn mặc dù vẫn còn non trẻ và không phải không có những thách thức ở phía trước. Nhưng bằng cách cùng làm việc với nhau trong hai thập kỷ qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu thiết lập mức độ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, có thể dễ dàng bỏ xa quá khứ và hướng tới tương lai.

Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều có những lợi ích quốc gia mạnh mẽ trong việc đặt mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới và sâu sắc hơn khi họ chuẩn bị chào mừng kỷ niệm thiết lập quan hệ 20 năm. Các lãnh đạo hàng đầu trong cả hai nước cần phải hướng dẫn chính phủ của mình trong việc thực hiện các bước cần thiết nhằm thực hiện các khuyến nghị dưới đây, bao gồm cả các bên liên quan ở cả hai nước và xây dựng sự hỗ trợ trong cơ cấu quản trị của mình.

Hoa Kỳ và Việt Nam nên:

Thực hiện một cam kết để Tổng thống Barack Obama đến thăm Việt Nam vào năm 2015 nhân dịp mừng kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, có lẽ thời điểm thuận lợi nhất là khi ông đi đến Đông Nam Á tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế và An ninh thường niên ở Malaysia và Philippines vào tháng Mười một.

Thảo luận về các bước mà Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện để giảm bớt và cuối cùng là dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Mở rộng phạm vi tham gia của hải quân Việt–Mỹ, bao gồm các cuộc tập trận cứu trợ nhân đạo và thảm họa chung với nhau, nhấn mạnh khả năng tương tác và để các tàu Mỹ cập cảng Việt Nam nhằm mục đích bảo trì và sửa chữa.

Thúc đẩy các cuộc đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ và Bộ Công an Việt Nam về các vấn đề nhân quyền nhằm tìm cách trả tự do cho các tù nhân chính trị. Hà Nội nên cho phép các tổ chức nhân quyền quốc tế đến thằm và làm việc tại Việt Nam nhiều hơn.

Làm việc với các đối tác để hoàn thành và phê chuẩn thỏa thuận thương mại TPP chất lượng cao và làm việc trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để trình bày rõ các bước tiếp theo nhằm tiến đến việc hội nhập kinh tế khu vực thông qua Mậu dịch Tự do châu Á–Thái Bình Dương.

Làm việc để dỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường theo tinh thần của việc cải thiện quan hệ song phương.

Hoàn thành việc dọn dẹp chất độc ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng vào năm 2016 và cam kết thời gian rõ ràng để làm sạch dioxin tại sân bay cũ ở Biên Hòa.

Thiết lập cuộc Đối thoại Chiến lược Việt–Mỹ hàng năm ở cấp độ-1.5 để phát triển các ý tưởng nhằm củng cố mối quan hệ song phương.

Hai nước cần đề ra một thời khóa biểu rõ ràng để đạt được những sáng kiến ​​trên, và việc này có thể đưa vào chương trình làm việc nhân lúc Phó Thủ tướng Minh đến Hoa Kỳ vào tháng Mười. Mục tiêu cuối cùng là những sáng kiến trên được đưa vào thực tiễn vào thời điểm Tổng thống Obama thăm Hà Nội, hy vọng trong năm tới.

(Nhiều trong số các khuyến nghị trong bài bình luận này được viết chi tiết hơn trong bài Kỷ nguyên mới trong mối quan hệ Hoa Kỳ–Việt Nam: Tăng cường quan hệ sau hai thập kỷ sau bình thường hóa (CSIS /Rowman&Littlefield, tháng Sáu2014).
______

Ernest Bower là Cố vấn Cao cấp và Giám đốc Chương trình Sumitro Nghiên cứu Đông Nam Á, và Murray Hiebert là thành viên cao cấp, Phó Giám đốc Chương trình SumitroNghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).


© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét