Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THÁCH THỨC CHIẾN LƯỢC Ở THÁI BÌNH DƯƠNG - PHẦN 1

15-7-2015

Hình bên: Lính hải quân Trung Quốc đứng gác trên boong tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, trên hành trình tới một căn cứ quân sự ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, tháng 11 năm 2013.

Trong những năm qua, nhà phân tích Andrew Krepinevich, Jr.[1], từng tranh luận để bảo vệ một lý thuyết quân sự của nước Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương gọi là “Chiến tranh không – hải”.

Khái niệm này tập trung chủ yếu vào thực hiện tấn công phủ đầu áp đảo trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột với nhiều khả năng leo thang. Có lẽ vì thấy được cách tiếp cận trên đòi hỏi chi phí tốn kém và mức rủi ro đến dường nào, Krepinevich hiện giờ cung cấp một thuật ngữ thay thế gọi là “Phòng thủ theo cụm đảo” (Ông đề xuất khái niệm này trong bài viết “Làm cách nào chặn Trung Quốc” công bố vào khoảng tháng ba/ tháng tư 2015). 

Cách tiếp cận này sẽ “chặn đứng khả năng Trung Quốc kiểm soát không phận và hải phận xung quanh chuỗi đảo thứ nhất”[2], thông qua việc triển khai các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh, cùng với lượng khí tài quân sự bao gồm vũ khí chống máy bay, chống tên lửa, chống tàu ngầm. Ông khẳng định tính cấp thiết của những kế hoạch này bao gồm sự chuẩn bị kéo dài trong vùng biển trải rộng từ Nhật Bản đến Philippines, trong hoàn cảnh Bắc Kinh đã cam kết một chiến lược với những biện pháp thúc ép và đe dọa loại trừ quyền lực biển của Hoa Kỳ khỏi khu vực tây Thái Bình Dương vì mục đích tối hậu của Trung Quốc là quyền thống trị trong khu vực.

Ông Krepinevich đã hoàn toàn đúng khi cho rằng một số chiến lược ngăn chặn nhằm chống lại hành động khiêu khích và tấn công của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ quan trọng của đồng minh trong chuỗi đảo đầu tiên có ý nghĩa răn đe để đề phòng tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, ông vẫn chưa làm rõ chiến lược này có liên hệ thế nào đến tình hình an ninh tổng thể của nước Mỹ trong khu vực. Và ông cũng không đề cập tới những vấn đề chiến lược quan trọng đang thách thức chính quyền Washington, đấy là sự xuống sức không thể phủ nhận của cả quân đội và ưu thế kinh tế ở vùng duyên hải châu Á.

Đối với những nhà phân tích như Krepinevich, chắc chắn rằng những cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự thống trị bằng quyền lực cứng và thách thức chủ yếu với những siêu cường hiện đang kiểm soát khu vực như Hoa Kỳ là làm cách nào ngăn chặn diễn biến này. Dạng tư duy một mất một còn như vậy, hiện ngày càng phổ biến ở cả hai phía Thái Bình Dương, đang làm tình hình khu vực ngày càng căng thẳng, cũng như làm suy yếu mọi nỗ lực duy trì hòa bình và thịnh vượng vốn là mục tiêu chung. Cả hai siêu cường sẽ cùng được lợi từ một hướng tiếp cận khác với cách đối đầu trên, thay vì hai phía phải lao vào thế cục phân tranh quyền lực ngày càng gay gắt xung quanh ưu thế của nước Mỹ trong khu vực, họ có thể cùng thỏa thuận để đạt đến một trạng thái cân bằng quyền lực chính thức về dài hạn ở vùng tây Thái Bình Dương dựa vào sự kiềm chế lẫn nhau về quân sự và chính trị, bên cạnh những điều chỉnh để thích nghi, cũng như những ​​chính sách được hoạch định để giảm mức căng thẳng ở những điểm nóng như bán đảo Triều Tiên và Đài Loan.

VIỄN CẢNH XUNG ĐỘT

Hầu như mọi quan chức Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Á tin rằng quyền lực đại dương của người Mỹ đã kiến lập nền tảng cho một giai đoạn 70 năm tương đối hòa bình và thịnh vượng trên hầu khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như ngăn chặn mọi dấu hiệu chạy đua vũ trang, xung đột quân sự và hỗ trợ cho những mục tiêu tập trung phát triển kinh tế trong hòa bình. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc tin rằng trong một thế giới ngày càng phân cực và phụ thuộc lẫn nhau, nền hòa bình và thịnh vượng nên dựa vào trạng thái cân bằng tương đương của quyền lực, cả trên phạm vi toàn cầu hay giữa các cường quốc của khu vực, và các quốc gia này cần phối hợp trong việc đối mặt với những thách thức chung, đối thoại bất cứ khi nào có thể thông qua các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Trong những chừng mực nhất định, tất cả những quan điểm trên đều không vì lợi ích chung. Bản thân chính quyền Washington sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ một trật tự thế giới do nước Mỹ dẫn đầu, với những quan điểm và lập trường của họ luôn được ưu tiên, còn chính quyền Bắc Kinh sẽ được lợi trong một viễn cảnh của sự bình đẳng hơn về quyền lực, với khả năng đưa ra tiếng nói và truy vấn có sức nặng hơn với Hoa Kỳ. Nhưng chính giới lãnh đạo ở mỗi nước cũng thực sự nghĩ rằng vị trí của họ đã phản ánh chính xác bức tranh hiện tại và tương lai của trật tự quyền lực toàn cầu. Người Mỹ thường tin rằng hòa bình và ổn định sẽ được tạo điều kiện phát triển mạnh dưới quyền bá chủ của nước Mỹ, nghĩa là trật tự ấy có thể và cần được gìn giữ, trong khi những người đồng cấp Trung Quốc của họ cho rằng quyền bá chủ như vậy là một hiện trạng bất thường của lịch sử và cần phải được thay thế bằng một sự tái phân bổ quyền lực, và đấy chính là những gì họ đang làm.

Trong phần lớn thời kỳ hậu chiến, những lập trường khác biệt này vẫn có thể cùng tồn tại tương đối dễ dàng, chủ yếu là vì khi ấy Bắc Kinh quá yếu để có thể bảo vệ quan điểm riêng của mình, với nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn trong trật tự do Mỹ bảo trợ. Nhưng thời thế đã thay đổi; Trung Quốc đã đủ lớn mạnh để không phải ngồi chiếu dưới nữa, cũng như khẳng định quan điểm về trật tự quyền lực ở phía tây Thái Bình Dương.

Diễn biến này này thực ra không có gì đáng ngạc nhiên đối với bất cứ ai am hiểu lịch sử Trung Quốc hiện đại, am hiểu về những quá trình chuyển giao quyền lực đất nước này đã trải qua. Động cơ để Bắc Kinh vẫn phải tiếp tục làm việc với Washington, cũng như với cả thế giới phương Tây luôn hiện hữu, đấy không chỉ vì mục đích duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục mà còn để đối mặt với một loạt những biến động lớn ngày càng gia tăng trên toàn cầu và ở phạm vi khu vực, từ các đại dịch, tới những thảm họa do biến đổi khí hậu và mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố. Đồng thời, cũng dễ hiểu rằng bản thân chính quyền Bắc Kinh luôn muốn giảm thiểu mức độ dễ tổn thương trước những mối đe dọa tiềm tàng từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khi vẫn phải tăng cường sức ép tổng thể dọc theo biên giới hàng hải chiến lược quan trọng nhất. Trong khi quyền lực quốc tế và ảnh hưởng ngày càng lớn, lợi ích nước ngoài càng mở rộng, và nhất là những kẻ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc trong nước ngày càng hành động quyết liệt hơn, chính quyền Bắc Kinh sẽ tự khắc ở vào trạng thái ít khả năng chấp nhận vô điều kiện những mối liên hệ và trật tự về quân sự, chính trị, kinh tế mà chính quyền này tin rằng luôn tiềm ẩn bất công và chỉ có lợi cho các nước phương Tây. Và quốc gia này sẽ ngày càng lo ngại viễn cảnh Washington dùng đến áp lực hay thậm chí là vũ lực để cố gắng làm suy yếu hệ thống an ninh hàng hải của Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương, kéo theo đó chặn đứng cả những nguy cơ suy giảm về quyền lực và uy thế chính trị của Hoa Kỳ.

Nhiều quan sát viên Trung Quốc hiện nay tin rằng sự yếu kém trong quá khứ của chính quyền Bắc Kinh và nhu cầu hiện tại phải hợp tác với Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung đã làm cho chính quyền này trở nên quá dễ dãi hoặc bị động trong việc đối phó với những thách thức vi phạm đến cả những lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Trung Quốc, từ việc Mỹ không ngừng viện trợ cho đảo Đài Loan và cả những nước châu Á có liên quan đến tình hình căng thẳng trong khu vực, đến những hoạt động do thám tầm gần của Mỹ và những hành vi thu thập tin tình báo dọc theo bờ biển Trung Quốc. 

Sự phát triển đến mức cực đoan của hình thái chủ nghĩa dân tộc này luôn tạo ra áp lực có thể thay thế chính sách chủ yếu của Trung Quốc vốn theo đuổi mục tiêu “phát triển trong hòa bình” về lâu dài, trong đó tập trung vào việc duy trì quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ và các cường quốc khác, bằng một đường lối quyết liệt hơn nhằm phá hoại của uy quyền của Mỹ ở khu vực châu Á. Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính là một bước tiến rõ rệt theo hướng cực đoan này, nhấn mạnh ở một mức độ chưa từng thấy thái độ kiên quyết của Trung Quốc trong việc quản lý các vấn đề thuộc lãnh thổ và chủ quyền những vùng biển phía đông và phía nam.

Trong khi dõi theo những biến động này, nhiều quan sát viên của Mỹ và các nước khác nhận ra sự khởi đầu của một tham vọng còn lớn hơn, không chỉ nhằm chấm dứt sự hiện diện của quyền uy của nước Mỹ ở châu Á, mà còn để thay thế quốc gia này và trở thành siêu cường hàng đầu trong khu vực, và thậm chí có thể trên toàn cầu. Những khẳng định chắc chắn hơn của Trung Quốc đối với vấn đề tranh chấp lãnh hải, cũng như với hoạt động tình báo, giám sát của Mỹ và Nhật dọc theo lãnh hải của quốc gia này được xem là hàn thử biểu đối với nước Mỹ và quyết tâm của cả liên minh, cũng là bước đầu cho việc kiến tạo những khu vực cấm di chuyển để làm nền tảng cho quá trình thiết lập quyền kiểm soát của Trung Quốc trên khu vực tây Thái Bình Dương. Từ góc nhìn này, hướng hành động thích hợp nhất với chính quyền Washington là dứt khoát cảnh tỉnh để Bắc Kinh từ bỏ tham vọng bằng cách tăng cường ưu thế quân sự của Mỹ tại đây, tăng cường khai thác điểm yếu của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, và khẳng định rõ ai đang làm chủ trong vùng biển sau 12 hải lý của lãnh hải của Trung Quốc.

Vấn đề với viễn cảnh này, vốn đã tiềm tàng trong khái niệm “Phòng thủ theo cụm đảo” do nhà phân tích Krepinevich đề xuất, là nó phán đoán sai động thái của Trung Quốc và do đó không hề giảm nhẹ mà chỉ càng làm trầm trọng thêm những xung đột luôn tiềm ẩn. Tham vọng thực tế của Bắc Kinh để giới hạn hoặc chấm dứt ưu thế quân sự của nước Mỹ dọc theo lãnh hải của họ họ được thúc đẩy bởi trạng thái bất định, bất an và chủ nghĩa cơ hội chứ không phải bởi một tầm nhìn chiến lược lớn về quyền thống trị của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không hề cố gắng tạo lập một khu vực nhất định để áp đặt quyền thống trị, đặc biệt là đối với vấn đề quyền lực cứng; họ đang cố gắng giảm thiểu mức độ dễ tổn thương đáng kể của họ, cũng như gia tăng đòn bẩy chính trị, ngoại giao và kinh tế ở khu vực sân sau. Đây là một mục tiêu ít tham vọng và trong nhiều chừng mực cũng dễ hiểu hơn để tạo lập quyền lực của đại lục. Như vậy, chính quyền Bắc Kinh không nhất thiết phải uy hiếp đến cả những lợi ích sống còn của Mỹ hoặc các đồng minh, chiều hướng đối ngoại như vậy nên được đáp lại bằng một số nỗ lực thỏa hiệp hơn là thái độ sẵn sàng gây hấn.

NHỮNG XU HƯỚNG KHÔNG BỀN VỮNG

Uy thế của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương không thể được biện minh bởi nhu cầu đối kháng với một Trung Quốc đang trỗi dạy và muốn thay thế nó, hay trách nhiệm đảm bảo trật tự khu vực (và cả trên toàn cầu). Không thể có chuyện Bắc Kinh sẽ vĩnh viễn chấp nhận ưu thế của Mỹ và Hoa Kỳ được toàn quyền tự do hành động ở Thái Bình Dương, cũng như thừa nhận khả năng chiến thắng của quân đội Mỹ trong một cuộc xung đột quân sự tiềm năng. Do đó, động thái cố gắng duy trì uy thế quân sự như vậy, thực tế chính là con đường ngắn nhất để dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang thường trực và luôn được đảm bảo, cũng như gia tăng tình trạng phân cực trong khu vực, và giảm sâu hơn nữa khả năng hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh trong việc chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu. Và thậm chí nếu một số nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bị thuyết phục để thừa nhận quyền lực luôn hiện diện của người Mỹ ở khu vực này, họ gần như chắc chắn sẽ phải chịu đựng sự phê phán khốc liệt và liên tục của dư luận trong nước vì dám làm vậy trong khi Trung Quốc vẫn đang trỗi dậy và thường sau đấy phải làm ngược lại để bảo đảm sự tồn vong chính trị của họ.

Trong khi đó, những kế hoạch duy trì ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ càng lúc càng khó thực hiện và tốn kém hơn. Một nghiên cứu mới đây của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế[3] (tôi là đồng tác giả) về môi trường an ninh lâu dài ở châu Á đã kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn là cường quốc quân sự đứng đầu trên phạm vi toàn thế giới trong nhiều năm nữa. Nhưng nghiên cứu này cũng cho thấy chính quyền Washington gần như chắc chắn sẽ đối đầu với những hạn chế kinh tế ngày càng trầm trọng về chi tiêu quốc phòng trong nỗ lực cố gắng dẫn trước một quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh với sự hiện diện của một lực lượng bán quân sự trong vòng khoảng 1.500 hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc (có nghĩa là, một vùng biển bao gồm cả chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai[4]).

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với thách thức tương tự như những gì Hoa Kỳ gặp phải để đạt được quyền thống trị trên biển. Những nghiên cứu của quỹ Carnegie cũng kết luận rằng uy thế quân sự của Mỹ ở châu Á gần như chắc chắn vẫn còn rất mạnh và thậm chí ngay cả khả năng quân sự vẫn đang tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc cũng sẽ không đem lại cho Bắc Kinh khả năng vượt trội rõ ràng. Do đó, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát ở châu Á sẽ thất bại, đều vì Trung Quốc sẽ không bao giờ dễ dàng vượt mặt Hoa Kỳ, và nguy cơ về một viễn cảnh như vậy sẽ càng tạo cảm giác lo sợ nơi những nước xung quanh và đẩy họ vào thế liên minh với Washington.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu được điều này và như vậy sẽ không mạo hiểm vì quyền thống trị nếu như họ có thể đạt được một phần ưu thế quân sự và khả năng kiểm soát như vậy bằng những cách thức ít rủi ro hơn. Họ chỉ có thể chấp nhận đánh cược vì một cuộc phiêu lưu quyền lực như vậy (theo cách đối nghịch với những điệu bộ hòa hoãn để tìm cơ hội trong hình thức của những động thái hạn chế hơn) chỉ khi lời nói và hành động của Washington khiến họ tin rằng ngay cả mức tối thiểu về quyền lực trên biển mà họ muốn đạt được cũng buộc họ phải đánh cược như vậy. Thật không may, việc Hoa Kỳ áp dụng những thuật ngữ quân sự mang nhiều tính đối kháng, điển hình là khái niệm “chiến tranh không – hải”, hay “kiểm soát xa bờ”, hoặc thậm chí là “phòng thủ theo cụm đảo”[5], sẽ càng khiến Trung Quốc phải đáp trả bằng những biện pháp tương ứng và như vậy góp phần dẫn đến một viễn cảnh ngày càng xấu của an ninh hàng hải ở Tây Thái Bình Dương.

Còn tiếp…
________
[1] Andrew F. Krepinevich, Jr. là một nhà phân tích chính sách quốc phòng, hiện giữ chức Chủ tịch Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments) của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

[2] Chuỗi đảo thứ nhất: hệ thống phòng thủ do Mỹ xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, với bốn điểm trọng yếu là Hàn Quốc (đầu chuỗi đảo), Philippines (đuôi chuỗi đảo), Đài Loan (khóa chuỗi đảo), Nhật Bản (trọng tâm).

[3] The Carnegie Endowment for International Peace: Một viện chính sách chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại với những trụ sở ở Washington, Moscow, Beirut, Bắc Kinh và Brussels, thành lập năm 1910 bởi Andrew Carnegie, hoạt động của tổ chức này thường không bị chi phối bởi bất kỳ đảng phái chính trị nào, hoạt động vì nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.

[4] Chuỗi đảo thứ hai: những hòn đảo xa hơn ở phía đông Thái Bình Dương, bao gồm quần đảo Marianas, Carolines và cả lãnh thổ Guam của Mỹ-nơi có căn cứ không quân Andersen

[5] Air – Sea Battle, Offshore Control, Archipelagic Defense.

Phía Trước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét