Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




STTD - TIẾNG CHIM

Tưởng Năng Tiến 
11/3/2022

Đêm Giữa Ban Ngày (chương 40) trong đoạn viết về trại tù Phong Quang, nằm trong một lòng chảo sát biên giới Việt-Trung, có câu này: “Chỉ đêm đến mới nghe văng vẳng tiếng từ quy khắc khoải gọi nhau.”

 “Từ Quy là giống gì vậy cà?” Tôi hỏi tác giả.

“Giời ạ! Cuốc đấy.” Vũ Thư Hiên cười thành tiếng. “Cũng có người gọi là Đỗ Quyên hay con chim quốc.” Ông vừa cười, vừa nhìn tôi với ánh mắt thân thiện và giễu cợt. “Là dân Việt, và tóc đã muối tiêu rồi mà chưa nghe tiếng nó bao giờ à?”

“Dạ, chưa!” Tôi ngượng nghịu đáp.

Mẫu đối thoại thượng dẫn tưởng chừng cứ như mới hôm qua (hay hôm kia gì đó) thôi hà. Ấy thế mà đã hơn hai chục năm rồi. Nay thì tóc tai chả còn chút tiêu nào ráo mà đã thành muối hết trơn hết trọi nhưng tôi vẫn chưa có dịp được nhìn thấy tận mắt, hoặc nghe tận tai tiếng kêu thương – “khắc khoải” – của loài từ quy một lần nào cả.

Buồn!

Nỗi buồn càng thấm thía khi tôi lại vừa biết thêm rằng cái viễn ảnh được tiếp cận với loài chim này (xem ra) mỗi lúc một xa, nếu chưa muốn nói là đã trở thành bất khả. Từ Việt Nam, nhà báo Thái Hạo có bài tường thuật (“Chim Quốc Không Còn Kêu Nữa”) đọc được trên trang Tiếng Dân, vào hôm 15 tháng 2 năm 2022:

Đêm trong núi lạnh, ngồi nói chuyện với anh Hoàng Tuấn Công. Về những cánh rừng đã mất. Anh Công hỏi mình, ở đây giờ còn (chim) cuốc không. Mình nói còn, thi thoảng vẫn thấy chúng lủi nhanh qua những bờ bụi. Có nghe thấy tiếng chúng kêu không? Không.

– Ừ, cuốc giờ không còn kêu nữa.

Bỗng giật mình, đúng rồi, đã bao lâu mình không nghe tiếng cuốc dù vẫn thấy chúng đây đó nơi chân đồi đồng bãi… Chúng lủi đi và sống trong im lặng. Rừng đã hết, con người có mặt khắp nơi cùng súng và bẫy rập. Cuốc phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng, vì tiếng kêu là lời mời gọi tử thần. Đó là một bước “tiến hóa” oan nghiệt…

Chim cuốc còn đó mà tiếng cuốc đã chôn vào u tịch mang mang. Không có cái chết nào đáng sợ hơn thế, không sự hủy diệt nào thảm khốc hơn thế, khi một giống loài phải từ bỏ tiếng gọi đồng loại và tiếng gọi nhân tình của mình trong lau lách mù tăm.

Tình trạng “đáng sợ” và “thảm khốc” này không chỉ xẩy ra với riêng loài từ quy. Dân Việt cũng đang sống trong nín lặng, cũng đang “phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng” chả khác gì chim chóc. Với chế độ hiện hành thì tiếng nói của người dân, kể cả những tiếng kêu cứu hay kêu thương (thảm thiết) đều có thể bị suy diễn là “tuyên truyền chống nhà nước,” và đều phải chịu nhận những hình phạt  nặng nề.

Xin ghi lại đôi ba trường hợp gần nhất:

Ngày 1 tháng 3 năm 2022, báo Thanh Niên đi tin: “Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã tiến hành bắt giam bị can Trần Văn Bang (61 tuổi, trú tại số 860/60X/27 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh) để điều tra về hành vi tàng trữ, soạn thảo, đăng tải và tán phát trên mạng internet các bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.”

Ngày 24/02/2022, VOA cho hay: “Một phiên tòa phúc thẩm ở Ninh Bình vừa y án ông Trần Quốc Khánh 6,5 năm tù và hai năm quản chế vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Gia đình ông Khánh cho VOA biết rằng phiên tòa diễn ra mà không có mặt luật sư bào chữa, dù ông Khánh có yêu cầu luật sư.”

 Ngày 19 tháng 02 năm 2022, báo Dân Trí, chạy tin: “Ông Nguyễn Hoài Nam (SN 1973, ngụ quận 12, TP.HCM, là nhà báo) vừa bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 sau 10 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.   

Trước đó không lâu, hôm 26 tháng 1 năm 2022, BBC ái ngại loan tin là những thành viên của nhóm Báo Sạch cũng bị kết án bởi tội danh tương tự:

 “TAND TP Cần Thơ tuyên giữ nguyên hình phạt 4 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Trương Châu Hữu Danh về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Toà cũng tuyên y án 3 năm tù đối với bị cáo Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng; 2 năm tù đối với Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã về cùng tội danh.”


Tổ Chức Sáng Kiến Pháp Lý Việt Nam (cơ quan chủ quản của Luật Khoa Tạp Chí và The Vietnamese Magazine) đã lên tiếng “phải đối” việc “hình sự hóa các hoạt động của nhóm Báo Sạch” của nhà đương cuộc Hà Nội:

“Một người bị bịt miệng, một tờ báo hay một hãng truyền thông bị đóng cửa một cách tùy tiện là mối đe dọa chung cho toàn bộ xã hội. Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi phản đối các hành vi xâm phạm này và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các thành viên Báo Sạch, đồng thời đình chỉ tất cả các cáo buộc nhắm vào những công dân này.”

VOA cho biết:

Ông Hữu Danh được nhiều người biết đến với loạt bài viết trên Facebook về khối tài sản của Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, Trần Văn Nam, và hàng loạt video cùng các đăng tải trên mạng xã hội về nội dung phản ánh tiêu cựu, phản đối nhiều trạm thu phí BOT ở các tỉnh thành và TPHCM. Tuy nhiên, theo VnExpress, một số hành động của ông bị cho là vi phạm pháp luật. Nhưng công an chưa công bố hành vi cụ thể về việc “vi phạm pháp luật” của nhà báo này. Cơ quan điều tra cáo buộc nhà báo này đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” một điều luật thường được chính quyền dùng để bắt các nhà báo và những người bất đồng chính kiến vì những đăng tải của họ.

Bản tin này cũng ghi nhận ý kiến của nhiều vị thức giả khác:

Bùi Thanh Hiếu: “Nhóm ‘Báo Sạch’ từng viết bài vạch rõ những sai phạm của nhà máy nước sông Đuống mà sau đó truyền thông chính thống đưa tin rằng công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc.”

Lê Nguyễn Hương Trà: “Các thành viên của nhóm bao gồm các nhà báo và trang Báo sạch đã “gây nhiều tiếng vang, nhanh chóng đạt được lượng theo dõi khủng.”

Bùi Sơn: “Không rõ là họ vi phạm cái gì và cụ thể là vì sao họ bị bắt nhưng đây là các cựu nhà báo rất được lòng người đọc vì họ đã dũng cảm viết những bài báo đấu tranh cũng như vạch trần những sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam.”

Sự thực, ông Trần Văn Bang, Trần Quốc Khánh, Nguyễn Hoài Nam và Nhóm Báo Sạch chả “vi phạm cái gì và cụ thể” cả. Họ vào tù chỉ vì tin lời của ông Nguyễn Phú Trọng (“tham nhũng không có vùng cấm”) thôi, theo nhận xét của blogger Gió Bẩc.

Chế độ toàn trị hiện hành ở Việt Nam không chấp nhận chuyện bị “vạch trần” bất cứ tệ trạng nào, và sẵn sàng xử dụng mọi biện pháp thô bạo để “rọ mõm” thiên hạ. Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh L.M Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng, Lê Mỹ Hạnh, Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang … bị hành hung đến độ thương tật chỉ vì tiếng nói bất đồng của họ.

Khi mà chim chóc đã nín bặt giữa một môi trường thiên nhiên đầy rẫy những cạm bẫy, và khi mà con người không còn dám lên tiếng vì sự đe dọa thường trực của một xã hội độc đoán/bất an thì tương lai đất nước sẽ ra sao là điều ai cũng có thể tiên đoán được.

◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét