Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




“VÒNG TRÒN NHỎ” TRONG “VÒNG TRÒN LỚN” – Phần I

GS Tương Lai - Trí Nhân Media
Trí Nhân Media: Giáo sư Tương Lai là môt nhà họat động chính trị - xã hội nổi tiếng. Ông có nhiều bài viết đánh giá về hiện tình đất nước được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao.

Ngày 29/3/2012Giáo sư Tương Lại đã có một bài phát biểu tại buổi Hội thảo về Giáo dục và Đào tạo. Trong bối cảnh hội thảo do nhà nước CS tổ chức giáo sư Tương Lai hết sức mềm dẻo để đưa ra quan điểm của mình đồng thời lần lượt hé mở những tư liệu ít phổ biến. Vì vậy bài phát biểu thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả. Trí Nhân Media giới thiệu đến quý bạn đọc bài phát biểu này (được chia làm 2 phần: I & II) như một tư liệu tham khảo đa chiều về giáo dục.  
************************

Phần I :

Đứng trước những bậc đàn anh thâm niên trong ngày giáo dục, tôi rất xấu hổ là mình đã chuyển nghề từ dạy học sang Viện nghiên cứu, cho dù thỉnh thoảng có đến giảng bài theo chuyên đề ở một vài trường Đại học, cho nên hôm nay, tôi không dám phát biểu thẳng vào giáo dục mà phải đi đường vòng.

Đúng hơn, là từ cái "vòng tròn lớn" để nói về cái "vòng tròn nhỏ" nằm trong cái "vòng tròn lớn" đó. Bởi lẽ, sẽ không thể nào hiểu, không thể nào tìm giải pháp chiến lược cho hệ thống giáo dục và đào tạo khi không đặt nó vào trong hệ thống lớn hơn mà giáo dục đào tạo là một bộ phận của cái toàn thể ấy.

Vì thế, tôi phải bắt đầu từ xã hội. Nhưng,“Xã hội - cho dù nó có hình thức gì đi nữa - là cái gì? là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người. Liệu con người có được tự do trong việc lựa chọn hình thức xã hội này hay hình thức xã hội khác hay không, C.Mác đặt ra câu hỏi để rồi trả lời: Tuyệt đối là không” [C.Mác& PhAngghen Toàn tập, Tập 27, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 657].  Lọt lòng mẹ, con người đã có sẵn một xã hội mà nó không có quyền chọn lựa, cũng giống như đứa trẻ không chọn lựa được nơi nó sinh ra, không thể lựa chọn cha mẹ. Bức tường xã hội đã có trước khi chúng ta sinh ra, chúng ta bị giam hãm trong những bức tường đó bởi chính sự hợp tác tự nguyện hay không tự nguyện của chúng ta, cũng có nghĩa là chúng ta cũng góp phần củng cố những bức tường đó hay đập phá nó đi. “Chúng ta bị giam cầm bởi chính sự hợp tác của chúng ta” [Berger]

Sự tác động qua lại trong mối quan hệ giữa người và người đã xây đắp nên những bức tường xã hội ấy hay làm rạn nứt, sụp đổ cũng những bức tường đó. Bức tường theo ý nghĩa trừu tượng. Nhưng cũng có những bức tường theo nghĩa đen trần trụi của nó: “Bức tường Berlin” chẳng hạn. Đây là “bức tường ý thức hệ”! Muốn hiểu về sự xuống cấp và quá lạc hậu của hệ thống giáo dục đào tạo phải đi sâu vào vấn đề "ý thức hệ" này. Đấy chính là "vấn đề của vấn đề", nhưng cũng là mấp mé với khả năng quy kết là "phản cách mạng, chống Đảng" đây, nhẹ hơn là mất quan điểm lập trường, và thời thượng là có biểu hiện "diễn biến hóa bình". Nhưng đây là Hội nghị khoa học, mà khoa học thì phải để cho giới khoa học được "mở miệng ra". Cho nên tôi xin được "mở miệng" trước anh Vũ Ngọc Hoàng.

Căn bệnh của não trạng và hành vi lấy một lý luận chính trị, xã hội làm chân lý tuyệt đối và duy nhất, loại trừ và thủ tiêu mọi lý luận, mọi tư tưởng chính trị khác đã là một căn bệnh lâu đời của loài người. Từ khoảng đầu thế kỷ XX căn bệnh ấy được gọi là căn bệnh tôn sùng “ý thức hệ”, sống và đấu tranh với nhau vì “ý thức hệ”. Cái tên gọi ấy có xuất xứ từ Tây Âu. Căn bệnh ấy phân chia cả loài người và từng dân tộc, từng quốc gia, cho đến từng gia đình thành phe ý thức hệ này đối lập sống chết vơí phe “ý thức hệ” khác.

Tình hình này rõ nhất là sau Cách mạng tháng Mười 1917 và nhất là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong chiến tranh lạnh. Bệnh ý thức hệ ấy ở Mỹ, Âu không kém gì ở Liên Xô và Trung Quốc thời ấy. “Chủ nghĩa Mắc Cácty” ở Mỹ, một quái thai ghê tởm, là một ví dụ. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, bệnh “ý thức hệ” vẫn còn rất nặng ở quy mô cả loài người, từng quốc gia, thậm chí từng gia đình chứ không hết và chưa chắc đã nhẹ bớt đi. Ví như cuộc đấu tranh giữa ý thức hệ “tân tự do” với “ý thức hệ”, đúng hơn, với những lợi ích dân tộc và cá nhân, chống lại ý thúc hệ “tân tự do” là rất sâu và không kém phần đối nghịch.

Nêu lên điều này để nói rằng, không phải những người cộng sản khởi xướng ra bệnh “ý thức hệ”, mà là đưa thêm vào trong khái niệm đó những biến thái mới. Ở ta cũng từng có những mong muốn chuyển “ý thức hệ Mác-Lênin thành ý thức hệ của toàn dân! Từ Đại hội VI, với tư duy “Đổi Mới”, chúng ta thấy rõ đó là một sản phẩm duy ý chí, lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. Bởi thế mới có được Cương Lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam được biểu quyết thông qua tại Đại hội VI của Mặt Trận năm 2004 với sự khẳng định: “đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đầt nước vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”.

Xác lập được điều này chính là một bước đột phá quan trọng, đưa nhận thức trở lại đúng với quy luật vận động của cuộc sống, từ đấy mà mở ra một cục diện mới, rất mới. Bởi lẽ, phát triển luôn luôn là tự phát triển trong tiến trình tiến hóa, tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Tiến hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tư nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song cũng hết sức sinh động của cuộc sống. Cuộc sống nói chung và cuộc sống của con người trong xã hội. Mà xã hội lại là một hệ thích nghi cực kỳ phức tạp, trong đó, các thành phần khác nhau, những yếu tố đối lập, tùy theo sức hút của mục tiêu chung đều có lợi cho tất cả, thì không nhất thiết phải đối đầu theo kiểu tư duy “ai thắng ai”, dẫn đến một kết cục phải thanh toán lẫn nhau để giành quyền thắng, chứ không chịu tìm cách thông qua những tương tác có tính hợp trội để có thể tìm được khả năng cùng thắng.

Nhưng đã một thời, “ai thắng ai” là một nguyên lý có ý nghĩa định hướng cho cách tư duy, không chỉ của một nhóm người, mà là tác động đến toàn xã hội. Mọi sinh hoạt trong đời sống chính trị của đất nước đều nằm trong “vùng phủ sóng” của kiểu tư duy “ai thắng ai” trong cuộc đấu tranh giai cấp vốn được xem là động lực của phát triển xã hội. “Ai thắng ai” ngay khi chính quyền đã thuộc về nhân dân, mọi người dân đều được xác lập vị trí làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Vậy thì, “ai” đây là “ai”, ai thắng ai trong một đất nước mà nhân dân đã phải trả cái giá cho quyền làm chủ vừa giành được ấy bằng máu và nước mắt trong hy sinh chiến đấu của nhiều thế hệ Việt Nam.. Vì có chuyện “ai thắng ai” đó, mà phải kiên trì mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, đối lập với kinh tế thị trường; mới có cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế mà ngày nay được xác lập là lực lượng xung kích trong hội nhập và phát triển. Giờ đây thì đã có thể nói rõ sai lầm của chuyện “quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt nhất phải trả” ấy mà Phạm Văn Đồng đã nghiêm khắc chỉ ra trong “Văn hóa và Đổi mới” xuất bản năm 1994.

Cái giá đắt nhất chính là kéo lùi đất nước lại cả một thập kỷ, để vuột mất những cơ hội của hội nhập và phát triển. Thậm chí khi đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, nền kinh tế và các nhà doanh nghiệp của ta vẫn còn phải gánh chịu những bất lợi do vẫn bị xem là “nền kinh tế phi thị trường”, và rồi phải phấn đấu thêm 12 năm nữa, những bất lợi ấy mới được bước đầu xóa bỏ. Chẳng hạn như, khi chưa được xem là nền kinh tế thị trường thực thụ, thì Hiệp định về bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO sẽ chưa cho chúng ta cơ hội để cứu vãn tình thế bất lợi. Thế là sẽ còn “mất công mười mấy năm thừa ở đây”! Nhưng dù sao thì cũng chỉ là 12 năm chứ không đến nỗi “đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi”!

Quả là, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, nếu không dứt bỏ kiểu tư duy “ai thắng ai” đó, thì không thể nào chân thành đoàn kết và xác định rõ “đồng thuận” chính là động lực của phát triển. Nhưng xem ra không phải là cái di lụy của “ai thắng ai” không còn gây ảnh hưởng chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác khiến cho công cuộc đổi mới không tránh khỏi những trắc trở gập ghềnh, đã có lúc “bước đi một bước, giây giây lại dừng”. Đúng là cất bỏ gánh nặng tư tưởng của một thời quả là không đơn giản.

Không đơn giản, song nếu không sòng phẳng về mặt lý luận để có sự tường minh trong nhận thức thực tiễn, trong việc hoạch định các giải pháp phù hợp với một thời kỳ mới mà vận nước đang thôi thúc mỗi một người Việt Nam muốn góp phần mình vào sự nghiệp chấn hưng đất nước. Nếu không sòng phẳng về lý luận, khẳng định rõ đồng thuận là động lực, đại đoàn kết là động lực chứ không phải đấu tranh giai cấp là động lực như trước đây, thì không thể thúc đây sự nghiệp Đổi Mới một cách triệt để và toàn diện được. Mà trong thực tế, lực cản của Đổi Mới  là quá lớn. Không thể tiếp tục Đổi Mới, nếu không chỉ rõ cội nguồn của lực cản ấy.

Xin hãy dừng lại ở một ví dụ sau đây:

Đã từng một thời có những câu thơ bốc lửa giục giã con người đi làm cách mạng “Đi đi em can đảm bước chân lên / Ừ đói khổ phải đâu là tội lỗi!”. Đúng vậy, và rồi “Nuôi đi em cho đến lớn, đến già ? Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu / Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu” thì giờ đây ngẫm lại có cái gì không ổn! Mà không ổn từ chính logic của hệ tư tưởng:

Xin giải thích bằng một câu chuyện trong “Thế giới phẳng”, một cuốn sách bán chạy nhất của người đã đoạt giải thưởng Pulizer, và theo nhận xét của J. E. Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế: “Đặc điểm của một cuốn sách hay là nó khiến bạn nhìn nhận mọi thứ theo một nhãn quan mới, và xét theo tiêu chí này thì Friedman đã thật sự thành công”. Chuyện rằng: “ Một người bạn Hồi giáo vùng Nam Á của tôi đã có lần kể cho tôi nghe câu chuyện như sau: Gia đình Hồi giáo Ấn Độ của anh ta bị chia ly vào năm 1948, một nửa sang Pakistan và một nửa ở lại Mumbai. Khi lớn lên, anh ta hỏi cha mình tại sao một nửa gia đình ở Ấn Độ lại có vẻ làm ăn tốt hơn nửa gia đình ở Pakistan. Cha anh nói: “Con ạ, khi một người Hồi giáo lớn lên ở Ấn Độ và trông thấy một người sống trong một tòa biệt thự lớn trên quả đồi, anh ta sẽ nói “Bố ơi, rồi sẽ có ngày con sẽ như ông ta”. Còn khi một người Hồi giáo lớn lên ở Pakistan và thấy một người sống trong một biệt thự lớn trên quả đồi, anh ta sẽ nói “Bố ơi, rồi có ngày con sẽ giết ông ta.” …Khi bạn không tìm được lối ra, bạn thường tập trung vào sự phẫn nộ và gắm nhắm ký ức của mình”. Kể câu chuyện này, Thomas L. Friedman nhằm minh họa cho luận điểm “cho con người một môi trường mà trong đó mọi lời than phiền hay ý tưởng đều có thể được đăng tải trên báo chí, cho họ một môi trường mà trong đó mỗi người đều có thể ứng cử vào một chức vụ- và thử đoán xem điều gì sẽ đến? Họ thường không muốn làm nổ tung thế giới này. Họ muốn trở thành một phần của thế giới”.[tr. 798]

Sự bất an trong tâm hồn khiến người ta dễ dàng manh động theo bản năng. Phúc âm viết: “Kẻ nào rút gươm ra, kẻ ấy đã mở lối điạ ngục”. Nhưng trước khi rút gươm, tâm thức của anh ta đã chứa đầy hờn căm và những nghĩ suy hiểm ác. Nhìn nhận một sự kiện văn hoá, đạo đức, có thể thấy những nguyên nhân trực tiếp, song thực ra, phải nhìn lùi vào bề dày của những hệ luỵ do nhiều nguyên nhân đã gây ra. Bề dày đó có khi phải tính bằng độ dài của sự ra đời và trưởng thành của mấy thế hệ.

Cho nên, văn hoá phải đi trước một bước thì mới tạo ra được nền tảng tinh thần của xã hội, và đánh giá một hiện tuợng phản văn hoá lại phải lùi lại phía sau nhiều bước thì mới thấu tỏ được nguyên nhân. Có vậy mới đưa ra được giải pháp đúng. Tạo ra một hoàn cảnh “có tính người”, tức là tạo ra một môi trường xã hội trong đó “người với người là bạn”, “thương người như thể thương thân” chính là sứ mệnh cao cả của văn hóa.

Đương nhiên, một môi trường như vậy không tự trên trời rơi xuống, chúng ta tiến hành cuộc cách mạng chính là để hướng tới một môi trường như vậy. Nhưng nếu nung nấu trong “lồng xương, ống máu” một “mầm hận” cho “đến lớn, đến già” thì rồi cái gì sẽ đến khi cách mạng đã thành công? Và nếu tính bài thơ ra đời tháng 2 năm 1938, thì chỉ 7 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu bé “len lét, cúi đầu, tay xách gói” chắc đã trở thành một người giữ trọng trách với cái “mầm hận ấy trong lồng xương ống máu” thì khủng khiếp quá cho những việc anh ta sẽ làm!

Thì chẳng phải cái “mầm hận” ấy vẫn còn trong não trạng của không ít người đang giữ những vị thế đòi hỏi một tư tưởng cởi mở để thật sự có thể hòa hợp dân tộc trên một đất nước mà không một gia đình nào là không phải chịu đựng những vết thương chiến tranh. Và chắc là trong đó có không ít người nằm trong số còn “lướng vướng” với việc thúc đẩy sự nghiệp Đổi Mới một cách triệt để với tâm thế “cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra”!

Chúng ta đã có những trải nghiệm đau đớn với “cải cách ruộng đất”. với đấu tranh chống “Nhân văn-Giai phẩm”, với đấu tranh ai thắng ai bằng “cải tạo tư sản” và “công tư hợp doanh” , rồi quá trình “kế hoạch hóa tập trung, bao cấp”, “hợp tác hóa bậc cao” ngăn sông cấm chợ, khước từ kinh tế thị trường …đã đẩy đất nước đến bên bờ vực sụp đổ. Trước và trong Đại hội XI, người ta chiếu bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” thật có ý nghĩa và cũng thật bạo gan. Tôi nghĩ, nếu mỗi đại biểu Đại hội mà xem nghĩ, hiểu kỹ và tự vấn lương tâm của người cộng sản chân chính và đích thực, chắc sẽ đưa được vào Đại hội một luồng gió mới. Nếu soi kỹ vào những sai lầm kéo dài hàng thập kỷ ấy sẽ thấy “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là cái “mầm hận” đã thấm sâu vào trong “lồng xương ống máu” nhằm đẩy tới cuộc đấu tranh giai cấp được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Xin hãy nhớ lại hình ảnh ông Đình, thường vụ Tỉnh ủy, ông Bao, phái viên của TƯ, rồi cao nhất là ông Trung Chính. Riêng tôi, tôi cứ nhớ lại nét mắt chân tình của ông Trung Chính khi ông ấy dặn với theo xe cấp cứu đưa ông Kim đi bệnh viện: “cẩn thận, đưa ngay vào bệnh viện Việt Xô, tôi sẽ gọi điện thoại bảo điều ngay những bác sĩ giỏi nhất chữa trị cho anh ấy”. Liệu ông Trung Chính có hiểu rằng chính ông là nguyên nhân trực tiếp đẩy ông Kim bị bục dạ dày? Ông Kim, người đồng chí trung thành và dũng cảm, người dám chống lại cả một thế lực khủng khiếp đang đẩy nông dân Miền Bắc nói riêng và cả dân tộc vào thảm họa, chính là người được ông Trung Chính “giác ngộ” và kết nạp vào Đảng thời kỳ hoạt động gian khổ trong vòng vây của kẻ thù!

Sự chu đáo, nhân từ nhưng lại cực kỳ cứng rắn trong giữ vững “lập trường quan điểm” của ông TC càng được khắc họa sắc nét bao nhiêu thì càng làm nổi rõ hơn sự khủng khiếp của một cơ chế trói buộc đầu óc con người, làm triệt tiêu mọi sáng tạo và sức chiến đấu của những con người đang giẫy dụa trong sự trói buộc của chiếc mũ kim cô giáo điều và “tả khuynh”. Một trong những di lụy đáng sợ là chính chiếc mũ kim cô ấy trói buộc những đầu óc sáng tạo và những nhân cách trung thực nhưng lại dung dưỡng cho sự tác oái tác quái của đám dòi bọ của cách mạng.

Từ “dòi bọ” tôi nói đấy là dùng lại cách nói của C.Mác: “Có thể Các Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt được những con bọ”. Thật có đúng như vậy, song cũng có những con rồng…” [Phạm Văn Đồng. “Hồ chí Minh. Quá khứ, Hiện tại và Tương lai”NXB Sự Thật. 1991, tr. 98].

Vậy thì, gọi đúng tên cúng cơm của cơ chế trói buộc đầu óc con người, làm triệt tiêu mọi sáng tạo và sức chiến đấu của những con người đang giẫy dụa trong sự trói buộc đó chính là chủ nghĩa giáo điều Maoít phản Mácxít từng xem “đấu tranh với người là niềm vui lớn” đem áp đặt vào một xã hội mà tinh thần dân tộc là “động lực lớn nhất của đất nước” như Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ năm 1924 để khẳng định rằng: “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất ” ấy!

Từ những năm 30, Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng:  “…phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chươc làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng” [Văn kiện Đảng (Từ 10.8.1935 đến 1939) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Hà Nội, 1964, tr.25]. 

Ngay từ Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, Hồ Chí Minh đã khẳng định nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi hỏi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đến năm 1937, Người lại nhắc nhở:”Các đồng chí mắc phải cái bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết những người ấy mà quên hết cả quyền lợi của các tầng lớp, các giai cấp khác, quyền lợi chung của dân tộc cần phải bênh vực. Các đồng chí trong Đảng cần phải hiểu rằng: Đảng ta chẳng những là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho giai cấp vô sản mà thôi, mà cũng là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho toàn thể dân chúng nữa. Đảng phải làm tròn vai trò ấy.”  [Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, NSB Sự Thật, Hà Nội, 1984. tr. 491]

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh một sự thật không thể bác bỏ là: lúc nào lấy dân tộc làm động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng, lúc ấy cách mạng giành được thắng lợi, còn lúc nào nống đấu tranh giai cấp lên làm động lực, lúc ấy cách mạng gặp khó khăn. Đặt vấn đề ý thức hệ giai cấp lên trên quyền lợi của tổ quốc, lấy vấn đề trung thành với ý thức hệ đó làm điểm quy chiếu cho đường lối tổ chức và đánh giá, tuyển chọn cán bộ, đã đẩy tới những hệ lụy khó lường. Đã đến lúc cần phải nghiêm cẩn và thẳng thắn chỉ ra.

Một trong những vấn đề ấy là vấn đề chuyên chính vô sản.

Xin gợi ra đây những ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt đề cập tới vấn đề gay cấn này qua đoạn viết về đồng chí Lê Duẩn: “Trong nhiều lần trao đổi, nhận xét và chỉ đạo những công việc chúng tôi đang tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh, Anh Ba nêu rất nhiều gợi ý hết sức  mạnh dạn và sáng tạo. Qua những ý kiến chỉ đạo của Anh, tôi hiểu Anh đang trăn trở về mô hình phát triển của đất nước mình không thể rập khuôn theo mô hình của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, mô hình Trung Quốc. Cũng như trước đây trong chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng, tôi thấm thía lời căn dặn của Anh: chỉ lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề.

Tôi hiểu, Anh không tán thành mô hình Xô Viết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em trong phe XHCN và suy ngẫm về lý luận, Anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà nước “chuyên chính vô sản” khi mà nhân dân đã giành lại được quyền làm chủ đất nước mình bằng những hy sinh không sao kể xiết, không thể “vô sản” lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân. Tư tưởng về “làm chủ tập thể” mà Anh nung nấu chính là sự cố gắng tìm đường bứt phá ra khỏi những công thức giáo điều không phản ánh được sự vận động và biến đổi của cuộc sống, xa rời ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đáng tiếc là, những lóe sáng trong bộ óc tìm tòi, sáng tạo của Lê Duẩn chưa được giới lý luận suy nghĩ, bàn bạc một cách nghiêm túc để định hình được một hệ thống lý luận hoàn chỉnh từ sự đúc kết thực tiễn thay vì những lời tụng ca xu thời lúc Anh Ba giữ cương vị Tổng Bí thư và những quy kết vô lối đầy ác ý khi Anh Ba qua đời. Giờ đây nhớ lại, Anh Ba đã từng phê phán những tư tưởng hạn hẹp chỉ bó gọn tầm mắt và mối quan hệ trong COMECOM. Đôi lúc trao đổi với chúng tôi, Anh nghĩ đến việc phải học hỏi thêm những thành tựu kinh tế và mở rộng quan hệ với Châu Âu, với Nhật, với Mỹ. Anh Ba cho rằng đó không chỉ  là chuyện chính sách và chiến thuật, mà phải ở tầm đường lối cơ bản. Trong suy nghĩ về đường lối phát triển kinh tế, Anh Ba cũng đã từng nói đến kinh tế hộ, kinh tế hợp tác và kinh tế tư  nhân chứ không phải chỉ nhấn mạnh quốc doanh là ưu việt nhất một cách tràn lan mọi ngành, mọi lúc. Ngay cả vấn đề “khoán hộ” của đồng chí Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, mặc dầu lúc ấy đã có kết luận chính thức,  song Anh Ba vẫn động viên cần tiếp tục tìm tòi cái mới trong quản lý sản xuất nông nghiệp..

 Chính tôi đã nhiều lần nghe Anh Ba phê phán những khuyết tật cơ bản của kế hoạch hóa tập trung quan liêu, và đòi hỏi phải dám mạnh dạn tìm tòi cơ chế mới phù hợp với từng bước phát triển của đất nước mình. Anh Ba đã có lần gợi ý với chúng tôi những vấn đề cần suy nghĩ  về vai trò của giá, của tài chính tiền tệ, những công cụ và đòn bẩy chính của kinh tế thị trường mà ta nói hiện nay. Rõ ràng là, từ rất sớm, bộ óc lớn ấy đã từng lóe sáng những suy tư về đổi mới  như tôi đã nói ở trên.

Chỉ có điều, từ những trăn trở trong suy nghĩ nhằm định hình những vấn đề thuộc về đường lối, đến việc vận dụng vào thực tế, có cả một khoảng cách rất xa. Ở cương vị cao nhất của Đảng, gánh vác những công việc lớn lao của đất nước sau khi Bác Hồ qua đời, đồng chí Lê Duẩn không thể không chịu trách nhiệm về những sai lầm của Đảng, làm chậm sự phát triển của đất nước mà Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra. Cho đến hôm nay, tôi vẫn băn khoăn suy nghĩ về một số vấn đề lớn được Đại hội IV quyết định. Đành rằng trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, thoát ra khỏi những lối mòn đã định hình quá lâu trong đầu óc của những nhà lãnh đạo có trách nhiệm hoạch định đường lối không hề là chuyện đơn giản. Nhưng ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Duẩn phải chịu trách nhiệm những gì và như thế nào. Để làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lớn ấy trong lịch sử Đảng nhằm đúc kết những bài học cho những thế hệ hôm nay và mai sau, không thể là những phát biểu tùy tiện, mà phải là những nghiên cứu nghiêm túc với tinh thần trung thực và khách quan.

Năm tháng đã trôi qua, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động nghĩ đến một hình ảnh đang chiếm giữ trong tim óc tôi một vị trí thật thiêng liêng và gần gũi. Sau Bác Hồ vĩ đại và kính yêu, hình ảnh thân thiết nhất, cảm phục nhất, có sức động viên và nâng tôi lên chính là hình ảnh của đồng chí Lê Duẩn, Anh Ba Duẩn kính mến.”

Thế nhưng sau khi bài này vừa đăng lên thì 2 hôm sau trên báo Sài Gòn Giải phóng của một người từng nắm công tác lý luận đã lên tiếng bác bỏ. Trong lập luận, bài viết ấy vẫn khẳng định nhà nước của ta hiện nay, về thực chất vẫn thực hiện nội dung chuyên chính vô sản! Tôi vẫn giữ lại tờ báo có đăng bài ấy nhưng xin miễn nêu ra ở đây.

(còn tiếp Phần II)

GS Tương Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét