Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




OAN..."THỊ XĂNG" VÀ OAN..."THỊ SƯA" ?

Kỳ Duyên

Một nhà viết kịch thời cổ đại từng thốt lên trong vở bi kịch của mình: Cuộc đời là một sân khấu lớn. Hóa ra, câu nói của người xưa vẫn linh nghiệm với xã hội thời hiện đại. Và nói theo kiểu có… bản sắc, thì cuộc đời đang là một sân khấu chèo, có bi, có hài, có chính, có tà, có phúc, có mạt…

Khác chăng “vai diễn trung tâm” của hai câu chuyện dưới đây lại là những vật thể vô tri vô giác. Vậy nhưng chúng vẫn có ma lực làm cho con người khốn đốn, và làm cho con người “khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Hay chính lòng tham của con người đã tự …sỉ nhục con người?


“Chỉ có mình em là đứng đắn nhất đ…ớ…i”

Chưa bao giờ như hai năm gần đây (2011, 2012), cả xã hội bỗng kinh hoàng và điên đảo vì một hiện tượng đột biến- hơn 320 vụ cháy xe máy, xe ô tô xảy ra, bất ngờ và đầy bí ẩn.

Xe đang bon bon, cháy. Xe đang đỗ, cháy. Đến xe được chuyên chở ngoài đường, hay xe đang ở trong nhà, cũng cháy. Xe cũ kỹ tồi tàn, cháy đã đành, mà xe xịn, mới cứng cựa, cũng cháy… hết mình. Tất cả, thành tro tàn quá khứ.

Điều lạ, hầu hết các xe tự cháy đều thuộc các hãng tên tuổi trên thế giới: Hyundai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Mazda, Toyota, SYM, Honda…

Chả lẽ, quá thất vọng trước tệ nạn kẹt xe tắc đường xem chừng không có giải pháp, mà cả họ nhà xe rủ nhau …tự thiêu phản đối?

Trước bức xúc và lo lắng của người dân, các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Và kết quả điều tra bước đầu đã được đưa ra ánh sáng, được công bố tại cuộc họp báo của liên Bộ: Công an, Khoa học- Công nghệ, Công thương và Giao thông Vận tải, mới đây.

Đến thời điểm này đã xác định rõ nguyên nhân của 209 vụ (chiếm tỉ lệ 64,5%), số vụ chưa rõ nguyên nhân là 115 vụ (chiếm 35,5%).Trong số 209 vụ đã xác định rõ nguyên nhân có khoảng 30% do chập điện, trên 15% do sự cố kỹ thuật, gần 10% do sơ suất, 5% tai nạn giao thông và hơn 4% do đốt xe (NLDO, ngày 26/4/2012).

Hàng loạt xe “rủ nhau” cháy
Đáng chú ý nhất, không có vụ nào do xăng!?

Đại diện của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) thừa nhận: Việc kết luận nguyên nhân của từng vụ cháy xe gặp nhiều khó khăn do yêu cầu giải phóng hiện trường, bảo đảm giao thông, cứu chữa làm xáo trộn hiện trường…, nên tỉ lệ xác định làm rõ nguyên nhân chưa cao. Nhiều khi điều tra nguyên nhân các vụ cháy xe còn khó hơn cả điều tra làm rõ các vụ trọng án.

Kết luận của các cơ quan chức năng khiến cả xã hội…chưng hửng và hoang mang.

Đến các vụ cháy xe, mà cơ quan điều tra thấy khó hơn vụ trọng án, thì dân sợ lắm. Biết trông cậy vào đâu đây?

Lập tức “thị Xăng”, giống như cô ả thị Mầu chửa hoang trong trích đoạn chèo “Thị Mầu lên chùa”, vẫn xưng xưng mình chín chắn nhất nhà - sau bao ngày len lét, sợ sệt, tủi nhục như rắn mùng năm- đã bắt đầu đung đưa đôi mắt chuyên “làm dâu trăm họ”: Chỉ có mình em là đứng đắn nhất đ…ớ…i

Nhưng có ai tin được sự …đoan chính của “thị Xăng” không nhỉ?

Câu trả lời là: Dans cent ans…(Đăng xăng tăng- một trăm năm nữa nhé…)

Đến ngay Bộ trưởng Bộ KH- CN Nguyễn Quân, trong cuộc trả lời trực tuyến Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 5/5/ 2012 cũng cho rằng, việc điều tra nguyên nhân gây cháy ô tô, xe máy nên đặt “tầm ngắm” vào xăng dầu.

Bởi rất có thể chất lượng xăng dầu thời gian trước đó là nguyên nhân gián tiếp gây ra những sự cố này. Nếu xe máy có sử dụng xăng dầu pha quá nhiều phụ gia như acetone, methanol, chúng có thể ăn mòn chi tiết động cơ, làm thủng bình chứa xăng, thủng đường ống dẫn bằng nhựa, làm thoái hoá gioăng đệm của động cơ, dẫn tới rò rỉ xăng ở mức độ nghiêm trọng.

Trong quá trình vận chuyển trên đường, ma sát của các bộ phận cơ khí có thể gây ra tia lửa điện và dẫn đến cháy nổ.

Còn theo người viết, số lượng xe cháy được điều tra chiếm 2/3 số vụ, vẫn còn 1/3 số vụ chưa điều tra, chưa kết luận được. Mà như dân gian nói: Thấy đỏ, đừng tưởng chín cơ mà. Kết luận của các cơ quan chức năng chưa thể là khẳng định duy nhất và cuối cùng.

Trộm đã tài, mà cái kém của các ngành chức năng có nhiệm vụ bảo vệ sưa cũng… ngang ngửa!….”Thị Xăng” đang cười lơi lả. Còn “thị Sưa” thì …đang khóc thầm lặng lẽ?!

Ngay sau đó một ngày, như để “trêu ngươi” Bộ trưởng, không hẹn mà gặp, hai “anh” xe, một ôtô Honda Civic, một xe ba gác máy chở rác cùng tự cháy trên đường tại TP Hồ Chí Minh, và tại Phú Yên.

Và cũng như để trêu ngươi xã hội, trước đó, ngày 1/5/2012, một chiếc xe chở xăng mang biển kiểm soát tỉnh Bắc Giang đã bị báo chí chộp được gần Nghĩa trang liệt sĩ xã Phù Chẩn (Bắc Ninh). Tại đây, lái xe đã gỡ bỏ niêm phong, kẹp chì và dùng can nhỏ múc chất lỏng ra khỏi các bồn chứa trên xe.

Không biết, đó có phải là “thị Xăng” đã …tư thông với lái xe không nhỉ? Và sự tư thông đó, có được coi là…đứng đắn nhất không?

Không biết, lái xe sẽ phù phép thế nào cho đủ số lượng đã xuất kho? Cũng như những chuyến xe ăn cắp xăng trước đây từng được báo chí quay cận cảnh? Đây còn là một ẩn số chưa bao giờ có lời giải thỏa đáng.

Vì thế mà nhân gian vẫn đang hồi hộp theo dõi tích chèo hiện đại: Oan… “thị Xăng”?

Và oan… “thị Sưa”

Chuyện bi hài “thị Xăng’ còn nóng hôi hổi giữa mùa hè oi bức thì mấy ngày gần đây, câu chuyện bi thương của… “thị Sưa” lại nổi lên, khiến con người càng thêm cảm giác ngột ngạt. Cái ngột ngạt của bi phẫn, bởi cái sân khấu- cuộc đời này sao quá nhiều diện mạo… “phản diện”?

Đó là vụ việc, 11 kẻ ‘lâm tặc” đã đốn gọn ba cây sưa ở Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) thuộc khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Không biết, gỗ sưa quý giá đến mức độ nào? Đến giờ, giá trị của nó vẫn còn là ẩn số, cứ hư hư thực thực. Chỉ biết trên thương trường, giá tiền một mét khối gỗ sưa lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nhưng cái quý, cái đẹp đoan chính của “thị Sưa” ở thời buổi kim tiền này, vô tình, chỉ gây ra sự bất an cho xã hội. Bởi cái quý, cái đẹp bây giờ khó lòng được trân trọng và bảo vệ. Nó chỉ là mục tiêu cho sự tước đoạt và chiếm đoạt mà thôi!

Chính cái giá trên trời của “thị Sưa” ấy, khiến lòng tham của bao kẻ đã biến thành sự liều lĩnh, táo tợn bất chấp những quy định pháp luật, những rủi ro sống chết để lao vào rừng tìm kiếm, cướp giật lại từ kẻ khác. Giang hồ gặp giang hồ, tăm tối gặp tăm tối, và tham lam gặp tham lam!

11 kẻ “lâm tặc” cùng ba cây sưa đốn trộm, phi pháp, đã kéo theo hàng mấy trăm kẻ giang hồ, đầu nậu, cửu vạn…, khốn khổ rình rập, chém giết nhau để hy vọng cướp được… “thị Sưa”.

Cây sưa chỉ còn trơ lại gốc
Một câu hỏi đặt ra? Vì sao, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vườn cấm với những quy định ngặt nghèo, có cả bộ máy kiểm lâm, ban bệ…, ăn lương Nhà nước lại là nơi “lâm tặc” dễ dàng xâm phạm, và vi phạm pháp luật đến vậy?

Vì sao, chuyện đốn hạ ba cây sưa xảy ra, dư luận địa phương và xã hội vô cùng bức xúc, mà phải đúng một tháng sau, Tỉnh ủy Quảng Bình mới có cuộc họp… khẩn cấp bàn giải pháp ngăn chặn? Và chính các ngành chức năng của tỉnh đã thừa nhận có “dấu hiệu bất thường” trong việc đốn hạ và vận chuyển ba cây sưa quý ra khỏi vườn?

Dấu hiệu bất thường đó là gì? Phải chăng, như báo Tuổi trẻ ngày 8/5/2012 mới đây phải có bài viết với cái tít lớn: “Xôn xao việc lâm tặc cấu kết kiểm lâm” (để đưa gỗ sưa ra khỏi rừng).

Và mặc dù, theo ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, kiểm lâm đã triển khai các giải pháp ngăn chặn, nhưng rút cục, gỗ sưa ra khỏi vùng rừng Hưng Trí (khu vực đốn trộm) tự lúc nào, còn kiểm lâm vườn thì chỉ tịch thu được đúng… một mẩu gỗ loại đe (gốc cây).

Ôi trời! Nghe thông tin của ông giám đốc, lại nhớ tới dạo Thủ đô Hà Nội mặc “váy giáp sắt” cho “thị Sưa” với hy vọng chống lại được những kẻ điên rồ vì quá thèm muốn nàng. Vậy mà ngay giữa Thủ đô nhé, 20 cây sưa đỏ vẫn bị đốn trộm, ngang nhiên và thách thức tài năng của lực lượng bảo vệ.

Rồi cách đây không lâu, ngay tại TP Ban Mê Thuột (Đắk Lắk), một cây sưa lớn đã bị cưa trộm, chỉ còn mỗi gốc cây trơ khấc, đau đớn, bẽ bàng. Sưa mất ở rừng sâu, hoang vắng, không người qua kẻ lại, còn có thể ngụy biện, chứ ngay giữa thành phố, giữa Thủ đô đông đúc, nhà cửa chật như nêm, mà sưa vẫn bị cưa trộm thì thật tủi hổ.

Trộm đã tài, mà cái kém của các ngành chức năng có nhiệm vụ bảo vệ sưa cũng… ngang ngửa!

Thông tin mới nhất, Đội kiểm lâm cơ động và PCCR số 1 (Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình) phối hợp trạm Kiểm lâm liên ngành Khe Sến đã mật phục và bắt được 5 hộp gỗ sưa, trọng lượng 366kg, trị giá khoảng 10 tỷ đồng, tại xóm Mới thôn Bàu Sen, xã Phúc Trạch.

Nhưng nhiều tin đồn đoán cho rằng, đã có khoảng 1/3 số gỗ của ba cây sưa cổ thụ được các đầu nậu chia nhỏ, vận chuyển trót lọt về TP Đồng Hới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thưởng nóng cho một
 số cá nhân, tập thể kiểm lâm. Ảnh: Tuổi trẻ
 
Hài hước nhất, ngay sau đó, ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đi thực tế, lập tức thưởng nóng cho một số cá nhân, tập thể kiểm lâm. Ông cán bộ phụ trách kiểm lâm thì sung sướng, trả lời báo chí như…mê sảng!

Dư luận xã hội ngỡ ngàng. Cây sưa “đang sống, chuyển sang…từ trần”, thì lẽ ra, kiểm lâm phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Vì sao ở đây, lại thưởng nóng, khiến người dân muốn… nóng mặt!

Khái niệm thưởng phạt, chả lẽ lại bị đánh tráo? Như các thang bậc giá trị trắng đen cũng đang bị đánh tráo, đầy rẫy ở đời này?

Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định được chính danh của 11 kẻ trộm sưa, đang chuẩn bị hồ sơ để phục vụ cho công tác khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Không biết, sẽ lộ ra bao nhiêu cảnh bi hài trong trích đoạn “thị Sưa trong rừng” đây?

Rừng quốc gia thì vẫn có tên. Nhưng những tổn thương, mất mát, khổ đau của rừng, ai biết, ai hay? Hay chỉ lâm tặc và kiểm lâm… biết rõ nhất?

Chợt nhớ đến Tào Mạt, soạn giả trứ danh của vở chèo nổi tiếng Bài ca giữ nước. Ông khiến người viết bài luôn nghĩ rằng, mỗi thớ thịt, mạch máu của ông đều được cấu tạo bằng những làn điệu chèo tuyệt diệu.

Đã lâu rồi, Bài ca giữ nước không còn vang lên trên sân khấu chèo đặc sắc và quyến rũ. Hay nó cũng bi thương như thân phận Hề Hoạn?

Còn Bài ca giữ rừng. Ai sẽ là người viết đây?

Hay là các bác kiểm lâm nhỉ?

“Thị Xăng” đang cười lơi lả. Còn “thị Sưa” thì …đang khóc thầm lặng lẽ?!

Kỳ Duyên
http://hieuminh.org/2012/05/12/oan-thi-
xang-va-oan-thi-sua/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét