Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT - TỘI ÁC DIỆT CHỦNG CỦA ĐCSVN

Trí Nhân Media

Cải Cách Ruộng Đất và biết bao lỗi lầm khác do Đảng CSVN gây ra đã để lại những nhức nhối đau thương khủng khiếp cho cả một dân tộc. Thế mà vẫn còn những kẻ đến ngày nay, vẫn mù quáng tin tưởng vào sự sáng suốt chỉ đạo của Đảng, vẫn cố biện minh và tiếp sức cho tội ác diệt chủng đang tiếp tục tái diễn ngày càng trầm trọng trên toàn cõi đất nước Việt Nam. 

Còn Cộng sản là còn những oan nghiệt, là còn máu và nước mắt tiếp tục chồng chéo lên cuộc đời người dân từ thế hệ này kéo đến thế hệ sau.

Thân phụ tác giả Ngô Minh là một trong những nạn nhân của CCRĐ, với 12 phát súng khô khan lạnh lùng, tàn nhẫn chúng đã cướp đi sự sống của ông - không tuyên án, không luật sư, không gia đình trong phút giây xử án ác độc. 56 năm trôi qua, 12 phát súng kia vẫn in hằn trong trí nhớ, trong nỗi đau khôn cùng. 

Trí Nhân Media giới thiệu bài viết "Bố Ngô Minh 57 Năm Nay Hồn Không Nhập Xác" của tác giả Ngô Minh cùng các phản hồi của độc giả từ trang blog NgoMinh như một chia xẻ đến gia đình anh Ngô Minh nói riêng và tất cả thân nhân của các nạn nhân CCRĐ nói chung.  

========

BỐ NGÔ MINH 57 NĂM NAY HỒN KHÔNG NHẬP XÁC

Ngô Minh
16-8-2012
                                                            
Bạn đọc kinh mến. 
Mấy ngày nay, Ngô Minh phải ra làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy Trung, Quảng Bình để dự lễ cầu hồn ba mình về nhập xác. Cuộc lễ do một ông thầy tên là Thanh ở Gio Thái, Gio Linh, Quảng Trị thực hiện suốt bốn tiếng đồng hồ đêm 27 tháng 6 âm lịch.

alt

alt
Ảnh thầy Thanh cúng ban đêm

Ba Ngô Minh tên là Ngô Văn Thắng, sinh năm 1903, là một ngư dân có chữ ở làng. Trong CCRĐ, ông bị quy oan là địa chủ (chỉ do  trong nhà có 2 chiếc thuyền, cùng với 20 bạn nghề đánh cá hàng ngày để kiếm sống). Đội CCRĐ bắt ông cùm 5 tháng, đánh đập, tra tấn, đấu tố triền miên. Cuối cùng , ngày 6 tháng 3 âm lịch năm Bính Thân (1956), chúng đưa ông ra xử bắn một cách tàn bạo. 

Chúng trói ông vào một cột dương trên cát , rồi  cử 12 du kích cầm súng CKC, đứng cách ông chỉ mấy mét,  nổ súng vào ông, không một lời tuyên án, cáo trạng, không luật sư bào chữa, không cho gia đình nạn nhân dự cuộc xử án.. 

Sau khi bắn xong, xác ông chúng không cho gia đình mang đi làm đám tang. Phải đến đêm bà con nội thân mới  bí mật ra mang xác ông đi chôn lén. Không có quan tài, không có áo liệm. Một ngày sau khi bố tôi bị bắt, lệnh của Trung ương mới về được làng biển của tôi là : ”Dừng xử án tất cả các địa chủ”. 

Nhưng ông đã bị bắn rồi ! 

Ông là người dân đánh cá hiền hậu, chỉ biết làm ăn lương thiện, nên khi bị đến 12 phát đạn nổ vang trời nhắm vào mình, thì “hồn xiêu phách lạc”. Từ đó, 57 năm qua (từ 1956- 2012), hồn ông  lang thang khất thực đây đó, không nhập được vào xác, nên tất cả chuyện cúng bái ông hàng năm đều  không có tác dụng gì.

Biết được việc này do một sự tình cờ. Đứa em trai út của Ngô Minh là Ngô Minh Phục bị đau bệnh quái ác “xơ gan cổ trướng”. Bệnh viện đa khoa Quàng Trị phải cấp cứu 3 lần, chuyền đến 5 lít máu. Bây giờ vẫn đang đau đớn… Vợ của Phục tên là Trần Thị Mừng thương chồng quá, ngoài việc chăm sóc chồng ở bệnh viện, nghe người ta đồn có thầy Thanh ở Gio Thái coi “âm” hay lắm, người coi khắp cả nước đều đổ về coi, có người phải xếp hàng cả tuần mới đến phiên coi. 

Đến phiên mình, Mừng chỉ hỏi thầy là chồng mình tuổi Mậu Ngọ, đang đau bệnh nan y, “có chuyện chi về phần âm không ?”. Thầy bảo : ”Chồng chị không có chuyện gì về phần âm cả. Cứ uống thuốc như lâu này, ba tháng sau sẽ đỡ. Nhưng tiện đây tôi nói  để chị về nói lại với anh em bên chồng. Là ông bố chồng chị bị chết oan. Ông mất năm Thân. Đến năm Nhâm Thìn này hồn vẫn chưa nhập xác. Phải tổ chức cầu hồn ông về. Ông  lâu nay lang thang đây đó, thỉnh thoảng lại về chỗ mình mất, rồi lại lang thang. Ông trách  mấy đứa con, đứa nào cũng có gia thất đàng hoàng mà không kêu oan cho ông…”

Chuyện đứa em dâu kể làm cho 4 anh tôi đau đớn khôn cùng. Thế là chuyện CCRĐ 56 năm nay, lại một lần nữa gây thương đau cho gia đình tôi. Thế nên anh em chúng tôi quyết định cầu hồn bố về với xác. Tôi đã xem  phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” của Andre Menras (có tên Việt là Hồ Cương Quyết ), trong phim có quay cảnh cầu hồn người đi quản lý Hoàng Sa, đi đánh cá Hoàng Sa không về của đồng bào Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lễ Cầu hồn  ba tôi cũng thực  hiện y chang như vậy. Chỉ khác là ông có xác, chứ người Lý Sơn  đi Hoàng Sa  chết mất xác, nên phải làm cái xác bằng tượng đất sét, để cầu hồn nhập vào. 

Lễ cầu hồn có bốn bàn cúng. Một bàn trước cửa  lăng mộ gọi là bàn thượng, để cầu thần đất, thần biển. Bàn cúng cạnh lăng mộ (gồm 3 mâm cơm với đủ đầu  heo, gà, xôi, chè, cá, thịt và nột chú cá chép, một con chim trắng để phóng sinh sau khi cúng và vô vàn loại giáo giấy vàng mã, để cúng cô hồn). Lễ cúng ngay trong mộ, có tượng nộm bằng giấy ghi danh của ba, mẹ tôi, cờ , bài vị, được treo trên 10 cây hóp có ngọn. Cúng ở mộ, thầy khăn đóng áo dài  đi đầu, đánh xanh, gõ mõ, đọc niệm chú  hai ba vòng quanh mộ. Theo sau là trưởng nam của bố tôi (tức anh đầu tôi, Ngô Văn Khương), cháu đích tôn, bưng bài vị, nhang nến. Thầy cúng xong, xin keo đằng đồng tiền cổ. Nếu keo thuận tức là việc cầu hồn thành công. Thầy chỉ xin một lần là được. Sau đó còn một lễ cúng ở nhà lúc nửa đêm, cúng để ba tôi nhập vào bàn thờ tộc họ. Phải đưa bài vị ông về đặt lên bàn thờ, tồi thầy đọc niệm chú suốt cả tiếng đồng hồ mới xong. Theo thầy nói thì phải ba ngày nữa ông mới nhập vào bàn thờ…

Cuộc đời ông sao mà khổ. Chết không đám ma, không lời trăng trối. Hàng mấy chục năm bị chính quyền liệt vào diện “phản động” mặc dù trong thời giảm tô đã trả lại thành phần, không còn địa chủ nữa. 

Câu chuyện về ông tôi đã viết trong “100 NGÀY VƯỢT TRƯỜNG SƠN”, các nhà xuất bản không dám cấp giấy phép, thế mà một người dân thường ở xã Gio Thái đã biết này là bố tôi bị giết oán, và làm cho bố tôi hồn nhập xác, trả lại sự thanh thản trong nỗi sợi hãi đau đớn cho bố tôi và gia đình.

Cầu mong trên đất nước này không còn người nào bị giết oan vì chính sách ngu si, rồi hồn xiêu phách lạc suốt 57 năm như bố tôi.

https://ngominhblog.wordpress.com/2012/08/16/bo-ngo-minh-57-nam-nay-hon-khong-nhap-xac/


TRẢ LỜI


  1. Xót xa quá anh ơi…..hàng triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp hay cả dân tộc bị nạn như vậy……mong sao lịch sử nhân loại đừng lặp lại thảm cảnh này.Mong gia đình bác bình an.

    • Cám ơn Quốc Bình

      • Câu chuyện thương tâm này không chỉ của gia đình Ngô Minh mà cũng còn là câu chuyện đau lòng của bao gia đình khác nữa ! Anh NM có thể cho xin địa chỉ hoặc điện thoại của ông Thầy Thanh Quảng trị để gia đình tôi Liên hệ về Gio Linh một chuyến được không ? Mọi thông tin xin Anh gửi vềHoalinhlan53@gmail.com . Cám ơn Anh nhiều và xin cầu chúc cho ba anh được siêu thoát về chốn Tây phương sau nhiều năm lưu lạc

      • Cầu mong hương hồn Cụ nơi chín suối mỉm cười mãn nguyện và linh thiêng phù hộ cho cho cháu, cho Đất nước!

        Gửi anh Ngô Minh, tự nhiên tôi lại nhớ bài thơ chúng ta “bị học” ngày bé nhưng bây giờ đọc lại muốn ứng vào đây: “…khôn thiêng xin chỉ mặt- gọi tên nó ra anh- nó là thằng đế quốc – nó là thằng thực dân…”.Tôi tin rằng những thằng ác ôn ngu xuẩn bắn vào Cụ 12 viên đạn, đã phải đền tội rồi anh ạ.

        Chúc anh và gia đình lấy được sự bình an sau khi làm được một việc lớn: trả lại sự công bằng cho Cụ và nhắc nhở cho con cháu chúng ta biết một thời đau thương không đáng có của dân tộc Việt Nam ta.


  2. Xin chia xẻ những oan khiên mất mát to lớn của gia đình bác Ngô Minh suốt ngót 60 năm qua. Gia đình GCM cũng bị qui sai trong CCRĐ khiến tan nát hết cửa nhà. Lý do đưa ra là nhà May có một nhà ngói 5 gian (nhà cấp 4). Mẹ May trong thời gian từ 1951 tới 1953 phải ra nhà thương Phủ Doãn ở Hà Nội chữa bệnh (bị Tây càn bắn vỡ đầu gối, khi ban đêm không chịu mở cửa – vì có tin chỉ điểm báo ông cậu ruột May – đi kháng chiến ở chiến ở chiến khu về nhận tiếp tế… tràng tiểu liên ngắn xuyên qua cánh cửa gỗ khiến anh ruột 5 tuổi của May bị đan xuyên tim chết tươi; người chị ruột 3 tuổi bị đạn xuyên qua tay…). Thời gian đó nhà cửa và 1 mẫu ruộng của gia đình May phải nhờ bà con hàng xóm trông nom giúp. Vào lúc địa phương không đủ phần trăm địa chủ do trên giao. Nên gia đình May được đưa vào danh sách “địa chủ bổ sung” đợt cuối với án “có thời gian phát canh thu tô” – dù “thu tô” chỉ là một nồi thóc nếp (14kg) để gói bánh vào dịp tết năm Nhâm Thìn-1952. Mặc dù sau đó đã được xuống thành phần. Nhưng trong lý lịch tất cả anh em chúng tôi khi đi thoát ly đều bị cái “án oan” đó đè nặng… cho mãi tới sau này khi anh cả của May ngã xuống ở B2 trên đường dây 559 mà thành kiến với “gia đình địa chủ” vẫn chưa buông tha…


    Nay nhân đọc bài này, thấy cùng cảnh ngộ lại càng cảm thông với nỗi mất mát và oan khiên to lớn không gì bù đắp được của gia đình bác Ngô Minh!

    Vậy xin phân ưu cùng bác và toàn qúi quyến! Cầu mong hương linh của cụ thân sinh nhà bác sớm được an nhàn nơi cõi tịnh độ!

    Gocomay

  3. Có học thời nay mà nói chuyện hồn với cốt! Cs giết người thân của mình vì lý do trời ơi đất hỡi thì có mà đầy! Chúng nó giết dân vô tội cách đây hơn nửa thế kỷ cũng có thể tha thứ được vì lý do chúng nó ngu dốt, bần cùng. Hiện nay đã được coi là xã hội văn minh( theo kiểu Cs) mà vẫn còn cảnh giết người vô cớ do chúng nó thì có đáng để chửi rủa hay không?

    • Tất cả lũ húng nó phải ga-đa-phi hết mới xứng đáng.

      Trời có mắt đấy.


  4. đúng!

    chính sách ngu si!

    nguyên nhân từ dốt nát mà ra.

    thế nhưng cứ phải tụng niệm rằng đảng ta sáng suốt!

    thật trơ trẽn!!


  5. Chào anh Ngô Minh! Xin được chia sẻ với anh. Bài viết này sẽ như một tiếng nói minh oan cho ông và cho bao người. Khốn nạn thay cho một thời đã qua- thời mà người ta lấy việc giết người làm thành tích cách mạng.

  6. Vô cùng thành tâm, xin chia buồn với Ngô Minh và đại gia đình.

    Tin rằng Cụ thông cảm cho con cháu, và từ nay Cụ sẽ mãi mãi được ở bên con cháu.

    Chuyện đau lòng của Gia đình Ngô Minh 67 năm qua, thực ra cũng nằm trong nỗi đau của toàn dân tộc Việt Nam gần 100 năm nay. Và cái nỗi đau cụ thể này thực ra cũng là từ những cái đầu u tối học được từ thày Tàu.
    Cái năm 56 đó, tôi hơn 10 tuổi, được chứng kiến buổi toà án lưu động xử án một bác mà sau này tôi mới biết là bí thư đảng bộ xã bị quy là Quốc Dân Đảng.
    Một hố sâu đào sẵn từ đêm, hai cây tre chôn ngay miệng hố. Khi toà hô “xử tử”, mấy dân quân chạy vào khiêng bác ấy trói vào hai cây tre. Rồi mấy khẩu súng bắn rất nhiều phát. Bác ấy hầu như không cựa quậy, chết ngay. Dân quân chặt dây trói, bác rơi tuột xuống hố. Dân quân cầm xẻng đã để sẵn cạnh đấy xúc đất lấp rất nhanh.

    Cả sân bóng làm nơi xử án đông nghịt người đến dự buổi xử án. Tất cả đều vỗ tay vang trời. Tôi chỉ nhớ bác ruột tôi tay vỗ theo, mặt tái nhợt vì sợ.

    Ngày hôm nay, thày Tàu vẫn đang lúc dạy, lúc đe đám học trò dốt nát và tham lam này.

    Đau đớn, càng đau đớn.

    Và còn đau đớn.


  7. Xin phép được hỏi anh Ngô Minh, em trai anh: Ngô Minh Phục có học cấp III Lệ Thuỷ, khoá 71-74 không?

  8. Để chân thực hơn, Bác Ngô Minh nên sửa là “súng trường” thay cho ” súng CKC” vì 1956 chưa có loại này.

  9. Sai làm cứ nôi tiếp sai lầm.Sai ròi sửa ,nhưng tính mạng con người và hệ luỵ của nó sao sửa được. Hay nhắc đến quá khứ để thế hệ hiện tại và tương lai đỡ sai lầm .

    Đề nghị nhà thơ Ngô Minh xem lạ chi tiết súng CKC trong bài viết vì theo tôi giai đoạn này súng này chưa thể có ở Việt nam ( có thể là k44 chăng).

    Link về súng Ckc http://vi.wikipedia.org/wiki/CKC


  10. Kính gửi anh Ngô Minh:Hôm nay được đọcbài của anh “Bố Ngô Minh 57 năm nay hồn không nhập xác” (em phải vượt tường lửa mới đọc được).Thật là xúcđộng bất ngờ vì hoàn cảnh nhà em cũng y như nhà anh vậy. Thấy anh lo đượccho bố của mình mà em cảm thấy đau đớn vô cùng vì chúng em không làm được như vậy.Xinđược chia sẻ nỗi đau này cùng với gia đình anh, và cũng mừng vì dù sao cụ cũng đã được siêu thoát. Mong có dịp được được trao đổi với anh thêm!

    P/S Em trai anh chắc không phải tuổi Mậu ngọ thì phải, nếu tuổi ngọ thì phải là Giáp ngọ (1954) bằng tuổi của em./.


    • Mậu ngọ 1978, bính ngọ 1966, giáp ngọ 1954.

  11. Chuyện của gia đình anh nhiều oan ức và thương tâm .Xin chia xẻ với anh & gia đình .

  12. Sao giống thời trung cổ vậy trời! Xin chia sẻ.

  13. Chúc mừng ông Ngô Minh đã đưa rước hương hồn Cụ về nhập xác.May cho gia đình gặp được ông thầy cao tay và tử tế nếu không Cụ đã chết khổ, chết sở vì bàn tay bạo tàn, hồn lại bị phiêu bạt như thuyền không bến đỗ.

  14. Trong lúc thủ lĩnh tuân lệnh Tàu thực hiện chính sách CCRĐ tàn ác ngày ấy lại vẫn hàng ngày được tôn thờ, kể cả được vọng bái trong chùa chiền.

  15. Còn nhiều người chết oan năm Mậu thân nữa Bác ạ.

  16. Mong bố bác sớm về đoàn tụ với con cháu

  17. Dù sao cũng mừng cho anh và gia đình đã đưa ông cụ về với thân tộc.

    Ông nội của em bị tòa cải cách ruộng đất ném xuống sông, gia đình không tìm ra xác của ông được …


  18. Vào trang ABS thấy có điểm tên bài viết này của anh , HG tôi tuy chỉ biết anh qua mạng internet cũng vào đây xin được chia sẻ cùng anh. Cho tôi gửi một nén tâm hương trước hương linh Cụ, mừng cho hương hồn cụ từ nay sẽ được an vui nơi chín suối.

    Cầu mong cho tất cả các oan hồn trong CCRĐ và trong cuộc chiến tranh được siêu thoát và được an vui miền cực lạc.


  19. Tội ác đã rõ. Nhưng anh Ngô Minh ạ: Xưa nay không có chế độ nào khi giành được chính quyền mà không đại xá thiên hạ, không cầu siêu cho các vong hồn đã mất , không miễn thuế, không khuyến khích sản xuất , thông thương. Chỉ duy nhất có chế độ cộng sản là tự cao tự đại nhẫn tâm làm những điêu thất đức(sau hai lần thành công). Vậy thì làm sao hi vọng có được hạnh phúc trong chế độ này. Nghiệp chướng nào nhân quả đấy.

  20. Kính anh Ngô Minh

    Tôi cứ tưởng ở vùng đồng chiêm trũng quê tôi :” Nam Định tứ cùng, Phong Ý vi tối” của đồng bằng Bắc bộ mới có chuyện đó. Nhưng tôi may mắn hơn anh vì ngày mai là ngày mang bố tôi đi bắn, thì đêm có lệnh dừng. Khốn nạn nhất là khi bố tôi bị giam cầm thì mẹ tôi lúc đó mang thai phải đi dân công, tôi đứa trẻ con mà sau này viết lên vần thơ tháng 3 như sau:

    Tháng Ba tháng của đời tôi:

    Cha đi hầu đội, mẹ thời dân công;

    Mưa bay, cái rét não nùng,

    Áo đơn bụng lép bạn cùng ổ rơm.

    Trẻ con nào biết nguồn cơn,
    Lớn lên, lớn những oán hờn Tháng Ba
    Tôi cầu chúc cho Cụ An siêu tịnh độ, vong hợp mộ, mộ hợp vong, âm dương quân lợi lạc
    Chúc toàn gia anh Ngô Minh mạnh giỏi


  21. Cải cách ruông đất là tội ác tày đình . .. và cho đến bây giờ vô vàn những tội ác tương tự đang diễn ra . . .

    • Cám ơn sự chia sẻ của anh Nguyễn Hồng Khoái.

  22. Anh Ngô Minh kính mến.

    Ngay từ lúc chừng 5-6 tuổi TĐ đã được nghe bố mẹ kể nhiều về CCRĐ. Toàn những chuyện thương tâm nhức nhối anh ạ. Nhưng Ngô Minh ơi lỗi thì đương nhiên tại những kẻ nhập khẩu cách mạng quái gở rồi. Nếu chỉ giải thích như vậy thì vẫn thấy lấn cấn thế nào ấy. Tại so văn hóa Việt Nam lại đẻ ra những câu tục ngữ, thành ngữ đai loại như thế này: LẤY OÁN TRẢ ÂN, BỚI BÉO RA BỌ, TÁT NƯỚC THEO MƯA, LỢI GIÓ BẺ MĂNG… Phải chăng đó là những mặt trái khủng khiếp của chính con người Việt nam ? Và những thứ đó đã góp phần làm nên những sai lầm khủng khiếp như CCRĐ và vô vàn những sai lầm chết người khác trên đất nước đau thương của chúng ta.

    Trình độ dân thấp. U mê tăm tối cả tin. Giới cầm quyền độc ác một cách ngu muội. Người dân hiền lành ngây thơ đến khờ khạo để rồi tàn ác với chính đồng bào của mình… Than ôi.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét